Tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng làm việc với trẻ em là nạn nhân của xâm hại và bạo lực.
Ngày 10/3/2020 , tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực về quyền trẻ em và kỹ năng làm việc với trẻ em cho hơn 20 học viên trực thuộc Câu lạc bộ Luật sư, luật gia và hội thẩm nhân dân và Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Hồ Chí Minh.
Đối tượng trẻ em bị bạo lực, xâm hại là nhóm trẻ em rất cần sự tham gia hỗ trợ, bảo vệ của nhóm luật sư, luật gia và hội thẩm nhân dân nhằm đảm bảo tốt nhất quyền của các em khi các em trở thành nạn nhân của bạo lực, xâm hại.
Tuy nhiên, đây cũng là nhóm trẻ em rất khó tiếp cận, có sự mâu thuẫn giữa nhu cầu muốn được chia sẻ thông tin với tâm lý lo lắng, sợ hãi trước những sự việc đã xảy ra với các em. Chính vì vậy, những kỹ năng mà các luật sư, hội thẩm nhân dân cần trang bị để có thể làm việc với các em, thu thập các thông tin về vụ việc xảy ra với trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại là rất cần thiết trong quá trình bảo vệ các em.
Tại lớp tập huấn, nhiều nội dung đã được trao đổi, thảo luận. Học viên đã được trang bị một số kỹ năng quan trọng trong quá trình bảo vệ trẻ em như kỹ năng quan sát, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng đặt câu hỏi và kỹ năng thuyết phục. Giảng viên cũng đã tập trung phân tích những kỹ năng cụ thể cần sử dụng như kỹ năng quan sát trẻ em ở trạng thái động, trẻ em ở trạng thái tĩnh, quan sát trẻ em cần đặt vào bối cảnh cụ thể, tạo không gian an toàn để thiết lập một cuộc nghe hiệu quả, cách đặt câu hỏi hiệu quả mà không tạo sự khó hiểu cho trẻ em, cần thiết lập hình ảnh và sự tin tưởng đối với trẻ khi thu thập thông tin từ trẻ…
Những nội dung tập huấn rất thiết thực và đã thu hút sự tham gia thảo luận nhiệt tình của các học viên. Đặc biệt, câu chuyện chia sẻ của học viên Phan Thanh Minh, thành viên CLB Luật sư, luật gia và hội thẩm nhân dân về cách tiếp cận (vừa chơi cùng, vừa gợi mở câu chuyện) với trẻ em là nạn nhân của xâm hại tình dục đã trở thành một minh chứng rõ ràng, thuyết phục về sự cần thiết phải trang bị những kỹ năng làm việc với trẻ em dành cho những người tư vấn, bảo vệ trên phương diện pháp luật đối với nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt này.
Luật sư, luật gia và hội thẩm nhân dân là những đối tượng có thể bảo vệ trẻ em trong quá trình điều tra, khởi tố vụ án vi phạm quyền trẻ em và quá trình tố tụng tại tòa. Vì vậy việc tập huấn cho nhóm đối tượng này hiểu về quyền trẻ em, cách thức làm việc với trẻ em sẽ góp phần làm cho quá trình bảo vệ quyền trẻ em là nạn nhân được nâng cao hiệu quả. Nhiều luật sư là những tình nguyện viên làm việc độc lập và có trình độ, kinh nghiệm trong quá trình tố tụng, nếu được trang bị thêm những kiến thức liên quan tới quyền trẻ em, kỹ năng làm việc với trẻ em sẽ mở rộng mạng lưới những tình nguyện viên tích cực, chất lượng, hiệu quả của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trong các vụ việc cần bảo vệ quyền trẻ em đặc biệt trẻ em là nạn nhân bị bạo hành, xâm hại và trẻ em vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra, khởi tố vụ án.
Hướng Dương