Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thể hiện sâu sắc tinh thần cống hiến vì trẻ em
Trước thềm Xuân Giáp Thìn 2024, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổng kết năm 2023. Năm qua, Hội đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong Luật Trẻ em. Tinh thần cống hiến, quyết tâm “Chung tâm, chung trí, chung sức” bảo vệ quyền trẻ em đã được các cán bộ, hội viên thể hiện rất mạnh mẽ.
Hôm nay (31/01), tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) đã tổng kết công tác năm 2023, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
Tham dự chương trình có bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng – Chủ tịch Hội BVQTEVN, ông Lương Thế Khanh – Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN, bà Cao Thị Thanh Thủy – Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN, ông Võ Anh Dũng – Nguyên Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN, các trưởng/phó ban, các chuyên gia, đại diện Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em, Tạp chí Trẻ em Việt Nam và cán bộ Hội.
Chủ tịch Hội BVQTEVN Nguyễn Thị Thanh Hòa phát biểu: “Điểm lại các hoạt động của Hội BVQTEVN trong năm 2023, chúng tôi rất phấn khởi, tự hào. Với tính chất một tổ chức xã hội, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền trẻ em, Hội đã nỗ lực thực hiện tốt những nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Tinh thần cống hiến, quyết tâm “Chung tâm, chung trí, chung sức” bảo vệ quyền trẻ em đã được các cán bộ, hội viên thể hiện rất mạnh mẽ”.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hoà, những kết quả đạt được trong năm 2023 trước tiên là nhờ sự đoàn kết, quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, hội viên. Thứ hai là việc luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp, bộ, ngành và vận dụng một cách mềm dẻo, linh hoạt vào thực tiễn. Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hoà nhấn mạnh, đây là những bài học kinh nghiệm quý báu cần phát huy trong nhiều năm tiếp theo.
Đánh giá về hoạt động của Tạp chí Trẻ em Việt Nam – cơ quan ngôn luận của Hội BVQTEVN, Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hoà biểu dương Tạp chí đã có nhiều hoạt động nổi bật, đặc biệt tổ chức thành công hai cuộc thi: Vẽ tranh Ngôi nhà mơ ước năm 2023 và Chữ đẹp tuổi thơ lần thứ nhất, thu hút tổng cộng hơn 10 vạn em nhỏ trên cả nước tham gia. Không chỉ là sân chơi bổ ích, lý thú, các cuộc thi đã mang đến cơ hội bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, phát huy quyền tham gia của trẻ em.
Về công tác của Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em, Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hoà đánh giá, Chi hội đã thực hiện tốt nhiệm vụ Thường trực Hội giao, phối hợp với các cơ quan điều tra, tham gia hỗ trợ bảo vệ 09 ca vi phạm quyền trẻ em. Trong năm 2024, Chi hội tiếp tục kiện toàn, củng cố hoạt động.
Tại buổi tổng kết, ông Lương Thế Khanh – Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN nhất trí, đánh giá cao sự tham gia tích cực, hoàn thành tốt nhiệm vụ của các chuyên gia, cán bộ, hội viên trong năm 2023. Đặc biệt, Phó Chủ tịch Lương Thế Khanh nhấn mạnh, Hội BVQTEVN đã tập trung tổ chức thành công Đại hội Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028 và Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Hội BVQTEVN.
Năm 2024 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội lần IV, Hội BVQTEVN và các Hội địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội và Chiến lược của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam giai đoạn 2023-2035 với tinh thần “Đoàn kết, Đổi mới, Hội nhập, Cống hiến vì sự phát triển toàn diện và bảo đảm quyền trẻ em”.
Năm 2023, Hội BVQTEVN tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong Luật Trẻ em, đã thực hiện góp ý 09 văn bản chính sách pháp luật về các nội dung khác nhau có liên quan đến trẻ em trong đó 07 văn bản luật, nghị định.
Với vai trò là tổ chức có trách nhiệm kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyến đến các cơ quan Nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật về quyền trẻ em; Hội đã tổ chức các hoạt động nhằm tham vấn ý kiến trẻ em và các tổ chức xã hội như: “Diễn đàn các tổ chức xã hội về thực hiện quyền trẻ em theo khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc năm 2022” – tháng 3/2023; tham vấn ý kiến trẻ em về một số nội dung có liên quan tới trẻ em trong dự thảo Luật Đất đai – tháng 3/2023; khảo sát ý kiến của các cơ sở Hội tại địa phương về các nội dung từ Chương I – Chương VII của Bộ luật Tố tụng hình sự – tháng 8/2023; tham vấn ý kiến trẻ em về dự thảo Bình luận chung số 26 của Ủy ban quyền trẻ em của Liên Hợp quốc về việc thực hiện Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về quyền trẻ em – tháng 5/2023;…
Hội đã tổ chức tham vấn 510 trẻ em tại các tỉnh, thành phố; tham gia phát biểu chính kiến 31 vụ vi phạm quyền trẻ em trên các phương tiện truyền thông và thông qua văn bản gửi các cơ quan liên quan.
Tổng kinh phí năm 2023 dành cho lĩnh vực trẻ em của Hội BVQTEVN là: 3.570.000.000đ (Ba tỷ năm trăm bảy mươi triệu đồng) huy động từ sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Nhằm góp phần thúc đẩy việc thực hiện quyền được cắp sách tới trường của trẻ em Việt Nam, Hội và các cơ sở Hội tại địa phương đã huy động từ các đối tác, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để trao học bổng và quà tặng cho gần 15.000 trẻ. Nhiều chương trình của Hội gây được tiếng vang lớn như: “Thắp sáng những ước mơ”; “Tết ấm cho em – Hội chợ Tết 0 đồng”…
Hội cũng đã tăng cường thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Đối ngoại Trung ương. Hội đã củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực trẻ em, đảm bảo triển khai hiệu quả kế hoạch đề ra năm 2023 với các đối tác: Save the Children, ChildFund, CRC Asia, ECPAT, JIFF, UNICEF, TFCF… Thông qua các hoạt động: Tham gia xây dựng kế hoạch triển khai các khuyến nghị của Ủy ban quyền trẻ em của Liên hợp quốc đối với Việt Nam, Sáng kiến của trẻ em về phòng chống bạo lực với trẻ em khuyết tật, Diễn đàn các tổ chức xã hội thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban quyền trẻ em của Liên hợp quốc…
Năm 2024, Hội BVQTEVN tập trung vào 8 nhóm mục tiêu:
Mục tiêu 1: Phát triển và nâng cao năng lực tổ chức Hội.
Mục tiêu 2: Tăng cường tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan tới trẻ em.
Mục tiêu 3: Tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em.
Mục tiêu 4: Phát biểu chính kiến và kiến nghị với các cơ quan Nhà nước.
Mục tiêu 5: Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em.
Mục tiêu 6: Phát triển các hoạt động, dịch vụ tư vấn, hướng dẫn thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em.
Mục tiêu 7: Duy trì, phát triển quan hệ hợp tác quốc tế.
Mục tiêu 8: Nâng cao năng lực huy động nguồn lực phù hợp.