Diễn đàn: Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và Hội Bảo vệ quyền trẻ em trong phòng ngừa, chăm sóc, bảo vệ trẻ em bị bạo hành và xâm hại tình dục
TEV: Ngày 21-12 tại Hà Nội, gần 100 đại biểu đại diện cho các tổ chức xã hội làm về trẻ em thuộc mạng bảo vệ quyền trẻ em (Crnet), hệ thống Hội BVQTE các tỉnh đã tham gia diễn đàn đối thoại với một số Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước về chủ đề phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Tham dự Diễn đàn có đại diện của các bộ ngành, cơ quan: Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ông Đặng Hoa Nam-Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban gia đình và xã hội – Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Tiến sỹ Lê Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất – Bộ Giáo dục và Đào tạo; bà Nguyễn Phạm Duy Trang, Ủy viên Ban thường vụ TW Đoàn, trưởng Ban công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Về phía Hội BVQTEVN có bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội BVQTEVN; Tiến sỹ Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Chủ tịch Hội BVQTEVN; bà Lê Thị Thu, Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN – Trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam; ông Đỗ Đức Ngọ, Phó chủ tịch Hội BVQTEVN; bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN và các ông bà trong ban Thường vụ, Ban chấp hành của Hội BVQTEVN.
Đại biểu tham dự đến từ các tỉnh có Chủ tịch Hội BVQTE TP.Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội Từ thiện và BVQTE TP.Đà Nẵng; Chủ tịch Hội BVQTE Tỉnh Thừa Thiên Huế; Đại diện Hội BVQTE TP.Hải Phòng; Chủ tịch Hội BVQTE tỉnh Bắc Giang; Chủ tịch Hội người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật, bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị; Chủ tịch liên chi Hội BVQTE và cứu trợ trẻ em khuyết tật, mồ côi tỉnh Thanh Hóa; Chủ tịch Hội BVQTE huyện Đức Hòa, Long An; Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, quyền trẻ em và bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Nam; Đại diện Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Lạng Sơn.
Các tổ chức xã hội làm việc về trẻ em và một số cơ quan báo chí đến tham dự, đưa tin như: Thông tấn xã Việt Nam; Truyền hình Vì trẻ em, Truyền hình Công an nhân dân, truyền hình quốc hội, truyền hình VOVTV, Đài truyền hình Hà Nội và một số đơn vị báo chí của Trung ương và Hà Nội tham dự.
Tại Diễn đàn, Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội BVQTEVN đã nêu rõ mục tiêu của diễn đàn năm 2017: Các TCXH, Hội BVQTEVN, CRnet phát hiện những chính sách, quy định chưa phù hợp khi triển khai thực hiện phòng chống bạo lực, xâm hại TE;
Đề xuất với Cơ quan Nhà nước, tổ chức CT-XH những biện pháp hỗ trợ các TCXH thực hiện có kết quả Điều 92 Luật Trẻ em, chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Để thực hiện được mục tiêu này, đại biểu tham dự diễn đàn đã có phiên đối thoại với đại diện Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và đề xuất một số kiến nghị như:
- Đề nghị Bộ LĐTBXH có kế hoạch phối hợp hàng năm với các TCXH trong việc truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thực hiện quyền trẻ em, kỹ năng phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em;
- Đề nghị Bộ LĐTBXH có cơ chế để các TCXH hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ em có nguy cơ cao hoặc bị xâm hại (ví dụ như: nhà mở, mái ấm, ngôi nhà bình yên, nhà tạm lánh,…) được tham gia vào chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2015-2020 (Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25/4/2017);
- Đề nghị Bộ LĐTBXH xây dựng cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin về vi phạm quyền trẻ em do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các tổ chức xã hội chuyển đến theo quy định tại Điều 92 Luật trẻ em năm 2016.
- Đề nghị Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao giải quyết dứt điểm các hồ sơ tồn đọng về bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là những vụ mới phát sinh. Xây dựng quy định về việc khen thưởng các cá nhân phát hiện, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và có chế tài xử lý cá nhân chậm trễ, thiếu trách nhiệm, không can thiệp xử lý những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em;
- Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp quan tâm phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc về bạo hành, xâm hại trẻ em. Cần quan tâm tổ chức giám định kịp thời đối với trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục, công khai kết quả giám định.
- Đề nghị Tòa án Gia đình và Người chưa thành niên, Viện Nghiên cứu thuộc Tòa án Nhân dân tối cao tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có cơ chế để phát huy sự tham gia của mạng lưới “Luật sư, luật gia và Hội thẩm Nhân dân bảo vệ trẻ em” thuộc Hội BVQTEVN vào quá trình tố tụng và xét xử các vụ án có liên quan đến người chưa thành niên;
- Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch kiểm tra và có chế tài đối với các cơ quan truyền thông khai thác quá sâu các diễn biến vụ việc, nhất là các vụ xâm hại tình dục trẻ em, xâm phạm quyền giữ bí mật đời tư của trẻ em;
- Đề nghị Bộ y tế có ý kiến bổ sung vào Luật Giám định pháp y năm 2012, giám định cho TE là loại hình giám định đặc biệt, thực hiện ngay khi trẻ có nhu cầu, thực hiện cả ngoài giờ hành chính và kể cả thứ 7, Chủ nhật;
9. Về phần mình, các tổ chức xã hội, Hội BVQTE cũng nhận thấy bên cạnh thế mạnh về kỹ năng, kiến thức và nhiệt huyết làm việc vì trẻ em, chúng tôi có nhiều hạn chế về năng lực, thông tin, nguồn lực và chưa có sự gắn kết với các cơ quan QLNN để tạo thành một thể thống nhất trong phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Vì vậy, qua Diễn đàn này chúng tôi mong muốn được các cơ quan QLNN thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của Hội, Mạng CRnet; cung cấp chia sẽ cập nhật thông tin về luật pháp, chính sách và kế hoạch tổ chức thực hiện các chương trình bảo vệ trẻ em nói chung và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng.
Tiếp thu các kiến nghị của địa biểu, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của đại biểu để hoàn thiện và có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng sau diễn đàn.
Mạnh Dũng