Thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em
TEV: Ngày 13/12/2019 tại Hà Nội, buổi đối thoại “Thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em” do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển bền vững (MSD), Trung tâm Phát triển thôn miền Trung Việt Nam (CRD) tổ chức đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu đại diện cho cơ quan Nhà nước, Cục trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội đồng Đội TW – Đoàn TNCS HCM, và các thành viên mạng lưới các tổ chức xã hội làm việc về trẻ em (CRG), đại diện phụ huynh, nhà trường và trẻ em thuộc CLB Phóng viên nhỏ trường Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội, CLB Phóng viên nhỏ – Nhà thiếu nhi tỉnh Quảng Bình và Hội đồng trẻ em thành phố Hồ Chí Minh.
Thông điệp của các tổ chức xã hội đưa ra trong buổi đối thoại “Lan tỏa yêu thương – Đẩy lùi bạo lực, tất cả các bên liên quan cần chung tâm, chung trí, chung sức và hành động bảo vệ quyền trẻ em, hoàn toàn chấm dứt trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em dưới mọi hình thức” đã xuyên suốt được những khuyến nghị được đưa ra vai trò của cơ quan nhà nước, nhà trường, phụ huynh, các tổ chức làm việc về trẻ em trong nhận thức, hành động để thúc đẩy hơn nữa việc không sử dụng bạo lực trong giáo dục trẻ em trong cả môi trường gia đình, nhà trường và ngoài xã hội.
Những thông điệp “Giáo dục trẻ em bằng tình yêu thương”,“Dạy trẻ không dọa trẻ”, “Trẻ nên người không phải bởi đòn roi” mà trẻ em đưa ra trong buổi đối thoại đã cho thấy các em thực sự mong muốn sẽ được trưởng thành, giáo dục trong một môi trường không bạo lực. Theo Em Lê Trà My – trường Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội đưa ra mong muốn chia sẻ với bố mẹ đó là chính là bố mẹ không nên so sánh con với bạn khác, không nên kỳ vọng con quá nhiều bởi chính các em cũng đã tự so sánh mình với bạn để tốt hơn, hoàn thiện mình hơn vì vậy bố mẹ đừng gây áp lực thêm cho con, hãy để con đến trường mỗi ngày bằng một niềm vui.
Thành viên CLB Phóng viên nhỏ trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu phát biểu
Đồng tình với thông điệp này của trẻ em, bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng cho rằng phụ huynh không nên áp đặt, đưa gánh nặng quá sức với trẻ em bởi trẻ em không phải sinh ra giống nhau, bố mẹ cần biết con mình có điểm mạnh, điểm yếu nào nên khích lệ các con trước rồi hãy nói mong muốn của bố mẹ nhưng cũng không phải biến mong muốn đó trở thành gánh nặng đối với con trẻ nhất là trẻ em lứa tuổi dậy thì.
Về vấn đề chính sách để bảo vệ trẻ em khuyết tật, trẻ em độ tuổi từ 0-6 tuổi là những nhóm đối tượng trẻ em khó có thể lên tiếng trước việc các em bị bạo lực, xâm hại. bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng – Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH cho rằng cần tập huấn quy trình bảo vệ trẻ em đối với người đứng đầu cấp cơ sở như Chủ tịch UBND cấp xã, phường bằng hình thức tập huấn online để có điều kiện thực hiện thuận lợi hơn. Bên cạnh đó Hội đồng nhân dân các cấp cần có cuộc gặp hàng năm đối với trẻ em để thu thập ý kiến của trẻ em ngoài mô hình Hội đồng trẻ em ở các cấp tỉnh/TP hiện nay. Tuy vậy, không có cơ quan, tổ chức nào hoạt động độc lập trong bảo vệ trẻ em mà luôn cần sự chung tay của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, nhà trường và gia đình trong việc phòng chống trừng phạt trẻ em.
Bên cạnh đó, năm 2020 Bộ LĐTBXH sẽ rà soát đánh giá các chính sách, đề án mà Chính phủ đã phê duyệt đến năm 2020, hiện nay Bộ LĐTBXH đang lấy ý kiến để mở rộng phạm vi được hưởng đối tượng trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước trong đó có mở rộng tới trẻ em khuyết tật và nâng mức trợ giúp cho nhóm đối tượng được hưởng chính sách. Lứa tuổi trẻ em từ 0-6 tuổi cũng xác định sự phát triển đầu đời rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ em. Năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển toàn diện trẻ thơ có quy định sự tham gia của các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương để đưa Đề án vào cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Thái An – Ủy viên BCH TW Đoàn TNCS HCM, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương cho rằng cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, bố mẹ và chính trẻ em thay đổi hành vi, thói quen về giáo dục trẻ em bằng bạo lực và TW Đoàn TNCS HCM đã tổ chức những lớp giáo dục tiền hôn nhân cho thanh niên, thầy cô giáo tiêu biểu là giáo viên tổ chức Đội là người gần gũi, trực tiếp nắm bắt tâm tư tình cảm của các em.
Hình thức truyền thông trên mạng xã hội cũng cần đẩy mạnh, đưa ra thông điệp truyền thông ngắn gọn, có hình phù hợp thị hiếu của học sinh, tăng thời lượng, thời điểm phát sóng truyền thông về quyền trẻ em để tiếp cận nhóm đối tượng đích là trẻ em một cách hiệu quả.
Buổi chiều, 2 phiên đối thoại về “Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em để chấm dứt trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em” và “Thúc đẩy kỷ luật tích cực trong nhà trường và gia đình” đã được tổ chức để đại biểu có thời gian tham gia thảo luận, đưa ra được những khuyến nghị cụ thể, thiết thực nhằm xóa bỏ bạo lực trong giáo dục trẻ em cả trong môi trường gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Hướng Dương