Nâng cao năng lực cho luật sư về tuyên truyền và bảo vệ quyền trẻ em
Trong 02 ngày, từ ngày 12-13/3/2024 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ luật sư bảo vệ quyền trẻ em về tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục để triển khai các hoạt động tuyên truyền pháp luật, tư vấn và hỗ trợ pháp lý đối với trẻ em và gia đình trẻ là nạn nhân bị bạo lực, xâm hại.
Tham dự lớp tập huấn có ông Hà Đình Bốn – Phó Chủ tịch Hội; ông Jan Lucas Zimmer – Quản lý dự án EUJULE và đại diện Ban Thư ký Quỹ Thúc đẩy sáng kiến tư pháp (Quỹ JIFF) và hơn 40 tham dự viên là thành viên của Chi hội luật sư vì quyền trẻ em, luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đoàn luật sư thành phố Hà Nội, đoàn luật sư tỉnh Hòa Bình, luật sư tại một số công ty luật, văn phòng luật sư trên địa bàn Hà Nội, đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và học viên của trường ĐH Luật Hà Nội.
Phát biểu tại lớp tập huấn, ông Hà Đình Bốn – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ những nỗ lực của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tích cực tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách pháp luật về trẻ em tới trẻ em, gia đình trẻ, người quản lý, chăm sóc trẻ em nhằm xây dựng môi trường thân thiện đối với trẻ em và mạng lưới bảo vệ trẻ em từ trung ương tới cơ sở. Ông Hà Đình Bốn cũng bày tỏ mong muốn các luật sư, luật gia tâm huyết với trẻ em càng được nâng cao kiến thức pháp luật về trẻ em để có biện pháp bảo vệ trẻ em kịp thời quyền trẻ em một cách tốt nhất trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tại lớp tập huấn, bà Nguyễn Thị Kim Hoa – trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã đưa ra số liệu trong năm 2023 toàn quốc xảy ra 2.498 vụ xâm hại trẻ em, xâm hại 2.633 trẻ em, so với năm 2022 tăng 9,2% số vụ, trong đó xâm hại tình dục trẻ em 2.045 vụ, xâm hại 2.101 trẻ em (chiếm 82,2%), một số quy định pháp luật mới về bảo vệ trẻ em và một số giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em trong bối cảnh hiện nay.
Học viên cũng đã tham gia tích cực thảo luận về những lưu ý quan trọng về bảo vệ trẻ em trước, trong và sau quá trình tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho trẻ em là nạn nhân bị bạo lực, xâm hại. Thông qua các nội dung về sơ cứu tâm lý, kỹ năng giao tiếp phi bạo lực, học viên đã có những kiến thức cơ bản về những tâm lý, cảm xúc của trẻ em bị bạo lực, xâm hại đặc biệt là về sự bày tỏ cảm xúc cá nhân của luật sư trong quá trình làm việc trực tiếp với trẻ đặc biệt là trẻ bị bạo lực, xâm hại thông qua ngôn ngữ (lời nói, cử chỉ), giọng điệu, phân tích tâm lý của đối tượng để từ đó có những cách thức tiếp cận với các em một cách hiệu quả. Từ các bài tập thực hành tình huống giả định về một số trường hợp trẻ bị xâm hại, bạo lực mà giảng viên đưa ra, các học viên cũng đã thực hành và chia sẻ những quan điểm, ý kiến đặc biệt những khó khăn, thách thức và bài học kinh nghiệm cũng đã được chia sẻ một cách thẳng thắn và sôi nổi trên tinh thần học hỏi lẫn nhau từ những thực tế trải nghiệm trong quá trình làm việc của mỗi người. Điểm chung của mỗi phần trao đổi, thảo luận chính là hướng tới việc tư vấn và hỗ trợ tốt nhất và hiệu quả nhất đối với trẻ em và gia đình trẻ là nạn nhân bị bạo lực, xâm hại.
Luật sư Nguyễn Thị Gấm thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã chia sẻ cảm nhận khi lần đầu được tham gia lớp học về kỹ năng của luật sư tư vấn tuyên truyền và điều luật sư hứng thú học tập chính là từ phương pháp tập huấn của giảng viên đó là đưa học viên vào vị trí của đối tượng mình tư vấn, phương pháp tập huấn văn minh, hiệu quả giúp cho mọi người được cùng nghe, cùng tham gia vào lớp tập huấn. Luật sư Nguyễn Thị Gấm cũng cho rằng kỹ năng giao tiếp của lớp tập huấn đã giúp thấu hiểu người khác, đây là kỹ năng rất ý nghĩa và nó sẽ được chị sử dụng trong hoạt động mà chị thực hiện không chỉ riêng cho trẻ em mà còn trong hoạt động chị tư vấn cộng đồng cho nhiều người cùng lúc.
Thạc sĩ – Luật sư Đặng Thị Bích Nga công tác tại Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng chia sẻ: “Chương trình rất hay, thiết thực cho hoạt động hành nghề nói chung và luật sư bảo vệ trực tiếp cho trẻ em nói riêng, mình thích nhất nội dung nghiên cứu tâm lý trẻ em và biết các biện pháp sơ cứu tâm lý ban đầu giúp cho trẻ em bị tổn thương và xâm hại có thể khôi phục được phần nào tâm lý bình thường để luật sư có thể giúp cho trẻ em trong các vụ việc trẻ em cần phải được bảo vệ“.
Đây là hoạt động nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng, hỗ trợ pháp lý và đại diện bào chữa, tham gia đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhóm yếu thế, dễ tổn thương, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em phù hợp với Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật có liên quan” do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thực hiện từ tháng 6/2023 đến tháng 4/2024 tại Hà Nội và Hòa Bình là 1 trong 18 sáng kiến thuộc hợp phần dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Bộ Tư pháp phê duyệt.