Nhiệm vụ chính trị của Hội được Nhà nước giao
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam kể từ khi thành lập năm 2008 cho tới nay đã có nhiều nỗ lực, công hiến và đóng góp vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Những nỗ lực đó đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và cũng đã văn bản hóa những nhiệm vụ, trách nhiệm của Hội trong các văn bản pháp luật.
- Luật Trẻ em số 102/2016/QH13
Điều 92, Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 05 tháng 4 năm 2016 quy định các tổ chức xã hội nói chung và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nói riêng tại khoản 4 Điều này:
“Điều 92. Các tổ chức xã hội
- Vận động thành viên của tổ chức và xã hội hỗ trợ, tham gia xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, dịch vụ đáp ứng quyền của trẻ em, phòng ngừa hành vi vi phạm quyền của trẻ em.
- Thực hiện chính sách, pháp luật, đáp ứng quyền của trẻ em theo tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức được pháp luật quy định; tiếp nhận, thu thập thông tin từ thành viên và xã hội để phản ánh, kiến nghị, tư vấn cho cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân về việc thực hiện chính sách, pháp luật.
- Tổ chức việc cung cấp dịch vụ đáp ứng quyền của trẻ em theo sự ủy quyền, hỗ trợ của Chính phủ, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước; chấp hành việc thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, ngoài việc thực hiện quy định tại Điều này có trách nhiệm tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm pháp luật về trẻ em.”
Các quy định tại Điều này được hướng dẫn tại Điều 51, 52 Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09/05/2017.
- Nghị quyết 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em
Nghị quyết số 121/2020/QH14 của Quốc hội ngày 19/6/2020 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em giao nhiệm vụ cho Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tại điểm d khoản 5 Điều 2. Nhiệm vụ và giải pháp trong đó:
“…
- d) Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em liên quan đến việc phòng, chống xâm hại trẻ em chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền; kịp thời phát biểu chính kiến và kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước về các vấn đề liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em;
…”
- Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em quy định tại Điều 16: “Đề nghị Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các tổ chức xã hội tham gia xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; tiếp nhận, thu thập thông tin về các hành vi, vụ việc vi phạm quyền trẻ em, kịp thời chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền để can thiệp, xử lý theo quy định của pháp luật.”
- Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 09/05/2017 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em cụ thể như sau:
– Khoản 3 Điều 51: Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt.
– Điều 52 quy định:
+ Khoản 1: lấy ý kiến trẻ em khi xây dựng và thực hiện quyết định, chương trình, hoạt động về trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em:
“1. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (sau đây gọi là tổ chức) khi xây dựng và thực hiện quyết định, chương trình, hoạt động về trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em phải lấy ý kiến của trẻ em thông qua một hoặc các hình thức phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật trẻ em.”
+ Khoản 2: Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cần
“…2. thuyết minh nội dung quyết định, chương trình, hoạt động đang xây dựng hoặc đang thực hiện phù hợp với trẻ em để trẻ em hiểu, góp ý kiến, bày tỏ nguyện vọng; ý kiến, nguyện vọng của trẻ em gửi đến tổ chức phải được tiếp nhận, xem xét và trả lời trực tiếp cho trẻ em hoặc cơ quan, tổ chức gửi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em theo tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức”
+ Khoản 3: gửi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em tới cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền
“3. Các tổ chức có trách nhiệm gửi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em mà tổ chức nhận được đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xem xét, giải quyết và theo dõi việc trả lời các ý kiến, kiến nghị đó.”
+ Khoản 4: đảm bảo các điều kiện an toàn cho trẻ khi tổ chức hoạt động có sự tham gia của trẻ
“4. Các tổ chức thực hiện các hoạt động, sự kiện có sự tham gia của trẻ em phải bảo đảm các điều kiện an toàn, phù hợp với trẻ em; chấp hành các hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra hoặc quyết định đình chỉ của cơ quan có thẩm quyền.”.
5.Thông tư 36/2018/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng Chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội về trẻ em hoặc liên quan tới trẻ em được ban hành ngày 26/12/2018 do Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, do Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà ký và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2019.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam là một trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng áp dụng của Thông tư quy định tại khoản 2 Điều 1.
Thông tư hướng dẫn cụ thể các bước lấy ý kiến trẻ em cho các văn bản đồng thời nêu rõ trách nhiệm của Hội tại khoản 2, Điều 8 Thông tư:
“ 2. Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện lấy ý kiến của trẻ em theo hướng dẫn tại Thông tư này; tham gia giám sát việc lấy ý kiến của trẻ em, việc tiếp thu, thông tin, phản hồi ý kiến của trẻ em.”