Tham vấn xây dựng Khung chiến lược phát triển Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam giai đoạn 2023-3033.
Ngày 13/5/2022 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến để xây dựng Khung chiến lược về công tác bảo vệ trẻ em trong 10 năm tới với sự tham dự của 30 đại biểu trực tiếp và gần 50 đại biểu dự trực tuyến từ các cơ sở Hội tại hơn 20 tỉnh/TP trong cả nước và các tổ chức làm việc về trẻ em.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa chia sẻ mong muốn những bài học kinh nghiệm từ thực tế trong công tác trẻ em tại địa phương sẽ là nền tảng, cơ sở để Hội có thể định hướng chiến lược phát triển trong thời gian tới để góp phần xây dựng chiến lược của Hội có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn với các vấn đề trẻ em hiện nay.
Phần dự thảo Khung chiến lược phát triển của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trong công tác bảo vệ trẻ em 10 năm tới do ông Võ Anh Dũng – Phó Chủ tịch Hội trình bày đã tập trung vào những nội dung chính như sự cần thiết xây dựng chiến lược mới; tầm nhìn – sứ mệnh – giá trị; những cơ hội và thách thức; những vấn đề ưu tiên về bảo vệ trẻ em hiện nay; mục tiêu cụ thể và hoạt động cụ thể; giám sát và đánh giá chiến lược…
Các đại biểu đã góp ý rất cụ thể về dự báo những vấn đề liên quan tới trẻ em cần được chú trọng trong thời gian tới như bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bạo lực trẻ em trong gia đình, sức khỏe tâm thần trẻ em, khả năng tiếp cận thông tin của các trẻ em cấp phường/xã và các hình thức tiếp cận trực tiếp tới trẻ em…
Bên cạnh đó, Hội cần tập trung vào mục tiêu chính là thực hiện tốt Điều 92 Luật Trẻ em trong đó cần có kế hoạch hoạt động cụ thể để xây dựng mạng lưới cơ sở Hội tốt hơn, rộng khắp và có chất lượng trong đó cần có nguồn nhân lực có năng lực và tính tự nguyện, tâm huyết để thực thiện tốt nhiệm vụ bảo vệ trẻ em. Hội cũng cần tập trung vào xây dựng và cung cấp dịch vụ bảo vệ quyền trẻ em; truyền thông về kỹ năng và kiến thức bảo vệ trẻ em cho các cơ quan công chức, viên chức tại cơ quan liên quan.
Hội cũng cần tăng cường mở rộng mối quan hệ với các đối tác chiến lược. Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Ngọc Bảo – Trưởng nhóm chuyên gia Quyền trẻ em và Bảo vệ trẻ em – Tổ chức ChildFund Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Hội sẽ trở thành đối tác chiến lược của ChildFund Việt Nam trong công tác bảo vệ trẻ em thời gian tới. Hội có đội ngũ chuyên gia kinh nghiệm trong công tác trẻ em, có đội ngũ cán bộ trẻ nhiệt huyết, trong bối cảnh công nghệ giữ vai trò quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội vì vậy Hội cũng cần có sự thích ứng với sự phát triển của công nghệ thông tin để thực hiện tốt hơn trong các hoạt động hỗ trợ, bảo vệ trẻ em hiện nay. Hội cũng có thể trở thành cầu nối với Cục Trẻ em và các doanh nghiệp viễn thông trong công tác bảo vệ trẻ em.
Có ý kiến đại biểu cho rằng chiến lược của Hội thời gian tới có thể tham gia xây dựng và góp ý với cơ quan Nhà nước về các quy định, tiêu chí như bộ tiêu chuẩn kỹ thuật trong dịch vụ bảo vệ trẻ em; tiêu chuẩn, nhiệm vụ, kỹ năng của cán bộ bảo vệ trẻ em cấp xã/phường; các xã/phường có cơ chế bảo vệ trẻ em ở cộng đồng cần xác định rõ vai trò của từng người trong từng hình thức cộng đồng, sự tham gia của cha mẹ/cộng đồng trong bảo vệ trẻ em… để tham gia hiệu quả hơn công tác bảo vệ trẻ em cùng cơ quan Nhà nước trong tình hình mới.
Hội thảo tham vấn đã nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu đều thống nhất cho rằng công tác bảo vệ trẻ em là công việc lớn và cần sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị và cần nhiều giải pháp đồng bộ mới có thể làm được. Với vai trò của Hội là tổ chức xã hội nhưng có căn cứ pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ trong bảo vệ trẻ em như Luật Trẻ em, Nghị quyết số 121/2020/QH14 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em…. Hội hoạt động là tự nguyện, chủ động trong tìm kiếm nguồn lực về con người có kinh nghiệm và kiến thức ở các vị trí khác nhau vì vậy Hội cần có chiến lược phát triển với những mục tiêu cụ thể, kế hoạch hành động mang tính khả thi để thực hiênt tốt nhiệm vụ được quy định trong Luật Trẻ em đặc biệt tham gia tích cực và có hiệu quả trong xây dựng thể chế, thực hiện chính sách pháp luật liên quan tới trẻ em hiện nay.