Người Việt cần làm gì để hạn chế tình trạng trẻ em bị sát hại và bạo hành đang xảy ra liên tiếp?
“Trong khi người dân mình chỉ thái độ theo kiểu than phiền và không dám làm gì thì ở nước ngoài họ sẽ sang gõ cửa ngay và hỏi: “Con anh, chị cần gì?”, “Tại sao? Có cần tôi trợ giúp gì không?…”
Chưa đầy 2 tuần nay, liên tiếp có nhiều sự việc bạo hành, sát hại mà nạn nhân là trẻ em, thậm chí có những bé mới chưa đầy một tháng tuổi.
Người giúp việc bạo hành bé hơn 1 tháng tuổi ở Hà Nam, bé gái 7 tuổi nghi bị cha đẻ dí sắt nung đỏ vào mặt ở Kiên Giang, bảo vệ dân phố giết hại bé 6 tuổi ở TP.HCM và gần nhất là sự việc đau lòng khi bà nội có liên quan trong vụ sát hại cháu gái 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa. Các vụ việc đau lòng liên tiếp xảy ra này khiến dư luận hoang mang, sợ hãi và đau xót cho những em nhỏ vô tội.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam lên tiếng
Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, bà Ninh Thị Hồng (Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) lên tiếng:
“Với những thông tin trẻ em bị xâm hại liên tục xảy ra, chúng tôi rất đau xót và bức xúc. Bức xúc bởi những trẻ rất nhỏ tuổi mà bị bạo hành, bị sát hại, càng bức xúc hơn khi đó lại chính những người thân như báo chí đưa tin.
Không những giáo viên trông trẻ bạo hành trẻ mà ngay cả người thân cũng đã giết hại và hành hạ trẻ. Như vậy, điều này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức xã hội đã xuống cấp nghiêm trọng.
Bà Hồng cho biết, bà cũng từng gặp một trường hợp ở Bắc Kạn, có bà mẹ vì mê tín dị đoan mà đã giết hại con của mình:
“Điều này cho thấy vấn đề của xã hội là do chúng ta quản lý chưa tốt, để cho những kẻ mê tín dị đoan hành nghề mà dẫn đến những người tin hay nghe những lời mê tín đó lại hành hạ, giết con, cháu của mình”.
Hiện trường nơi phát hiện thi thể em bé hơn 20 ngày tuổi. Ảnh: Ngọc Hưng
Từ đó, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đưa ra một số đề xuất để hạn chế, bảo vệ trẻ em tránh khỏi những tình trạng nói trên:
“Trước hết, Luật Trẻ em đã ra đời và có hiệu lực thì phải tuyên truyền, rộng rãi tới người dân để họ nắm được.
Thứ hai, nhà nước, Quốc hội và các cấp, các ngành phải quan tâm đến lĩnh vực trẻ em hơn. Phải có những quản lý, giám sát chặt chẽ.
Ví dụ như ở trường mầm non tư thục mà có hành vi đánh trẻ em như vậy thì chính cơ quan cấp phép cho họ hoạt động lại giám sát thế nào mà để xảy ra chuyện như vậy? Do đó, cần có quy định là các trường mầm non tư thục khi xin phép hoạt động thì phải có camera, ai là người giám sát? Phụ huynh có trách nhiệm gì? Nhà nước cần phải làm thật kỹ như vậy.
Thứ ba, chính quyền địa phương phải quản lý địa bàn chặt chẽ. Trong địa bàn có những người nào hay hành nghề mê tín dị đoan, những ai có hành động, hành vi không có lợi cho trẻ em thì việc quản lý ở địa bàn dân cư phải làm mạnh lên thì mới bảo vệ được các cháu”.
Yếu kém ở đâu?
Trao đổi với chúng tôi, TS.Vũ Thu Hương (giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học – Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng nhận định, tình trạng này phần nào cho thấy sự coi thường trẻ em, thiếu tôn trọng và thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân Việt Nam.
Vấn đề yếu nhất ở nước ta là ý thức của người dân về pháp luật, trong khi đó, các cơ quan chức năng ở ta lại chưa siết chặt trong việc xử lý các vi phạm.
Từ đó, theo phân tích của TS Hương, trách nhiệm này thuộc về các cơ quan như Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế. Trong đó, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động Thương binh & Xã hội có vai trò rất cao và cần phải siết chặt hơn.
Trước đó, vụ việc người giúp việc bạo hành bé gái hơn 1 tháng tuổi ở Hà Nam cũng gây phẫn nộ dư luận. (Ảnh cắt từ clip)
Trong giáo dục, bà Hương nhận định, Bộ Giáo dục và Đào tạo ở Việt Nam cũng chưa có tiếng nói mạnh mẽ trong việc bảo vệ an toàn cho trẻ em:
“Gần như là họ chỉ quan tâm đến vấn đề dạy chữ thôi chứ chưa để ý đến các vấn đề an toàn.
Khi sang nước ngoài, chúng tôi thấy trẻ con ở đó được bảo vệ và tôn trọng rất đúng nghĩa. Còn ở mình, dù con được học rất nhiều chữ nhưng những kỹ năng tự bảo vệ mình lại không được học ngay cả trong trường và ở nhà”.
Người dân nước khác bảo vệ trẻ em như thế nào?
Trao đổi với PV, TS Hương nhấn mạnh, ở nhiều nước phát triển, điều cốt lõi là vấn đề dạy kỹ năng tự vệ cho trẻ rất được chú trọng và ý thức tuân thủ pháp luật cực kỳ cao. Từ đó, trẻ em ở đó được an toàn và người dân xung quanh luôn có ý thức rất cao trong việc bảo vệ trẻ nhỏ, như một phản xạ tự nhiên.
Trẻ em ở nước ngoài cực kỳ giỏi trong vấn đề tự vệ. Ví dụ, trẻ ở mình sẽ để yên cho người lớn xoa đầu, bế bổng… nhưng với trẻ nước ngoài thì chỉ cần mình tiến về thì chúng sẽ lùi lại ngay. Tức là thành phản xạ giúp trẻ em ở họ đảm bảo an toàn đến 60 – 70 % rồi.
Chỉ cần trẻ em có một biểu hiện gì đó bị tổn thương thì lập tức, người vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, kể cả đó là bố, mẹ của trẻ. Người dân ở nước họ cũng có ý thức về pháp luật rất cao và cực kỳ quan tâm đến trẻ em:
“Chúng tôi đã thấy có những trường hợp phụ huynh Việt Kiều tát con hằn trên má thì lập tức có công an đến nhà và xử lý. Vì thế mà những bố mẹ Việt Kiều đã truyền nhau rằng khi đánh con thì không được để lại dấu vết, nếu không thì sẽ bị phạt tù. Thậm chí, trẻ con ở nước họ còn được dạy đến mức là chỉ cần bố, mẹ giơ tay lên thì chúng sẽ nhấc máy gọi cảnh sát ngay.
Người dân ở nước họ cũng cực kỳ tốt, khi chỉ cần mình la hét trẻ con ở ngoài phố thì lập tức họ nhìn mình và có thể có ai đó đã nhấc máy điện thoại lên rồi.
Sự việc bé gái 7 tuổi nghi bị bố đẻ bạo hành bằng cách dí sắt nung đỏ lên cơ thể cũng gây bức xúc trong dư luận mấy ngày gần đây. Ảnh: Gia đình Việt Nam.
Khi thấy trẻ con bị đánh, phản ứng của người dân xung quanh ở nước họ cũng rất khác so với người dân mình. Trong khi người dân mình chỉ thái độ theo kiểu than phiền và không dám làm gì, còn ở nước ngoài thì họ sẽ sang gõ cửa ngay và hỏi: “Con anh, chị cần gì?”, “Tại sao? Có cần tôi trợ giúp gì không?”…” – TS Hương chia sẻ.
Bà Hương cho biết thêm, ở nhiều nước châu Âu, rất hiếm khi xảy ra những vụ việc bạo hành trẻ em và trẻ đi trên đường luôn được an toàn. Chỉ có một số giờ giới nghiêm (thường sau 8h tối) thì trẻ em bắt buộc phải ở nhà chứ không được tự ý ra đường.
“Trước 7h tối, trẻ em ở họ ra đường vô tư chứ không có vấn đề gì phải lo sợ bị bắt cóc, xâm hại từ chính những người xung quanh như ở ta. Thậm chí, ở ngoài đường, trẻ em ở nước họ còn an toàn hơn ở nhà, vì chỉ cần có gì xảy ra một chút là có người ý kiến” – bà Hương nói.
Nguồn giadinh.net.vn