“Thôn” kỳ lạ với hơn 5.000 người chỉ thích làm những “điều giản dị”
Đây là một nhóm tập hợp gần 5.000 người ở đủ mọi ngành nghề, đủ mọi lứa tuổi, từ những cô bán bún riêu cua, đến những bác bảo vệ, giáo viên, công nhân viên chức về hưu… Họ gặp gỡ nhau, cùng chung tay làm nên những “điều giản dị” nhưng đầy ý nghĩa cho cuộc sống.
Ý tưởng từ “đĩa rau muống luộc”
Anh Trịnh Quang Trung (48 tuổi, Hà Nội) người được cả nhóm yêu quý gọi là “trưởng thôn” chia sẻ: “Nhóm được thành lập từ một điều vô cùng giản dị, đó cũng là ý nghĩa của tên nhóm của bọn tôi.
Hôm đó là ra tết, tôi được ăn một đĩa rau muống luộc của bà. Tôi bỗng cảm thấy đó là một điều vô cùng giản dị, như chính những thứ xung quanh chúng ta vậy. Vì thế, tôi đã lập một nhóm lấy tên là “Điều giản dị” để mọi người có thể cùng nhau chung tay làm một chút gì đó cho cuộc sống”.
Các thành viên của nhóm vui tết thiếu nhi với trẻ em khó khăn tại Thái Nguyên
Những ngày đầu thành lập, nhóm chỉ gồm bạn bè cũ và anh em đồng nghiệp. Dần dần, mọi người giới thiệu nhau và biết tới nhóm nhiều hơn, qua 4 năm hoạt động hiện nay số thành viên của nhóm đã lên tới gần 5.000 người. Thành viên của nhóm ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, mọi người biết nhau và trò chuyện qua facebook.
Một điều đặc biệt của nhóm, đó chính là các thành viên đều ở độ tuổi trung niên, người đã về hưu, người vẫn đang trong công cuộc mưu sinh. Vì thế nhóm không có bất kì một quy tắc gì về việc đi hoạt động hay đóng góp.
“Trong các hoạt động, ai tham gia được thì tham gia, ai có thì đóng góp vật chất, ai không có thì góp sức lực, đơn giản chỉ cần mọi người thấy vui với công việc mình làm” – anh Trung nói.
Giải thích về việc gọi nhóm là “thôn”, mọi người cười và nói rằng do nhóm hay đi làm tình nguyện ở vùng núi, vùng sâu nên gọi thế cho giản dị, chất phác.
“Mình thích thì mình làm thôi”
Đó là câu trả lời của các thành viên trong nhóm khi được hỏi về lí do tham gia các hoạt động tình nguyện.
Ông Phùng Xuân Thủy (Quận Hai Bà Trưng, 56 tuổi) – một trong những thành viên đồng hành ở tất cả các hoạt động của nhóm trong suốt 4 năm qua chia sẻ: “Những nơi nghèo, có thiên tai, mình cần đùm bọc lẫn nhau, mình không giúp được họ nhiều. Việc làm của mình, không có gì quá to lớn để tự hào nhưng mỗi ngày làm việc có ý nghĩa sẽ khiến mình cảm thấy thanh thản hơn”.
Trong những năm đầu, nhóm thường tổ chức các chuyến từ thiện ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt hướng vào đối tượng các em nhỏ nơi đây. Từ những việc nhỏ như trang bị cho các em quần áo, đôi dép hay cặp lồng đến việc xây trường, xây cầu để chặng đường đến với con chữ của các em đỡ vất vả hơn.
Chuyến tình nguyện đáng nhớ tại Yên Bái của nhóm “Điều giản dị”
Theo anh Trịnh Quang Trung, mỗi lần lên kế hoạch đi tình nguyện, anh sẽ cùng một số thành viên khác đi tiền trạm để tìm hiểu cuộc sống ở nơi đó trước. Xem họ cần gì, thiếu gì để về kêu gọi “thôn” đóng góp.
Nhiều khi đi tiền trạm, thấy cuộc sống của bà con thiếu thốn, khó khăn quá, anh và các thành viên lại càng có động lực về xuôi kêu gọi ủng hộ. Nhưng cũng có khi đến thấy hoàn cảnh nơi đó không phải quá khó khăn, các thành viên lại đi về và tìm kiếm những nơi thực sự khó khăn để giúp đỡ.
Được biết, trong năm nay nhóm đã tổ chức hai chuyến tình nguyện ở Yên Bái và Thái Nguyên. Riêng ở tỉnh Yên Bái, nhóm đã phát quà cho 270 cháu ở trường mầm non xã Trạm Tấu. Mỗi phần quà chỉ là mũ, áo len, khăn ấm, tùy theo số tiền mọi người ủng hộ, nhưng món quà nhỏ này đã phần nào giúp mùa đông nơi vùng cao thêm ấm áp hơn.
Song song với hoạt động từ thiện, nhóm còn thường xuyên tham gia những hoạt động vì cộng đồng. Ví dụ như tham gia đi bộ chống bạo hành phụ nữ và trẻ em gái, chương trình vì nạn nhân chất độc màu da cam, chương trình giờ trái đất. Trong mỗi hoạt động, các thành viên đều tham gia rất nhiệt tình.
Cùng chung tay làm nên những “Điều giản dị”
Suốt chặng đường gắn bó với nhóm, những thành viên dù đã ở độ tuổi trung niên thế nhưng vẫn giữ trong mình sự nhiệt huyết và tình yêu với việc làm từ thiện.
Chị Hương Trà (48 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Có những lúc đi làm mệt quá, mấy anh em bảo nhau , đi nốt chuyến này anh em mình nghỉ, thế nhưng niềm vui của mỗi chuyến đi lại thôi thúc mình đi nhiều hơn nữa. Công việc từ thiện không chỉ để giúp người ta, mà cũng chính nó đem lại niềm vui cho cuộc sống của mình”.
Chiều thứ 6 hàng tuần, các thành viên trong nhóm có mặt để phát cháo miễn phí tại bệnh viện Nhi Hà Nội
Chị chia sẻ, có những chuyến đi từ thiện vào đợt lũ tràn về, xe đi qua đường trơn suýt thì trật bánh, qua được đoạn đường ấy cả đoàn ôm nhau khóc.
Có những khi xe hỏng giữa đường cao tốc, phải dừng lại sửa mất mấy tiếng đồng hồ… Khó khăn có, nguy hiểm có, thế nhưng niềm vui và sự thanh thản khi mình giúp đỡ môt ai đó lại tạo thêm cho nhóm động lực đi tiếp.
Cứ chiều thứ 6 hàng tuần, những thành viên của nhóm lại có mặt tại Bệnh viện Nhi Hà Nội để phát cháo miễn phí. Người múc cháo, người đóng hộp để phát. Phát không hết thì mang tận lên khoa cho những bệnh nhân không có điều kiện xuống nhận cháo.
Nhìn những nụ cười tươi của các bác, các cô, có lẽ đây chính là điều đáng quý nhất mà họ cần trong công việc của mình.
Nguồn giadinh.net.vn