Không để trẻ em phải lớn lên một mình
Ngày 9/1, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển Làng Trẻ em SOS Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Tới dự Lễ kỷ niệm có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch danh dự Làng trẻ em SOS Quốc tế Helmut Kutin, Chủ tịch Làng trẻ em Quốc tế SOS Siddhartha Kaul, đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương… Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Ngày 22/12/1987, Bộ LĐ-TB&XH cùng Làng Trẻ em SOS Quốc tế đã ký Hiệp định về việc tiếp nhận tài trợ của quốc tế để xây dựng và phát triển Làng Trẻ em SOS tại Việt Nam, qua đó nhận nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi. Bên cạnh Làng Trẻ em SOS là dự án chính còn có các chương trình tăng cường gia đình ở cộng đồng nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bỏ rơi, các dự án hỗ trợ như trường mẫu giáo, trường phổ thông Hermann Gmeiner (mang tên người sáng lập ra làng trẻ em SOS) và các cơ sở dạy nghề…
Đến nay, đã có 17 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Điện Biên, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa thiên-Huế, Bình Định, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bến Tre và Cà Mau tiếp nhận tài trợ của Làng trẻ em SOS Quốc tế.
Với thông điệp “Không để trẻ em phải lớn lên một mình”, trong 30 năm qua Làng Trẻ em SOS Việt Nam luôn nỗ lực trong việc tiếp nhận, nuôi dạy trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi trong cả nước. Đến nay, gần 6.000 trẻ đã và đang được nuôi dưỡng trong các Làng Trẻ em SOS. Trong đó, có 2.860 cháu đã trưởng thành (806 cháu đã lập gia đình riêng), 3.100 cháu đang được nuôi dưỡng tại các Làng Trẻ em SOS. Khoảng 70% cháu sau khi rời sự chăm sóc của Làng Trẻ em SOS đều được đào tạo chuyên môn, nghề nghiệp ở các trình độ khác nhau.
Sau 30 năm hoạt động, Làng Trẻ em SOS Quốc tế đã tài trợ cho Việt Nam gần 120 triệu USD. Số kinh phí này bao gồm 25% chi đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, dụng cụ, phương tiện ban đầu và 75% chi cho chăm sóc, nuôi dưỡng và vận hành hoạt động thường xuyên.
Tổng số bà mẹ, bà dì, cán bộ, giáo viên và nhân viên làm việc tại các đơn vị thuộc hệ thống Làng Trẻ em SOS Việt Nam là 1.300 người. Ngoài ra còn có trên 500 giáo viên thỉnh giảng và lao động hợp đồng ngắn hạn. Làng Trẻ em SOS Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong tổng số 135 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động của Làng Trẻ em SOS, sau Ấn Độ và Braxin.
Với những thành tựu đạt được sau 30 năm xây dựng và phát triển, Làng Trẻ em SOS Việt Nam đã được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Nguồn tienphong.vn