Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” năm 2024: Xây dựng trường học hạnh phúc không bạo lực, không chất kích thích
Sáng nay (29/9), tại Hội trường Diên Hồng nhà Quốc hội đã diễn ra Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II – năm 2024 với hai chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” tổ chức nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hoá chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030. Đây là diễn đàn để trẻ em thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình; đồng thời tập dượt sinh hoạt chính trị nhằm hun đúc ước mơ, xây hoài bão lớn cho thiếu nhi, chủ nhân tương lai của đất nước; thể hiện sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và toàn xã hội đối với trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng.
Tham dự có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ngoài ra phiên họp còn có sự hiện diện của ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; Ông Hà Đình Bốn – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam… cùng 306 đại biểu thiếu nhi đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có 24 đại biểu “Quốc hội trẻ em” lần thứ I – năm 2023 tái cử.
Bà Nguyễn Phạm Duy Trang – Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Phiên họp cho biết, Phiên họp lần này là sự kế thừa và phát triển những thành công của phiên họp trước, đồng thời mang đến nhiều điều mới mẻ.
“Khác với năm trước, để đảm bảo tính dân chủ, năm nay Ban Tổ chức đã mở rộng hình thức tuyển chọn đại biểu. Bên cạnh việc các đại biểu trẻ em được các tỉnh thành đoàn giới thiệu, các bạn hoàn toàn có thể chủ động ứng cử đại biểu tham gia phiên họp. Sau đó, Ban Tổ chức sẽ tiến hành phỏng vấn 462 hồ sơ để đánh giá năng lực và lắng nghe quan điểm của các bạn về những vấn đề đã đề ra, từ đó chọn ra 306 đại biểu trẻ em cuối cùng tham dự phiên họp”, bà Trang chia sẻ.
Phát biểu khai mạc phiên họp, đại biểu trẻ em Lê Gia Vinh – Chủ tịch Quốc hội trẻ em cho biết, căn cứ vào đề xuất của các Đoàn đại biểu “Quốc hội trẻ em”, ý kiến, kiến nghị của cử tri trẻ em, Tổng Thư ký “Quốc hội trẻ em” đã tổng hợp 06 nhóm vấn đề gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của “Quốc hội trẻ em”. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trẻ em quyết định lựa chọn 02 nhóm vấn đề là “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội trẻ em giả định đã tham gia phát biểu các ý kiến, làm rõ các vấn đề được “cử tri trẻ em” cả nước quan tâm và nêu lên những mong muốn, nguyện vọng của các cử tri trẻ em tại địa phương.
Phòng, chống bạo lực học đường
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trẻ em Trần Bình Minh đã trả lời chất vấn về thực trạng và nguyên nhân về tình trạng bạo lực học đường. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trẻ em đã nhận định rằng, mặc dù các cơ sở giáo dục đều rất quan tâm đến việc xây dựng môi trường học đường tích cực. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường vẫn còn tồn tại.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trẻ em chỉ ra một số nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này. Thứ nhất, một số trường học, đội ngũ quản lý chưa thực sự quan tâm sâu sát đến việc xây dựng môi trường học đường và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Thứ hai, gia đình – nền tảng quan trọng của xã hội – trong một số trường hợp chưa thực sự quan tâm đến việc chăm sóc và định hướng cho con em mình. Thứ ba, công nghệ phát triển và trẻ em ngày càng có cơ hội tiếp cận sớm với các nội dung, sản phẩm có tính chất tiêu cực, bạo lực trên môi trường mạng. Cuối cùng, sự phối hợp giữa ngành giáo dục với các cấp chính quyền địa phương chưa đủ chặt chẽ.
Trong phiên chất vấn, em Lã Tiến Minh – Đoàn đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Bắc Giang đặt câu hỏi: “Ngày 01/6/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08 về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường. Tiếp theo đó, ngày 26/01/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02 về việc tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc phòng, chống bạo lực học đường. Ngành giáo dục và đào tạo đã triển khai 02 chỉ thị này như thế nào và hiệu quả ra sao?”
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trẻ em cho biết, Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch thực hiện các chủ trương và chỉ đạo các Sở GD&ĐT triển khai đến tất cả các cơ sở giáo dục, xây dựng văn hoá học đường, trong đó phối hợp cùng Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương triển khai mô hình trường học hạnh phúc.
Ngành giáo dục cũng đã quán triệt với thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho học sinh. Đối với đội ngũ quản lý, Bộ cũng yêu cầu triển khai thực hiện tốt các chương trình ngoại khóa, các phong trào hoạt động để tăng cường sự đoàn kết, lan tỏa các giá trị tốt đẹp đến các em học sinh. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng đã có chủ trương nhà trường phối hợp chặt chẽ với các bậc phụ huynh, thường xuyên kết nối giao tiếp, nhất là trong bối cảnh hiện nay có nhiều điều kiện, phương tiện để kết nối trực tuyến.
Đồng thời, ngành giáo dục cũng sẽ kiến nghị với ngành y tế để đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho các em học sinh có vấn đề tâm lý để giải tỏa kịp thời và tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo không thực hiện tốt các chủ trương này cũng như xử lý các cán bộ quản lý giáo dục để xảy ra tình trạng nghiêm trọng về bạo lực học đường.
Trong phần tranh luận, đại biểu trẻ em Đậu Khắc Gia Bảo đã đề nghị Bộ GD&ĐT phân tích sâu hơn về vai trò của yếu tố tâm sinh lý trong vấn đề bạo lực học đường, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trẻ em cho rằng, thực tế ngành GD&ĐT rất quan tâm và phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để có những giải pháp môi trường học sinh về tâm lý học đường. Tuy nhiên, việc này chưa được triển khai rộng rãi và đây cũng là điểm hạn chế. Do đó, trong thời gian tới ngành giáo dục sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để tăng cường triển khai và giải quyết kịp thời hơn những vấn đề tâm lý cho học sinh.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trẻ em Nguyễn Thuỷ Tiên cũng khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa học đường, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT để triển khai các giải pháp cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trẻ em Trần Lê Hà Vy đã nêu ra các biện pháp quản lý, giám sát và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, như hoàn thiện khung pháp lý, phối hợp với các nền tảng mạng xã hội, tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, và nghiên cứu phát triển công cụ bảo vệ trẻ em.
Đại biểu trẻ em Biện Nguyễn Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trẻ em đã trình bày các giải pháp cụ thể nhằm góp phần giải quyết vấn đề bạo lực học đường, bao gồm việc thiết lập Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, phối hợp với Trung ương Đoàn, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, tư vấn hỗ trợ tâm lý cho học sinh, và hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em. Các giải pháp này nhằm mục tiêu nâng cao sự quan tâm của toàn xã hội đối với vấn đề bạo lực học đường, đồng thời tạo ra một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao ý kiến của các đại biểu trẻ, đồng thời khẳng định rằng trường học hạnh phúc không phải là nơi có chỗ cho bạo lực. Ông cũng so sánh tác hại của bạo lực học đường với những thói quen xấu như hút thuốc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của học sinh.
Để giải quyết vấn đề này, các bên liên quan như gia đình, nhà trường và xã hội cần có những hành động thiết thực. Về phía các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường kiểm tra, giám sát. Phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ với con cái, tạo dựng một môi trường gia đình ấm áp. Nhà trường cần tăng cường công tác tư vấn tâm lý, tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh phát triển toàn diện.
Riêng các em học sinh, việc trang bị cho mình những kỹ năng sống là vô cùng quan trọng. Các em cần học cách tự tin thể hiện bản thân, giải quyết xung đột một cách hòa bình và biết cách chọn thông tin trên mạng.
“Các em học sinh chính là những người trực tiếp cảm nhận và chịu ảnh hưởng của bạo lực học đường. Vì vậy, mỗi học sinh cần chủ động tham gia vào việc xây dựng một môi trường học đường lành mạnh. Các em hãy tự tin lên tiếng khi bị bắt nạt, học cách ứng xử văn minh, tôn trọng bạn bè và thầy cô. Khi các em có những kỹ năng cần thiết, bạo lực học đường sẽ không còn cơ hội tồn tại”, Bộ trưởng Bộ Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường
Em Nguyễn Ngọc Mai An – Bộ trưởng Bộ Y tế trẻ em đã chia sẻ về những nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong môi trường học đường.
Thứ nhất, học sinh có thể dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm này thông qua mạng xã hội và tại cổng trường. Giá cả của các mặt hàng này khá đa dạng, nhiều sản phẩm giá rẻ, học sinh có khả năng mua được.
Thứ hai, học sinh thiếu hiểu biết về tác hại của các sản phẩm này, thậm chí có nhận thức sai lầm rằng, chúng ít gây hại hơn thuốc lá truyền thống.
Thứ ba, nhiều sản phẩm được thiết kế bắt mắt, có nhiều mùi vị làm tăng sự tò mò và mong muốn được thử nghiệm của các em.
Thứ tư, các quy định về quản lý các sản phẩm này vẫn còn nhiều khoảng trống.
Trước những vấn đề này, Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều biện pháp tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng các quy định chặt chẽ hơn trong quản lý các loại sản phẩm mới này.
Thứ nhất, Bộ đã xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ để tăng cường quản lý và điều chỉnh hành vi sử dụng thuốc lá của học sinh, bao gồm cấm bán các sản phẩm này tại Việt Nam.
Thứ hai, gia đình cần có sự quan tâm sát sao tới con em mình, nhất là việc quản lý tiền bạc và thời gian rảnh rỗi của các em trong độ tuổi học sinh.
Thứ ba, các cơ quan quản lý thị trường cần tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu, kinh doanh trái phép thuốc lá điện tử, thuốc lá, trong đó việc kinh doanh các mặt hàng này ở các cơ sở giáo dục.
Thứ tư, đề nghị ngành công an xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về nhập lậu, buôn bán cho trẻ em, sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Thứ năm, cần tăng cường công tác tuyên truyền thông tin về tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng cho trẻ em và cộng đồng xã hội. Việc thông tin cho trẻ em phải bằng các phương thức thích hợp với độ tuổi có thể đạt được hiệu quả cao hơn.
Vấn đề sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong học sinh là một vấn đề nghiêm trọng, cần sự chung tay của cả ngành y tế, giáo dục và toàn xã hội để ngăn chặn và giải quyết. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế trẻ em đề nghị ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ để quản lý việc sử dụng thuốc lá điện tử trong trường học, nhất là các thầy cô giáo, nhân viên trong cũng cần được thông tin phối hợp quản lý học sinh sử dụng thuốc lá điện tử.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ em bị ngộ độc, ảo giác và tổn thương nội tạng do sử dụng các chất kích thích. Năm 2023, con số này lên tới hơn 1000 trường hợp, để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe các em. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế rất đánh giá cao sự quan tâm và nghiên cứu của các đại biểu Quốc hội trẻ em đối với vấn đề này. Các em không chỉ nhận thức rõ tác hại của thuốc lá, điện tử và các chất kích thích khác mà còn đề xuất nhiều giải pháp thiết thực rất đầy đủ và chính xác xuất phát từ thực tiễn.
Để giải quyết vấn đề thuốc lá và các chất kích thích, Bộ Y tế sẽ tiếp thu những ý kiến này và nghiên cứu xây dựng các giải pháp cụ thể. Các giải pháp này sẽ được trình lên Chính phủ và Quốc hội để xin ý kiến và thông qua.
“Chúng tôi mong rằng, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm đến vấn đề này và đưa ra những quyết sách phù hợp, nhằm bảo vệ sức khỏe và tương lai của thế hệ trẻ để cùng nhau chung tay xây dựng một đất nước Việt Nam khỏe mạnh và phát triển”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Cuộc thảo luận đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, đặc biệt là phòng, chống tác hại của thuốc lá và các chất kích thích. Các đại biểu trẻ em đã thể hiện sự hiểu biết, trách nhiệm cao trong việc đề xuất các giải pháp thiết thực, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ em khỏe mạnh, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.