Dự án “Nâng cao năng lực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam về bảo vệ trẻ em”
Vấn đề Bảo vệ trẻ em luôn là vấn đề xã hội được sự quan tâm của các cơ quan chức năng và toàn xã hội. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, các chương trình dự án thể hiện cam kết và hành động Bảo vệ trẻ em. Chương trình hành động quốc gia vì mục tiêu Thiên niên kỷ được khởi động vào năm 2017 đã xác định 115 kết quả đóng góp cho 17 mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, cam kết chấm dứt bóc lột xâm hại tình dục trẻ em (tiểu mục 16.2) và chấm dứt mọi hình thức bóc lột, xâm hại và bạo lực trẻ em, thanh thiếu niên (tiểu mục 15.3)
Luật trẻ em, Nghị định 56 hướng dẫn thực hiện Luật trẻ em được ban hành và có hiệu lực năm 2016 cũng đã quy định chi tiết về Bảo vệ trẻ em và hệ thống Bảo vệ trẻ em và các cấp độ bảo vệ trẻ em.
Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam (VACR), với vai trò trách nhiệm đã được quy định trong khoản 4, Điều 92 Luật Trẻ em năm 2016, VACR luôn hướng tới thực hiện các hoạt động bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả tại cộng đồng từ nguồn lực của Hội tới các cơ sở Hội Bảo vệ quyền trẻ em địa phương cũng như đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng đều có tâm huyết trong bảo vệ quyền trẻ em của VACR thông qua các mạng lưới, Câu lạc bộ “Luật sư, luật gia và Hội thẩm nhân dân bảo vệ quyền trẻ em”, CLB Nhà báo bảo vệ quyền trẻ em…. Trong thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan tới bạo hành và xâm hại trẻ em đã xảy ra ở các địa phương với mức độ nghiêm trọng và phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội đã được VACR tiếp nhận.
Được sự hỗ trợ của Tổ chức ChildFund Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam triển khai dự án “Nâng cao năng lực của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam về bảo vệ trẻ em” trong giai đoạn 3 năm (từ tháng 6/2021-tháng 6/2024) nhằm đạt được mục tiêu chung là phát triển và nâng cao năng lực cho thành viên Hội ở Trung ương và các địa phương là những người am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm trong công tác trẻ em và có tâm huyết muốn tham gia bảo vệ trẻ em có mong muốn đóng góp cho công tác bảo vệ trẻ em góp phần hỗ trợ cho Nhà nước, Chính phủ trong việc thực thi, bảo vệ Dự án hướng tới 02 kết quả chính: (1)Năng lực tổ chức, quản lý và kiến thức về Quyền trẻ em, Bảo vệ trẻ em của thành viên Hội BVQTE được nâng cao; (2) Hệ thống cơ sở Hội tại các địa phương được củng cố và phát triển.
Để đạt được các kết quả trên, Hội Bảo vệ quyền trẻ em đã xây dựng các hoạt động cụ thể như (1) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về bảo vệ trẻ em; (2) Tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên Hội là người am hiểu pháp luật về bảo vệ trẻ em trong bảo vệ trẻ em (theo các chủ đề tùy từng giai đoạn); (3) Hỗ trợ xử lý ca liên quan tới bảo vệ trẻ em; (4) Khảo sát nhanh về thực trạng cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em của các cơ sở ngoài công lập; (5) Hội thảo vai trò của các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ trẻ em; (6) Tập huấn về Kiến thức và kỹ năng thực hành về Quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em cho mạng lưới của VACR.
Đối tượng hưởng lợi trực tiếp của dự án là các Hội viên, mạng lưới luật sư bảo vệ quyền trẻ em, mạng lưới bảo vệ quyền trẻ em (Crnet) do Hội điều phối vì vậy họ đã có những cam kết gắn bó và biết rõ tôn chỉ, mục đích cũng như tầm nhìn, chiến lược và chính sách bảo vệ trẻ em của Hội khi trở thành thành viên mạng lưới. Việc nâng cao năng lực cho những đối tượng này sẽ góp phần nâng cao năng lực cho hệ thống Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, góp phần cùng Chính phủ và các cơ quan Nhà nước về bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả và rộng khắp ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Một số hình ảnh về hoạt động dự án