Tọa đàm chính sách giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phát triển
TEV:Ngày 31/3/2018, tại Hà Nội Trung tâm Hướng nghiệp và tiếp sức trẻ học hòa nhập tổ chức Tọa đàm Chính sách giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phát triển lần thứ nhất. Đây là sự kiện hưởng ứng ngày Thế giới nhận thức về trẻ tự kỷ (2/4/2018).
Mục đích của tọa đàm nhằm thảo luận và tìm hiểu về những bất cập, thiếu hụt trong luật pháp, chính sách liên quan đến trẻ tự kỷ để xây dựng, đề xuất chính sách gửi đến các cơ quan chức năng nhằm quan tâm bảo vệ quyền của trẻ tự kỷ.
Là một trong những Trung tâm hoạt động trong lĩnh vực can thiệp, hỗ trợ trẻ rối loạn phát triển trong nhiều năm qua, Trung tâm Hướng nghiệp và tiếp sức trẻ học hòa nhập trực thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã và đang hỗ trợ can thiệp cho hàng trăm trẻ em rối loạn phát triển phổ tự kỷ đi học hòa nhập tại các trường phổ thông công lập. Ông Lê Đình Tuấn, Giám đốc trung tâm cho biết hiện nay trẻ tự kỷ chưa được công nhận là trẻ khuyết tật vì vậy các em không được hưởng các chế độ chính sách của nhà nước, đặc biệt là những chính sách ưu tiên trong giáo dục.
Thực tế cho thấy nhiều em mắc chứng tự kỷ có khả năng học tốt một vài môn như tiếng anh, mỹ thuật. Tuy nhiên các em thường học kém các môn như tiếng Việt, toán và nhút nhát, ngại ngùng trong giao tiếp, hay bị các bạn khác trêu trọc bắt nạt…Nhưng khi tham gia học hòa nhập các em phải học đầy đủ các môn học và được đánh giá qua các bài thi như học sinh bình thường. Ở bậc học THCS các em có thể tiếp cận được, tuy nhiên khi phải thi lên bậc THPT thi cơ hội vào học tại các trường THPT sẽ rất khó khăn.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Bình, giáo viên trường THCS Khương Thượng (Hà Nội) chia sẻ: Số lượng học sinh có triệu chứng tự kỷ ngày càng nhiều hơn. Học sinh THCS có nhiều thay đổi về sinh lý ở giai đoạn dậy thì, với trẻ tự kỷ có nhiều hành vi đặc biệt hơn các bạn khác. Chính những hành vi này đã tạo ra sự cản trở và là nguyên nhân khiến các em không được học hòa nhập nữa.
Theo Bà Trương Ngọc Lan, giáo viên dạy trẻ tự kỷ tại Trung tâm Hướng nghiệp và tiếp sức trẻ học hòa nhập thì cần cho trẻ em tự kỷ một số kỹ năng cần thiết để trẻ tự kỷ có thể hòa nhập với trường học phổ thông như: Kỹ năng kiềm chế; kỹ năng tự phục vụ; kỹ năng hợp tác; kỹ năng làm theo yêu cầu; kỹ năng nhận thức.
Chị Hoàng Thị Tuyết Nhung có con bị tự kỷ từ 3 tuổi, Chị Nhung đã cho con theo học can thiệp tại Trung tâm hướng nghiệp và tiếp sức trẻ học hòa nhập và học hòa nhập tại trường THCS Nguyễn Trãi. Năm nay con trai chị đã 14 tuổi và chuẩn bị chuyển lên trường THPT. Gia đình đã cho cháu đi khám tại bệnh viện Bạch Mai để các bác sỹ khám và kết luận về tình trạng của cháu. Theo kết luận cháu chỉ bị tăng động nhẹ và không thuộc diện trẻ khuyết tật. Như vậy là trong kỳ thi sắp tới lên THPT cháu sẽ phải thi các môn học theo quy định và không được nhận bất kỳ sự ưu tiên nào. Như vậy cơ hội vào học tại trường công lập của cháu gần như không còn bởi thực tế bản thân cháu đang có lực học không bằng các trẻ em bình thường khác.Tôi rất mong muốn những trẻ em bị chứng tự kỷ như con tôi được hưởng các chính sách của nhà nước để đảm bảo quyền học tập.
Tại tọa đàm, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện và can thiệp sớm để có tác động tốt nhất đến sự phát triển của trẻ có dấu hiệu rối loạn phát triển.
Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Ông Trần Ngọc Thạch cho rằng cuộc tọa đàm rất có ý nghĩa về mặt tổng hợp thông tin thực tiễn. Qua hoạt động thực tiễn sẽ nhận thấy những vướng mắc, thiếu hụt về chính sách cho trẻ em tự kỷ để từ đó đề xuất các kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng nhằm hoàn thiện chính sách và bảo vệ quyền lợi cho trẻ em rối loạn phát triển. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam quan tâm và sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan bảo vệ quyền trẻ em.
Mạnh Dũng