Tập huấn về kỹ năng truyền thông, kỹ năng thu thập tin về việc thực hiện quyền trẻ em
Ngày 11/3/2020, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR) đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng truyền thông tại cộng đồng và kỹ năng thu thập thông tin về việc thực hiện quyền trẻ em thu hút sự tham gia của hơn 20 học viên là cán bộ Hội và các tổ chức xã hội trên địa bàn thành phố và một số tỉnh thành phía Nam như Bến Tre, Trà Vinh.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực các tổ chức xã hội về quản trị quyền trẻ em” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam (SCI) tài trợ, nhằm nâng cao năng lực cho cơ sở của VACR tại địa phương và các tổ chức xã hội (CSOs) làm về trẻ em để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của các CSOs nói chung và VACR nói riêng được quy định tại Điều 92 Luật Trẻ em năm 2016.
Tham gia lớp tập huấn, các học viên đã được trang bị một số khái niệm cơ bản về quyền trẻ em quy định trong Luật Trẻ em, Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em gắn với nội dung phòng chống trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em.
Những khái niệm về truyền thông, thông điệp truyền thông, truyền thông trực tiếp thay đổi hành vi tại cộng đồng đặc biệt là tập trung vào kỹ năng truyền thông thân thiện với trẻ em, cách thức tổ chức buổi truyền thông hiệu quả đã thu hút sự quan tâm của các học viên. Học viên đã được thực hành kỹ năng truyền thông thân thiện thông qua những bài tập làm quen bằng hình thức làm việc nhóm về xây dựng một nội dung truyền thông liên quan tới quyền trẻ em tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, thông qua hình thức “sắm vai”, học viên đã được thực hành kiến thức về kỹ năng thu thập thông tin như kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng quan sát, tham quan quan thực tế điều kiện sống, nơi ở của trẻ và đọc các tài liệu lưu trữ liên quan tới trẻ từ đó phân tích vấn đề, lựa chọn vấn đề về việc thực hiện quyền trẻ em dựa trên tình hình thực tiễn ở địa phương.
Thông qua lớp tập huấn, các tổ chức xã hội sẽ được tăng cường năng lực trong tổ chức hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng và kỹ năng thu thập thông tin việc thực hiện quyền trẻ em tại địa phương. Từ đó, vai trò của các CSOs sẽ được cơ quan Nhà nước công nhận trong việc nỗ lực thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em một cách hiệu quả tại cộng đồng.
Hướng Dương