Đạo đức nhà báo viết về trẻ em
Báo chí đóng vai trò rất quan trọng và đã tham gia tích cực trong việc truyền thông về các vấn đề trẻ em và tham gia bảo vệ trẻ em. Để chức năng này được thực hiện một cách có hiệu quả, lại không vi phạm quyền trẻ em, những người làm báo cần:
- Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức pháp luật khi truyền thông về trẻ em; chia sẻ các giá trị đạo đức cụ thể trong truyền thông bảo vệ trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ.
- Phải đứng trên cơ sở tiếp cận dựa trên Quyền trẻ em, luôn vì lợi ích tốt nhất của trẻ khi viết bài về trẻ em và viết cho trẻ em
- Phải có chiến lược lâu dài, sự bền bỉ và tâm huyết của những ngòi bút quyết tâm bảo vệ trẻ em trên cả 3 cấp độ: giáo dục phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.
- Có trách nhiệm cần cung cấp bức tranh đầy đủ, tính xác thực với những bài báo có chất lượng, có chuyên môn nghiên cứu sâu, đa chiều, toàn vẹn, chính xác vừa đảm bảo việc bảo vệ sự thật, vừa bảo vệ trẻ em.
- Hiểu các đặc điểm phát triển về tâm lý của trẻ, cách suy nghĩ của trẻ, biết cách lắng nghe, tôn trọng quyền được lắng nghe và quyền tham gia của trẻ và khuyến khích trẻ tham gia vào những vấn đề liên quan đến trẻ em.
- Thực hành các kỹ năng giao tiếp với trẻ em, kỹ năng phỏng vấn trẻ em, kỹ năng thể hiện tác phẩm thông qua việc sử dụng đúng, thành thạo và chính xác các thuật ngữ về trẻ em trên báo chí.
- Các “ranh giới” rất mong manh và các tranh luận trong nghiệp vụ báo chí và nguyên tắc bảo vệ trẻ em, không có gì hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai, nhưng nhà báo có tâm cần phải đặt lên trên hết lợi ích của trẻ để có thể viết bài có trách nhiệm, để tránh tình trạng “trẻ em “vô tình” bị xâm hại một lần nữa bởi nhà báo.
- Nâng cao nhận thức về vai trò của nhà báo, nhà quản lý cơ quan báo chí về đảm bảo quyền trẻ em, cần tiếp cận, bổ sung kiến thức chuyên sâu về nội dung của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và các quy định trong hoạt động chuyên môn báo chí liên quan đến trẻ em nói riêng.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam mong muốn cùng đồng hành với những người làm báo có tâm huyết với nghề, có đạo đức khi viết về trẻ em và viết cho trẻ em để vấn đề bảo vệ quyền trẻ em được thực hiện hiệu quả trên lĩnh vực báo chí truyền thông hiện nay.
Tài liệu tham khảo: Sách chuyên khảo “Nhà báo với trẻ em: Kiến thức và kỹ năng” của TS.Nguyễn Ngọc Oanh – Học viện Báo chí và Tuyên truyền