Đoàn kết, thống nhất, quyết tâm đã góp phần mang lại kết quả toàn diện, nhiều mặt xuất sắc của Bộ, ngành LĐ-TBXH trong năm 2017
Một năm làm rung chuyển mọi tấm lòng của người dân
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả công tác mà ngành LĐTBXH đạt được trong năm qua với nhiều điểm nhấn quan trọng nhất là việc tổ chức trọng thể, ý nghĩa lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. “ Một năm làm rung chuyển mọi tấm lòng của người dân, mọi cấp, mọi ngành. Chưa bao giờ người dân quan tâm đến đối tượng chính sách người có công như vậy. Bộ đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến người có công, việc giải quyết chính sách người có công tốt hơn, linh hoạt hơn, đồng thời quyết liệt trong đấu tranh chống tiêu cực trong lĩnh vực này” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Bên cạng đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ đã tập trung xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật, đề án. Hoàn thành 100% các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ; Tỷ lệ giảm nghèo Quốc hội giao với tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm khoảng 1,51% so với cuối năm 2016 (trong đó, các huyện nghèo giảm khoảng 5); Vấn đề xuất khẩu lao động với 134 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 127,6% kế hoạch; Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ đã triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế, có nhiều trường đào tạo nghề tốt xuất hiện với mô hình đào tạo đã được phát huy; Đảm bảo an sinh xã hội, đề xuất các giải pháp giúp đỡ người dân gặp khó khăn kịp thời. “Năm 2017, cả nước phải hướng chịu 16 cơn bão lớn, nhiều vùng từ miền Trung, miền Nam, miền Bắc bị ảnh hưởng từ thiên tai, thời tiết. Bộ đã thực hiện kịp thời công tác cứu trợ đột xuất; trong năm Chính phủ xuất cấp khoảng 38 nghìn tấn gạo cứu đói trong dịp Tết Đinh Dậu, đói giáp hạt đầu năm và hỗ trợ cứu đói cho các địa phương bị thiên tai, không để 1 người dân nào màn trời chiếu đất, đói cơm, đứt bữa” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thử tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu
Theo Thủ tướng, các lĩnh vực khác của Bộ có nhiều tiến bộ từ an toàn lao động, trẻ em, bình đẳng giới, công tác tuyên truyền. Quan hệ quốc tế của Bộ được đẩy mạnh, đặc biệt tổ chức thành công Đối thoại cao cấp APEC 2017 về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và kinh tế trong APEC, đã góp phần vào thành công chung của năm APEC Việt Nam 2017. Ký được một số văn kiện lớn với một số nước có thị trường lớn liên quan đến lĩnh vực của Bộ, ngành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm của toàn ngành LĐ-TBXH, trong đó có vai trò rất lớn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung với việc đi sâu, đi sát, bền bỉ, quyết liệt đối với từng lĩnh vực. Nhiều cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, bám sát thực tiễn cuộc sống của người dân. Mọi cán bộ, nhân viên ngành LĐ-TBXH từ Trung ương đến địa phương lao động nhiệt huyết, trí tuệ, trách nhiệm cao đã góp phần mang lại kết quả toàn diện, nhiều mặt xuất sắc của Bộ, ngành LĐ-TBXH trong năm qua.
Tuy nhiên theo Thủ tướng, mặc dù Ngành LĐ-TBXH đạt nhiều thành tích lớn nhưng vẫn tồn tại một số bất cập. Dẫn câu nói của Bác Hồ “Khiêm tốn bao nhiêu vẫn chưa đủ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một số vấn đề đề nghị Hội nghị cùng thảo luận.
Thứ nhất, chất lượng, hiệu quả trong một số lĩnh vực chưa được cải thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu pháp triển của đất nước như năng xuất lao động thấp, thu nhập bình quân của người lao động thấp, việc làm chưa ổn định, tỷ lệ thất nghiệp cao, nhất là sinh viên tốt nghiệp ra trường nhiều nơi chưa có việc làm.
Thứ hai, giáo dục nghề nghiệp chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ, chất lượng chưa đáp ứng, gắn kết nhu cầu với doanh nghiệp, xã hội.
Thứ ba, thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, nhất là vấn đề quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn bất cập. Đặc biệt là công tác quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài còn nhiều hạn chế, nhất là tình trạng lao động bỏ trốn, vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến uy tín một bộ phận lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ tư, tỷ lệ người lao động tham gia BHXH còn thấp, khó đạt được mục tiêu 50% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2020 theo Nghị quyết 21-NQ/TW. Ngoài ra tình trọng chốn, nợ đóng BHXH còn cao.
Thứ năm, việc giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo còn lớn, đời sống một bộ phận nhân dân nhất là vùng sâu, vùng xa vùng còn nhiều khó khăn, nhất là các huyện nằm trong diện 30a.
Thứ sáu, tệ nạn ma túy mại dâm diễn ra phức tạp; hiện tượng bạo hành trẻ em còn gây bức xúc trong xã hội; cải cách hành chính cần đẩy mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin chưa thực sự hiệu quả, số lượng các dịch vụ công mức độ 3,4 còn ít.
“Những tồn tại trên không chỉ là trách nhiệm của riêng Ngành LĐ-TBXH, mà là của toàn hệ thống chính trị, cần được xử lý đồng bộ. Nhưng trước hết Ngành LĐ-TBXH cần nghiêm túc, đánh giá tìm ra nguyên nhân, chủ động đề xuất phối hợp với các ngành có liên quan cùng vào cuộc, có biện pháp khắc phục để thực hiện tốt trong năm 2018” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Triển khai đồng bộ, quyết liệt 11 nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 01 –NQ/CP của Chính phủ
Năm 2018 là năm bản lề quan trọng để chuẩn bị các văn kiện, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và cũng là năm thứ 3 thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020, đồng thời Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 –NQ/CP với 9 nhóm và 242 nhiệm vụ cụ thể đối với từng ngành, địa phương trong đó Bộ LĐ-TBXH có 11 nhiệm vụ. Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ có kế hoạch chi tiết làm rõ hơn các nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho Bộ để toàn ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt ngay từ những ngày đầu của năm 2018.
Nhất trí với các mục tiêu, định hướng, giải pháp năm 2018 của Bộ đưa ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một số nhiệm vụ Ngành LĐ-TBXH cần tập trung.
1. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, khẩn trương xây dựng đề án cải cách tiền lương, đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trình Hội nghị TW lần thứ 7, một số vấn đề liên quan đến Bộ luật lao động và sửa đổi pháp lệnh ưu đãi người công với cách mạng; Rà soát các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để đề xuất sửa đổi, bổ sung ban hành thay thế chính sách mới phù hợp;
2. Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho nguồn nhân lực. Đó chính là chìa khóa thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; Nâng cao tính tự chủ của từng địa phương trong việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm gắn kết chặt chẽ với quy luật phát triển kinh tế xã hội, quy luật phát triển nguồn nhân lực; Hoàn thiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển đào tạo nghề đặc biệt là dạy nghề cho nông dân, cho vùng khó khăn, các đối tượng chính sách, chú ý lực lượng thanh niên nông thôn, thanh niên tốt nghiệp, lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, do chuyển dịch mục đích sử dụng đất. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các hệ thống cơ sở sự nghiệp đặt biệt là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội, triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở sự nghiệp công lập, thí điểm cổ phần hóa một số đơn vị sự nghiệp công.
3. Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phù hợp với từng quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Nghị quyết số 15-NQ/TW về một số vấn đề chính sách xã hội và Chỉ thị số 14/CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với chính sách người có công với cách mạng, thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ đối với người có công, chính sách giảm nghèo, làm sao để hỗ trợ người dân thoát nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn. Một số giải pháp cần đẩy mạnh hơn như cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau.
4. Những vấn đề tồn tại của Bảo hiểm xã hội, cần nâng dần tỷ lệ bao phủ của BHXH, mở rộng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đảm bảo quyền lợi, công bằng cho người lao động, duy trì bền vững quỹ BHXH.
5. Đề xuất và xử lý những vấn đề xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện phát triển bình đẳng cho trẻ em. Có phát động mạnh mẽ các biện pháp cụ thể đề phòng ngừa giảm bạo lực, xâm hại, đuối nước và tai nạn thương tích cho trẻ em, xác định rõ các cấp, ngành và người đứng đầu địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em. Đặc biệt tạo bước chuyển biến nhận thức về giới, tăng vị thế phụ nữ đảm bảo sự bình dẳng giới trong tham gia các hoạt động kinh tế xã hội. Đây là mục tiêu lớn của đất nước, của Đảng và LHQ.
6. Vấn đề cai nghiện cần xem xét mô hình cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, chuyển đổi hoàn toàn các cơ sở cai nghiện, rà soát sửa đổi bổ sung các quy định để rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục đưa người cai nghiện vào cai nghiện bắt buộc, tăng cường quản lý tư vấn, trợ giúp người cai nghiện. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, bỏ thủ tục rườm rà, chồng chéo đối với các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp, người dân, cải thiện môi trường kinh doanh. Việc khen thưởng, động viên tạo động lực phấn đấu của các cán bộ chính sách, quản lý của Ngành đi liền với việc kỷ luật nghiêm túc những đơn vị, cá nhân gây phiền hà. Đồng thời tăng cường thanh tra kiểm tra, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách pháp luật, nêu gương, phê phán những cá nhân không làm tốt việc này.
7. Chăm lo Tết Mậu Tuất năm nay, đề nghị quan tâm đặc biệt đến người cô đơn, người nghèo, người có công, người không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, người chịu thiên tai, người lao động ở các khu vực công nghiệp, người ở công trường, bệnh biện để mọi người, mọi nhà được đón tết, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Càng hội nhập sâu, ngành LĐ-TBXH và Công đoàn càng phải chủ động
Thủ tướng cũng nhấn mạnh ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia. Theo đó, tình hình triển khai các hiệp định thương mại tự do đều có chương, có điều về lao động, công đoàn, chúng ta phải quan tâm đến vấn đề đó vì đây là tiến bộ của nhân loại. Trong đó, có việc thực hiện nghiêm túc chế độ, quyền lợi cho người lao động được lưu ý đặc biệt. Do đó, chúng ta phải có biện pháp quan tâm, bảo vệ quyền lợi của người lao động, nhất là những hiệp định mới mà chúng ta sẽ ký.
“Điều gì sẽ xảy ra trong quan hệ lao động của nước ta là câu hỏi lớn đặt ra với cả ngành LĐ-TBXH và tổ chức Công đoàn. Đây sẽ là vấn đề lớn của giai cấp công nhân Việt Nam, của người Việt Nam và Bộ LĐ-TBXH phải chủ động phối hợp và đề xuất xử lý. Từ đó, vai trò của Bộ LĐ-TBXH và của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ là xử lý thể chế, nhất là Luật Lao động. Phải nắm tình hình công nhân và người lao động sát hơn nữa, quan tâm đến quyền lợi chính đáng của họ, nhất là các thiết chế văn hóa cần thiết như: Nhà ở, trường học, phúc lợi… chứ không thể nói suông”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TBXH và tổ chức công đoàn phải đặt ra các tình huống để suy nghĩ cách chủ động ứng phó khi tham gia các hiệp định kinh tế lớn. Một thị trường rộng lớn, hội nhập sâu với các hiệp định thế hệ mới, vai trò quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TBXH và vai trò tổ chức người lao động của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần phải được tăng cường.
Nguồn molisa.gov.vn