Sự thấu hiểu của cha mẹ là chìa khóa vàng cho suốt đời con
Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2022, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đã có những chia sẻ tâm huyết về những vấn đề liên quan tới gia đình mà ở đó cha mẹ và con cần có sự gắn kết để cùng tạo dựng một môi trường gia đình an toàn, hạnh phúc cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.
PV: Theo bà, cha mẹ cần quan tâm tới những vấn đề gì để xây dựng một gia đình an toàn, hạnh phúc cho con?
TL: Phải khẳng định việc làm của cha mẹ là không hề dễ dàng, phải được học, tìm hiểu kiến thức, kỹ năng. Phải nhận thức rằng mỗi lời nói, cử chỉ, hành động của cha mẹ sẽ là hình mẫu để con học theo.
Vì vậy, cha mẹ cần cân nhắc, thận trọng trong từng lời ăn, tiếng nói cử chỉ để không làm con buồn, lo lắng, tự ti không gây tổn thương về tâm lý, tình cảm cho con. Mỗi đứa trẻ có tính khí khác nhau mà (khí chất) tính khí có đặc điểm là bẩm sinh duy nhất, độc đáo, có lợi thế, có thách thức, ổn định theo thời gian.
Cha mẹ không nên so sánh con mình với con nhà người ta để vô tình tạo áp lực cho con mình. Việc cha mẹ mong muốn con tiến bộ, trưởng thành, học giỏi… là chính đáng nhưng không thể vì thế mà tạo những xung đột, những căng thẳng, thậm chí “Thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Tối kỵ là để trẻ phải chứng kiến sẽ thành nỗi ám ảnh, trẻ sẽ học theo cách giải quyết. Đó cũng là bạo lực tinh thần với trẻ.
Tóm lại, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc là đã tạo một nền tảng vững chắc cho tương lai tốt đẹp và cho những thành công của trẻ. Vì vậy mọi người, các thành viên gia đình, gồm cả trẻ em đều cần chung tay vun đắp.
PV: Yếu tố nào theo bà là quan trọng để tạo nên mối quan hệ bền vững và tốt đẹp giữa cha mẹ và con?
TL: Thường cha mẹ hay chỉ nhìn vào các hành vi của trẻ mà không nhìn những cái bản chất đằng sau của hành vi đó. Tức là cha mẹ cần thấu hiểu suy nghĩ và cảm xúc của trẻ. Việc này rất quan trọng, nó thể hiện sự yêu thương, tôn trọng trẻ, chia sẻ đồng cảm với trẻ, lắng nghe trẻ sẽ có tác dụng tạo sự cởi mở, không tạo khoảng cách giữa cha mẹ và con. Dù vui, buồn, khó khăn, con tìm đến chia sẻ tâm sự, trò chuyện, cha mẹ hiểu và giúp con giải quyết vấn đề.
Có trường hợp khi thấy con đi học về muộn, hầu hết các bậc cha mẹ cảm thấy bực bội, nóng giận thậm chí quát con, quy kết con la cà, chơi bời… mà không tìm hiểu vì sao con về muộn. Thực ra con về muộn có thể vì ở lại giúp một bạn giải bài toán, đưa một bạn về nhà vì bạn hơi mệt….Con có giải thích nhưng cha mẹ không tin, cho là con nói dối, hư trong khi cha mẹ muốn con mình có phẩm chất giúp đỡ bạn bè. Đáng lẽ cha mẹ phải hoan nghênh con đã không ngại mà giúp bạn. Việc làm này rất đáng khen. Vì vậy sự thấu hiểu của cha mẹ là chìa khóa vàng cho suốt đời con, tác động tích cực đến sự trưởng thành của trẻ.
PV: Có quan niệm cho rằng: Thành công chưa chắc đã hạnh phúc nhưng hạnh phúc chính là thành công. Bà có ý kiến thế nào đối với quan điểm này?
TL: Trước hết hiểu “hạnh phúc” là gì? Đó là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó không chỉ vật chất; là sự hài lòng về những gì mà mình đang có. Gia đình có vai trò quan trọng trong hình thành nhân cách con người. Đối với trẻ em được sống trong một gia đình an toàn là niềm hạnh phúc. Không khí gia đình luôn chan hòa cùng tràn ngập niềm vui lớn lao của con trẻ. Trẻ sẽ được yêu thương, được thực hiện các quyền và bổn phận của mình sẽ có điều kiện phát triển toàn diện.
Tất nhiên cuộc sống không dễ gì chỉ có thuận lợi, trải hoa hồng, không tránh khỏi những đối nghịch nhưng vấn đề là ngồi lại với nhau để trao đổi, tránh có những cuộc cãi vã. Có như vậy trẻ em mới thực sự cảm thấy hạnh phúc khi sống trong gia đình của mình.
PV: Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có những hoạt động ưu tiên nào để thực hiện quyền của trẻ em hiện nay?
TL: Hội là tổ chức xã hội quy tụ, tập hợp những tổ chức, cá nhân có tình cảm yêu thương trẻ, tâm huyết, có trí tuệ để cùng tham gia việc thực hiện quyền trẻ em theo đúng quy định của pháp luật. Trách nhiệm của Hội được quy định tại Khoản 4 Điều 92 Luật Trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tập trung chính vào 2 nhóm quyền bảo vệ và nhóm quyền tham gia của trẻ.
Các hoạt động của Hội theo định hướng các hoạt động nghiên cứu, phản biện chính sách, góp ý cho các văn bản pháp luật, chính sách của các cơ quan Nhà nước liên quan tới trẻ em đồng thời lên tiếng, phát biểu chính kiến trước các vụ việc vi phạm quyền trẻ em trên các phương tiện truyền thông và tại các hội nghị, diễn đàn, đối thoại… nhằm góp phần bảo vệ tốt hơn quyền của trẻ em đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, Hội cũng tăng cường kết nối, xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em và thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ bảo vệ trẻ em đặc biệt là trẻ em bị vi phạm quyền. Hội cũng tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội, các Bộ , ngành liên quan tới việc thực hiện quyền trẻ em tại địa phương.
Hội cũng triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em thông qua tổ chức diễn đàn trẻ em; lấy ý kiến trẻ em về các vấn đề liên quan tới trẻ và các văn bản, chính sách liên quan tới trẻ em; tập huấn về quyền và những kỹ năng cần thiết cho trẻ; hỗ trợ trẻ em tham gia các diễn đàn, đối thoại cấp khu vực; hướng dẫn trẻ xây dựng các sản phẩm truyền thông như video clip nói lên tiếng nói của trẻ em về những vấn đề mà các em quan tâm như cuộc sống của trẻ trong thời kỳ Covid 19, ý kiến của trẻ em về chăm sóc sức khỏe tâm thần; quyền trẻ em trên môi trường kỹ thuật số, quyền trẻ em với môi trường sống an toàn, lành mạnh…
Hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng trong đó có cả người lớn và trẻ em về Quyền trẻ em cũng được Hội chú trọng. Đặc biệt Hội đang triển khai Chương trình “Kỷ luật tích cực” hướng dẫn cha mẹ sử dụng biện pháp giáo dục không bạo lực với trẻ trên nền tảng 3 trụ cột (Hiểu sự phát triển lành mạnh của trẻ; làm cha mẹ tốt; quyền trẻ em) và 2 công cụ (Ấm áp: an toàn, tin tưởng và Cấu trúc: thông tin, hướng dẫn). Đây thực sự là chương trình hướng dẫn thực hành tốt để cha mẹ có thể thấu hiểu trẻ và có những biện pháp giáo dục phi bạo lực trong quá trình nuôi dạy trẻ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!