Hai anh em nhà nghèo Ninh Hòa tự chơi nhạc khiến nhiều người thán phục
Nhờ âm nhạc, hai anh em có thể đi biểu diễn kiếm tiền lo cho ba mẹ. Hai đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi học trở thành trụ cột của một gia đình nghèo khó.
Tài năng bẩm sinh
Đến xã Ninh An (TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa) hỏi thăm hai anh em Phong Bảo – Đại Phong hầu như ai cũng biết. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi men theo con đường làng quanh co của vùng quê nghèo thuộc thôn Ninh Ích, tìm đến nhà hai đứa trẻ nhỏ này vào những ngày cuối tháng Chạp.
Nhiều người dân thôn Ninh Ích nói rằng những năm qua, họ thường được nghe những bản nhạc rộn rã phát ra từ nhà hai anh em Bảo và Phong nên đã quen. Còn với ai mới ngang qua lần đầu, khi nghe những điệu nhạc, có lẽ sẽ nghĩ rằng các nhạc công chuyên nghiệp đang luyện tập, chứ không thể ngờ là hai đứa trẻ đang chơi nhạc.
|
Căn nhà nhỏ của gia đình Bảo – Phong hầu như không có tài sản gì đáng giá, ngoài cây đàn organ và bộ trống điện tử cũ của hai anh em. Sau khi nghe Bảo – Phong biểu diễn nhiều giai điệu, gồm cả trữ tình đến sôi động, chúng tôi hỏi về “con đường âm nhạc” của hai anh em. Bảo tâm sự: “Cách đây khoảng 4 năm, con 9 tuổi còn Phong 6 tuổi. Hai anh em con ở nhà trông nhà cho ba mẹ đi làm. Không có gì chơi, buồn quá, hai anh em rủ nhau lấy cái nồi hỏng, nắp xoong, hộp bánh, hộp sữa, rồi bày ra gõ thành những âm thanh vui nhộn. Tụi con thấy rất thích trò này nên ngày nào cũng chơi. Nhiều khi mẹ đi làm về mệt mà tụi con ồn ào quá nên mẹ nạt, tụi con lại rủ nhau ra cánh đồng trước nhà ngồi chơi. Hai anh em còn lấy hộp bánh và cây đàn guitar hỏng để chế cả đàn chơi nữa”.
Nghe anh gợi lại kỷ niệm, Phong hồn nhiên kể thêm: “Thích nhất là khi bà nội đi mua phế liệu về, tụi con tha hồ lựa “đồ nghề” để chơi. Càng nhiều đồ thì gõ ra nhiều âm thanh hay. Chơi khi nào nó móp méo hết, khi nào chán thì trả bà đi bán. Hồi đó, ba của con làm thợ hồ, nhưng cũng biết chơi trống và guitar nên thi thoảng đi diễn ở đám cưới. Mỗi lần đi theo ba, tụi con lấy đồ của ba chơi thì ba nói lớn lên ba sẽ dạy, giờ còn nhỏ sợ tụi con nghịch hỏng đồ”.
|
Nhưng còn chưa kịp chỉ dạy cho con chơi nhạc, thì từ năm 2013, ba hai em là anh Huỳnh Văn Vũ bị chấn thương sọ não, nằm liệt giường và sống một cuộc sống thực vật. Vậy là anh em Bảo – Phong hàng ngày vẫn tiếp tục chơi nhạc bằng những món đồ tự chế.
Cuối năm 2014, một nhóm thiện nguyện đến thăm gia đình hai em. Thấy Bảo và Phong ngồi ở góc sân dùng gậy đánh vào những lon bia, nắp nồi, hộp nhựa, nhóm thiện nguyện đã cảm động quyên góp tiền mua cho hai anh em cây đàn organ và bộ trống cũ. Có được 2 “báu vật” này, dù chưa hề học qua trường lớp âm nhạc nào, chưa từng tiếp xúc với cây đàn, bộ trống nào trước đó, nhưng chỉ khoảng một tuần tự mày mò, Bảo và Phong đã chơi thành thạo nhiều giai điệu, nhiều bài hát.
|
Khi xem các em chơi trống, chơi đàn, chúng tôi và có lẽ rất nhiều người không thể tin rằng việc 2 đứa bé nhà nghèo chỉ tự học, tự cảm thụ vẫn có thể chơi được những bản nhạc ngọt ngào. Bảo nói: “Tụi con không được học nhạc lý, chỉ xem trên mạng, anh em tự học rồi chơi. Mới đầu thì chỉ chơi được vài điệu, còn bây giờ thì ai hát bài nào, tụi con cũng có thể đệm được”.
Đến hôm nay, mẹ hai em là chị Phan Thị Ngọc Châu (39 tuổi), cũng chưa hiểu tại sao hai đứa con mình lại trở thành những nhạc công nhí. “Nhà nghèo, tôi không biết chữ nên chỉ mong 2 đứa con đi học cho biết chữ, sau này đỡ khổ hơn ba mẹ thôi, chứ chưa bao giờ nghĩ đến việc các con chơi được nhạc. Khi các con nghịch bằng nắp xoong, lon bia, thì nhiều lần tui nạt nộ. Còn khi thấy chúng chơi đàn, chơi trống thật thì ngày nào tui cũng muốn nghe”, chị thật thà nói.
Trụ cột gia đình
Bệnh tật là con đường ngắn nhất đưa người ta đến tán gia bại sản và sự dai dẳng khổ đau. Gia đình Bảo – Phong vốn đã nghèo rồi. Mẹ hai em lại bị bệnh tim không làm được việc nặng, chỉ quanh quẩn với mấy sào ruộng trước nhà và chăm con bò được nhà nước hỗ trợ. Từ ngày ba các em nằm liệt giường, hai em còn mất đi sự chăm lo từ ba. Gia đình các em cũng thêm khánh kiệt.
Hai anh em Bảo – Phong chưa kịp khoe với ba những bản nhạc mình tự chơi được, chưa một lần được đứng cùng ba chơi nhạc, thì lại phải thay ba gánh vác những lo toan của cuộc sống.
|
Năm nay, Bảo đang học lớp 7 Trường THCS Phạm Ngũ Lão, còn Phong học lớp 4 Trường Tiểu học Ninh An. Từ khi có đàn và trống, hai anh em Bảo và Phong ngày càng được nhiều người biết đến. Vừa cảm phục tài năng hai đứa trẻ, vừa muốn chia sẻ khó khăn của gia đình hai em, thầy Phạm Đình Lâm, hiệu trưởng Trường THCS Phạm Ngũ Lão đã tập hợp bạn hữu tổ chức một đêm nhạc để Bảo và Phong biểu diễn tài năng và quyên góp hỗ trợ các em.
Thời gian sau đó, Bảo và Phong được mời đi diễn ở các đám cưới, liên hoan, sinh nhật… Lúc đầu chỉ diễn quanh xóm, ở xã Ninh An, về sau tiếng lành đồn xa, các em có những chuyến “lưu diễn” tận Quảng Nam, Đắk Lắk, TP.HCM… Mỗi đợt diễn, được bao nhiêu tiền, các em lại về đưa mẹ mua gạo, mua thuốc cho ba. Hai đứa trẻ tuổi ăn tuổi học bỗng trở thành trụ cột của gia đình. “Diễn gần nhà thì tụi con tự đi, còn ở xa thì có người đến rước đi. Họ cho bao nhiêu con nhận bấy nhiêu. Có người cho vài trăm ngàn đồng, có người thương, khen hay thì cho nhiều hơn”, Bảo nói.
|
Nghe hai con hồn nhiên kể chuyện bươn chải, chị Châu lại khóc. Thương con nhiều lắm, nhưng chị không chống lại được số phận. Chị kể: “Mỗi lần các con đi diễn, đưa tiền về cho mẹ, tôi lại ôm hai con mà khóc. Hai đứa cứ an ủi mẹ là đi diễn thấy vui chứ không mệt. Nhưng có lần đi diễn trong một đám cưới ở xa, nhiều người hát nên hai anh em chơi nhạc cả buổi. Tan tiệc, Phong mệt quá ngủ gục luôn trên trống”.
Chông chênh những ước mơ
Cũng như bao đứa trẻ khác, hai anh em Bảo và Phong đang trong độ tuổi đầy ắp những mộng mơ. Mỗi lần được mời đi diễn là các em lại háo hức, vì biết rằng mình sẽ kiếm thêm được chút ít giúp đỡ gia đình, và còn có ấp ủ dự định mua được bộ đàn, trống mới để thỏa đam mê. Nhưng, cứ dành dụm được chút ít thì bộ trống, đàn cũ lại hư hỏng. Thế là các em lại phải đi sửa để chơi tạm.
|
Tháng 11.2017, cơn bão số 12 quét qua làm sập căn nhà nhỏ của gia đình Bảo – Phong. Cả nhà phải dựng lều ở tạm. Phong thì khóc sưng cả mắt vì bộ đàn, trống của hai anh em bị vùi dưới đống đổ nát. Sau bão, hai anh em lật từng viên gạch tìm lại đồ nghề, nhưng cả đàn và trống đều hư hỏng nặng, không thể chơi được. Hai anh em lại quay về thời “đồ chế” để chơi cho đỡ nhớ.
Đầu năm 2018, một số nhà hảo tâm tìm đã đến xây dựng lại căn nhà cho gia đình các em. Nhà xây xong, hai anh em mới dám dùng số tiền dành dụm được đi sửa lại bộ trống, đàn để chơi. Tuy nhiên, do đã cũ và dầm trong mưa bão nên nhạc cụ tiếng được tiếng mất.
|
Chúng tôi hỏi Bảo và Phong về ước mơ, cả hai đều nói: “Tụi con muốn được học nhạc bài bản để sau này trở thành nhạc công chuyên nghiệp. Được đứng trên sân khấu lớn để biểu diễn cùng các ca sĩ nổi tiếng, vừa được chơi nhạc vừa giúp gia đình không còn nghèo nữa”. Nghe con nói vậy, chị Châu lại nhìn xa xăm: “Các con có năng khiếu và đam mê âm nhạc, nhưng ngặt nỗi gia đình khó khăn quá. Nếu được học bài bản thì có lẽ sẽ có tương lai tươi sáng hơn. Nhưng là ao ước như vậy chứ cũng không biết ra sao”.
Niềm đam mê âm nhạc của hai anh em Bảo và Phong đang lớn lên từng ngày. Nhưng, tương lai của những tài năng âm nhạc thiên bẩm này vẫn còn mù mịt quá. Những ước mơ của hai em chưa được chắp cánh, mà vẫn đang chững lại theo những giai điệu trong căn nhà nhỏ ở xóm nghèo.
Nguồn thanhnien.vn