Tập huấn về “Kiến thức và Kỹ năng thực hành Quyền trẻ em và Bảo vệ trẻ em”
Trong 02 ngày 02-03/6/2022 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (Hội) đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực về “Kiến thức và kỹ năng thực hành Quyền trẻ em và Bảo vệ trẻ em” dành cho các thành viên mạng lưới của Hội. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực bảo vệ trẻ em” do tổ chức ChildFund Việt Nam tài trợ.
Tham dự lớp tập huấn là những học viên đến từ các cơ sở mạng lưới của Hội tại 10 tỉnh/TP như Hà Nội, Bắc Giang, Nam Định, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bạc Liêu, TP Hồ Chí Minh và một số cơ sở Trung tâm, Chi hội trực thuộc tại Hà Nội.
Trong 2 ngày tập huấn, các học viên đã được chuyên gia Lê Ngọc Bảo – Trưởng nhóm chuyên gia Quyền trẻ em và Bảo vệ trẻ em của tổ chức ChildFund Việt Nam trao đổi những kiến thức tổng quan về Quyền trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
Đặc biệt, các học viên đã được Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam chia sẻ thông tin về một số vấn đề liên quan tới trẻ em nổi cộm hiện nay và những thuận lợi và khó khăn của cơ quan Nhà nước trong quá trình hỗ trợ, xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Những thông tin cập nhật về bảo vệ trẻ em đã giúp các học viên có bức tranh tổng quát về sự tham gia của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội đặc biệt là Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trong bảo vệ trẻ em hiện nay.
Chia sẻ tại buổi tập huấn, Cục trưởng Đặng Hoa Nam nhấn mạnh rằng Hội có thể cùng Nhà nước thực hiện các dịch vụ hỗ trợ trẻ em tại cộng đồng khi được ủy quyền. Trong nhiều trường hợp cơ quan Nhà nước hỗ trợ trẻ em là nạn nhân bạo lực, xâm hại sau khi kết thúc kế hoạch can thiệp, hỗ trợ hoặc quy trình tư pháp thì trẻ em là nạn nhân không còn được hỗ trợ giai đoạn sau đó vì vậy rất cần sự tham gia của cộng đồng xã hội, của các tổ chức xã hội trong các hoạt động hỗ trợ trẻ em để giúp trẻ tái hòa nhập cộng đồng.
Thông qua nội dung tập huấn, học viên cũng đã được hiểu rõ hơn về những quy định về chức năng, nhiệm vụ của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tại Khoản 4 Điều 92 Luật Trẻ em trong công tác giám sát, vận động chính sách bảo vệ trẻ em cũng như những biện pháp thực tiễn mà các cơ sở Hội có thể học hỏi và áp dụng tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương.
Các học viên đã có những phần chia sẻ sôi nổi về những khó khăn trong quá trình tham gia góp ý văn bản, chính sách liên quan tới trẻ em tại địa phương. Những phần trao đổi về cách thức, biện pháp mà Hội địa phương có thể tham gia trong vận động chính sách cấp cơ sở của Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa đã giúp cho học viên đã có nhận thức hơn về vai trò và trách nhiệm của Hội trong tham gia phản biện chính sách liên quan tới trẻ em ở địa phương như chủ động góp ý văn bản, chính sách; phát biểu chính kiến tại hội nghị, hội thảo, đối thoại, làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương… Đặc biệt, Chủ tịch Thanh Hòa nhấn mạnh hoạt động các cơ sở Hội không nên chỉ tập trung vào hoạt động bảo trợ cho trẻ mà cần có thay đổi và tập trung hơn vào mảng bảo vệ trẻ em, đó chính là điểm khác biệt giữa Hội Bảo vệ quyền trẻ em với các tổ chức Hội từ thiện, bảo trợ trẻ em hiện nay.
Bên cạnh đó, quy trình và kỹ năng xử lý các ca vi phạm quyền trẻ em đã được luật sư Lê Thị Hoàng Yến – Phó trưởng ban Giám sát, tư vấn bảo vệ quyền trẻ em chia sẻ đã giúp cho các học viên hiểu hơn về những việc người cán bộ tư vấn, hỗ trợ có thể làm để hỗ trợ cho trẻ em đang là nạn nhân của bạo lực, xâm hại như thu thập thông tin, tư vấn – hỗ trợ, rà soát – đánh giá và có kế hoạch hỗ trợ – can thiệp.
Luật sư Trần Văn Chương – Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em đã có những chia sẻ về thực tiễn trong hỗ trợ trường hợp điển hình về vụ việc bạo lực trẻ em trong đó luật sư cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tố tụng và sự can thiệp của luật sư trước các vụ việc đó như báo cáo và làm việc với với cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc, bảo vệ quyền của trẻ em bị bạo lực, xâm hại với tư cách là luật sư bảo vệ trẻ em…
Tại lớp tập huấn, các học viên cũng đã được giới thiệu về “Chính sách bảo vệ an toàn cho trẻ em” cần được lồng ghép thực hiện trong quá trình làm việc để đảm bảo sự tôn trọng và bảo vệ an toàn cho trẻ em trong tất cả các hoạt động do Hội tổ chức và thực hiện. Học viên đã trao đổi về những hoạt động tổ chức ở địa phương dành cho trẻ em như tổ chức diễn đàn, tổ chức sự kiện cho trẻ em cần phải đảm bảo nhiều yếu tố về nội dung, nhân lực, công tác tổ chức hậu cần để đảm bảo sức khỏe, an toàn và sự tham gia tự nguyện của trẻ em trong quá trình tham gia hoạt động do cơ sở Hội tổ chức.
Chị Trần Thị Thanh Vân – Câu lạc bộ Âu Lạc chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia lớp tập huấn về quyền trẻ em. Trước đây tôi hoạt động tình nguyện nhiều với trẻ em, với học sinh tại các trường dân tộc nội trú ở vùng sâu, vùng xa nhưng vẫn là tự phát và có thể chưa chú tâm tới bảo vệ quyền trẻ em. Được tham gia lớp tập huấn, tôi đã hiểu biết thêm về luật pháp và cảm thấy có thể mở rộng hơn phạm trù tham gia của tôi trong hỗ trợ cho trẻ em. Tôi mong rằng những nội dung bảo vệ trẻ em sẽ được Hội mở rộng hơn nữa để lan tỏa trong cộng đồng, trong những người làm thiện nguyện để giúp họ có nhận thức hơn về việc làm thiện nguyện tốt rồi những cũng phải theo quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền và sự an toàn cho trẻ em”.
Chia sẻ về định hướng nâng cao năng lực của cơ sở Hội trong bảo vệ trẻ em thời gian tới, ông Lương Thế Khanh – Phó Chủ tịch Hội nhận định: “Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục có những lớp tập huấn nâng cao năng lực cho những người cán bộ mới làm công tác bảo vệ trẻ em và những người chưa tham gia tập huấn do Hội tổ chức. Hội sẽ lựa chọn chủ đề tập huấn kỹ năng cụ thể như kỹ năng xử lý ca vi phạm pháp luật quyền trẻ em; kỹ năng thu thập thông tin/ kỹ năng tổ chức diễn đàn; kỹ năng góp ý, tư vấn chính sách; kỹ năng phát biểu chính kiến; kỹ năng truyền thông v.v. một số chuyên đề tổng hợp”.
Thông qua lớp tập huấn, các học viên phần lớn là đội ngũ cán bộ trước đây được đào tạo và công tác ở nhiều ngành nghề khác nhau tham gia hoạt động Hội được hiểu hơn về tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội và một số kỹ năng cơ bản giúp cho cán bộ hoạt động ở địa phương, cơ sở được tốt hơn. Cũng từ lớp tập huấn các học viên được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động ở địa phương mình và cam kết tham gia hoạt động tốt hơn trong mạng lưới bảo vệ trẻ em (Crnet) do Hội điều phối trong thời gian tới.
Công tác nâng cao năng lực về kiến thức và kỹ năng cho các thành viên mạng lưới Hội ở cơ sở sẽ tiếp tục được Hội triển khai thực hiện để góp phần bảo vệ trẻ em hiệu quả tại địa phương.
Song Hà