Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội trong bảo vệ trẻ em
Sáng 17/11/2022, Ủy ban Quốc gia về trẻ em họp phiên thường kỳ năm 2022 tại trụ sở Chính phủ với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Chủ tịch Ủy ban và các Phó Chủ tịch.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà – Ủy viên Thường vụ Ủy ban đã báo cáo tóm tắt kết quả phối hợp việc thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về quyền trẻ em 2022 của các cơ quan thành viên Ủy ban quốc gia về trẻ em, đồng thời cũng đưa ra kế hoạch công tác năm 2023 của Ủy ban trong đó Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng nhấn mạnh rằng trong năm 2023 ngoài các nhiệm vụ trọng tâm, sẽ tiếp tục phối hợp với tổ chức đoàn thể là Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để nhân rộng mô hình Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em.
Trong phần thảo luận, các thành viên Ủy ban đã có phần chia sẻ nhiều nội dung liên quan tới trẻ em đã triển khai trong năm qua như cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em vùng sâu, vùng xa; tham vấn tâm lý học đường cho trẻ; chuẩn hóa hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em; nâng cao năng lực cho cán bộ điều tra các vụ xâm hại trẻ em; kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư – trẻ em; thực hiện Chương trình Tương tác lành mạnh, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; ngân sách dành cho thực hiện bảo đảm quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; mô hình thực hiện quyền tham gia và giám sát việc thực hiện nguyện vọng của trẻ em; nâng cao năng lực cho cán bộ phụ nữ về công tác trẻ em…
Đặc biệt, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng đã có báo cáo kết quả hoạt động của Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em năm 2022 trong đónêu rõ Hội hiện có 03 mô hình Luật sư bảo vệ quyền trẻ em trên toàn quốc bao gồm: Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Hồ Chí Minh, Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em và Câu lạc bộ Luật sư, luật gia và hội thẩm nhân dân. Các mô hình Luật sư bảo vệ quyền trẻ em đã tham gia vào truyền thông, tuyên truyền pháp luật về quyền trẻ em cho trẻ em, gia đình và người chăm sóc trẻ tại nhiều địa bàn tỉnh, thành phố trên cả nước. Nội dung truyền thông pháp luật tập trung vào các chủ đề: Quyền trẻ em; các biện pháp phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em; Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng;… thông qua các hình thức khác nhau như truyền thông trực tiếp tại trường học; tổ chức “Phiên toà giả định” trong trường học và ngoài cộng đồng; truyền thông, tư vấn qua các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, năm 2022 Chi hội luật sư nói chung của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã cử luật sư tham gia hỗ trợ cho 13 vụ án xâm hại trẻ em tại các tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Tp.Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Nội. Trong đó, nhiều vụ án đã có kết quả đáng ghi nhận; một số vụ án vẫn đang trong quá trình xử lý. Trong quá trình hỗ trợ các vụ án bảo vệ trẻ em, các Chi hội, Câu lạc bộ đã chủ động kết nối với một số địa chỉ để hỗ trợ cho trẻ em như: bệnh viện Từ Dũ, Ngôi nhà Bình Yên của Hội Liên hiệp Phụ Nữ, mạng lưới các mái ấm và cơ sở trợ giúp xã hội cho các trẻ em là nan nhân bị xâm hại, bạo lực.
Đánh giá sự tham gia của các thành viên Ủy ban trong công tác trẻ em, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã Hội Đào Ngọc Dung – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban đã nhận định Hội Bảo vệ quyền trẻ em và các ngành đã nêu cao trách nhiệm của mình để đạt được kết quả trong công tác bảo vệ trẻ em trong thời gian này.
Kết luận tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Chủ tịch Ủy ban đã đánh giá một số kết quả đạt được trong năm qua như các hoạt động liên ngành đã làm tốt hơn, đã có nhiều văn bản hướng dẫn về công tác trẻ em, các Bộ ngành đã có tham mưu phối hợp trong công tác bảo vệ trẻ em; cơ sở dữ liệu trẻ em đã làm rất tốt… Bên cạnh đó đã có các giải pháp và nhiều mô hình mới trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em trong các hoạt động của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo với Đề án 06… Tuy nhiên vẫn còn nhiều vụ xâm hại trẻ em đặc biệt là xâm hại tình dục. Vấn đề xâm hại cần được truyền thông và nói không với xâm hại. Tai nạn đuối nước, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ trong 1000 ngày đầu đời, chăm sóc sức khỏe tâm thần sang chấn tâm lý của trẻ em cũng cần lưu ý.
Để giải quyết các vấn đề liên quan tới vi phạm quyền trẻ em đang phải đối mặt hiện nay, sự tham gia phối hợp liên ngành đặc biệt là sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng sẽ tạo sức mạnh về nhân lực và vật lực để góp phần cùng Nhà nước thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em hiện nay.