Hãy để trẻ em vui mà học, học mà vui
Sinh thời, tình yêu thương vô tận của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trước hết hướng về thiếu niên, nhi đồng. Trong bức thư gửi thiếu nhi toàn quốc nhân ngày quốc tế thiếu nhi 1/6/1950 Người đã hứa rằng: “…Đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng…”
Và ngay trước lúc đi xa, Người vẫn để tâm nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân “nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng.”. Tư tưởng giáo dục thiếu nhi của Người chính là “Chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em vừa là vấn đề hướng đến ngày mai vì tương lai của dân tộc, vừa là những công việc cần làm tốt ngay từ hôm nay vì hạnh phúc của mỗi gia đình. Người cũng đã chỉ ra rằng: “Giáo dục nhi đồng là một khoa học… Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương yêu đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hoá ra người già cả… Trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường học, trong xã hội chúng đều vui, đều học.”
Tư tưởng đó của Người đã được hiện thực hóa bằng những nỗ lực không ngừng của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội để cùng đem lại một môi trường sống phát triển toàn diện cho trẻ em ở khắp mọi miền trên đất nước Việt Nam. Và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam – một tổ chức xã hội hoạt động luôn vì mục đích làm cho trẻ em được hưởng các quyền cơ bản theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn cũng đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện và thúc đẩy việc thực hiện quyền của trẻ em.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam luôn tin tưởng phần lớn trẻ em có thể tham gia thực hiện quyền của mình nếu các em được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết một cách đầy đủ, đúng đắn, kịp thời. Chính bởi vậy, trong các hoạt động tại cộng đồng, trường học khi làm việc trực tiếp với các em, Hội luôn hướng tới việc nâng cao nhận thức của trẻ em về quyền và bổn phận của trẻ, đồng thời cũng lồng ghép các hoạt động thực hiện quyền của trẻ ngay tại cộng đồng đặc biệt là quyền được bảo vệ và quyền được tham gia của trẻ.
Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát động đồng thời nhằm tạo một không gian vui chơi, gắn kết giữa trẻ em và bố mẹ, người chăm sóc, trong chuỗi hoạt động tại chương trình “Ngày hội thế giới tuổi thơ” lần thứ XXV tại huyện Mê Linh (Hà Nội), Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức chương trình giao lưu, tìm hiểu về quyền trẻ em đến hơn 300 trẻ em và người lớn tham dự sự kiện trong ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/2024. Trẻ em đã tham gia phần giao lưu, hỏi – đáp ngay tại gian trưng bày của Hội và trên sân khấu của chương trình. Cuộc thi Rung chuông vàng, diễn kịch tình huống đóng thế vai cùng với nhiều phần quà dành tặng cho các em tham gia cũng đã tăng thêm sự nhiệt tình, sôi động và tương tác của các em trong chương trình. Từ cách thức truyền thông thông thiện, gần gũi với trẻ sẽ giúp cho trẻ tiếp nhận các kiến thức về quyền trẻ em một cách dễ hiểu, dễ nhớ hơn.
Tham gia giao lưu tại sự kiện, các em không chỉ được tìm hiểu về quyền trẻ em mà còn nhận những phần quà bất ngờ. Tuy món quà nhỏ nhưng lại đem đến nhiều niềm vui và hứng thú cho các em khi tham gia hoạt động ngày 1/6 rất vui và bổ ích do Hội thực hiện.
Em L.H.K.Ngân (12 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em tham gia cuộc thi tìm hiểu về quyền trẻ em. Cảm xúc của em là vui và háo hức và nội dung em ấn tượng nhất là cuộc thi Rung chuông vàng vì nó rất vui và có nhiều người tham gia. Em đã được học thêm về một số điều luật cơ bản mà em không biết trước đây”.
Không chỉ truyền thông về quyền trẻ em cho trẻ em, chương trình còn hướng tới truyền thông, nâng cao nhận thức cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ về phương pháp giáo dục con phi bạo lực trong gia đình thông qua chương trình “Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày” (PDEP). Thông qua kịch tương tác, những thông điệp về sự tôn trọng đặc trưng riêng của trẻ, cách tương tác của cha mẹ với con để tăng cường mối quan hệ thân thiết giữa cha mẹ với con trong gia đình… cũng đã đưa ra giải pháp hỗ trợ cha mẹ, người chăm sóc không sử dụng bạo lực trong dạy dỗ con từ đó xây dựng mối quan hệ yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu giữa cha mẹ và con.
Cũng nhân dịp này, đã có 8 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của huyện Mê Linh cũng được nhận quà và học bổng trên sân khấu của chương trình (1.000.000đ tiền mặt + quà trị giá 300.000đ/phần) của Công ty Đông dược Hồ Bắc. Đơn vị này cũng cam kết sẽ đồng hành cùng Hội trong bảo trợ lâu dài cho 60 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong 2 năm với tổng trị giá 300.000.000 đồng.
Cũng nhân dịp này, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tăng cường hoạt động truyền thông thân thiện với học sinh về quy định pháp luật về quyền trẻ em tại một số trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội với mục tiêu không chỉ giúp các em được nâng cao nhận thức về quyền trẻ em mà cũng chính là đang thực hiện quyền của các em: quyền được bảo vệ, quyền được tiếp cận thông tin phù hợp, quyền được tham gia các hoạt động xã hội… theo phương châm hành động vì sự phát triển toàn diện của trẻ em, để không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Một số hình ảnh từ sự kiện