Say mê các trò chơi dân gian trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5

Các bạn nhỏ Hà Nội sẽ có cơ hội trải nghiệm trò chơi dân gian thú vị như kéo co, đi cà kheo, nhảy bao bố…trong 2 ngày 28 và 29/4 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Nhân dịp 30/4 giải phóng miền nam thống nhất đất nước và ngày Quốc tế lao động 1/5, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam miễn phí vé vào cửa cho các cựu chiến binh và tổ chức một số trò chơi dân gian mang tính tập thể như: nhảy dây đôi, dây ba, nối thúng, nhảy bao bố…

Các bạn trẻ là học sinh, sinh viên tại Hà Nội đến thăm quan bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã được chiêm ngưỡng tiết mục nghệ thuật múa rối nước, múa rối cạn đặc sắc do các nghệ nhân của phường Đồng Ngư, Bắc Ninh.

Chương trình góp phần giúp cho công chúng có những giây phút vui vẻ, đầy ý nghĩa bên người thân, bạn bè trong kỳ nghỉ lễ, cũng như nâng cao tinh thần chung tay bảo vệ di sản văn hóa dân tộc.

Cô Hoàng Ngọc Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà cô ở gần đây và cũng nhiều lần tham gia hoạt động ở Bảo tàng, cô thấy rất thú vị, mình vừa được tìm về tuổi thơ mà khi đưa con tới đây bạn ấy cũng sẽ có cơ hội trải nghiệm những trò chơi dân gian thú vị. Ở thành phố mà được chơi như thế này thì là một cơ hội rất quý”.

Sự kiện không chỉ thu hút các bạn nhỏ Thủ đô mà còn có những bạn từ nơi khác tới và được tham quan, tham gia các trò chơi dân gian. Bạn Khánh Ly (Bắc Ninh) hào hứng cho biết: “Nhà chú mình ở gần đây, nhân ngày nghỉ bố mẹ cho mình ra đây chơi và ghé qua Bảo tàng Dân tộc học. Dù từng thử nhiều lần trò đi cà kheo nhưng hôm nay mình đã đi được một đoạn xa đấy nhé!”.

Chương trình diễn ra trong 2 ngày 28, 29/4/2018 (thứ 7, chủ nhật).

Ngày nay trong quá trình đô thị hoá mạnh mẽ, trước sự phát triển của công nghệ thông tin, những trò chơi dân gian còn ít cơ hội để phát triển. Quá trình đô thị hoá đã làm thay đổi, không gian, môi trường sinh hoạt vui chơi của trẻ em.

Thế nhưng không phải những trò chơi ấy mất đi sự hấp dẫn của mình. Chỉ cần nhìn vào số lượng người tham dự, những nét mặt tươi cười khi được trải nghiệm trò chơi dân gian, ta cũng thấy chúng không phải đã “hết thời”.

Nguồn thieunien.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *