Tổ chức xã hội tích cực, chủ động tham gia thúc đẩy việc thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên Hợp quốc
Ngày 27/3/2023 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức Diễn đàn các tổ chức xã hội về thực hiện quyền trẻ em theo Khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc năm 2022 với sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của hơn 50 đại biểu đến từ các tổ chức Hội ở địa phương và các tổ chức làm về trẻ em trong nước và quốc tế.
Mở đầu Diễn đàn, các đại biểu đã được ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ những thông tin về tiến trình đối thoại của Đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam với Ủy ban Quyền trẻ em (Ủy ban CRC) về tình hình thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em tại Việt Nam (Công ước). Cùng với đó, dự kiến kế hoạch thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban CRC cũng đã được ông Đặng Nam nhấn mạnh, tập trung vào những khuyến nghị trọng tâm và khẩn cấp bao gồm Không phân biệt đối xử (đoạn 17); Bạo lực đối với trẻ em (đoạn 30); Trẻ em bị tước đoạt môi trường giáo dục và gia đình (đoạn 34); giáo dục công bằng, hòa nhập, thân thiện và chất lượng (đoạn 44); Bóc lột về mặt kinh tế, bao gồm cả lao động trẻ em (đoạn 43); tư pháp với trẻ em (đoạn 52).
Sau phần chia sẻ của đại diện cơ quan Nhà nước, các tổ chức làm việc về trẻ em bao gồm Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cùng với cơ sở Hội ở địa phương như Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bạc Liêu, Quảng Ninh và các tổ chức quốc tế làm việc về trẻ em ở Việt Nam cũng đã có những phần chia sẻ, thảo luận về kế hoạch lồng ghép thực hiện khuyến nghị của Ủy ban CRC trong các hoạt động phù hợp với tình hình địa phương và nội lực của các tổ chức.
Phần trình bày của bà Cao Thị Thanh Thủy – Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đã đưa ra kế hoạch thực hiện Công ước như rà soát thực tế tại Việt Nam tập trung vào nguyên tắc lợi ích tốt nhất của trẻ em, hướng dẫn đánh giá tác động xã hội liên quan; tiếp tục thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng và thực thi pháp luật chính sách; thúc đẩy bảo vệ trẻ em thông qua các chương trình, dự án tại trung ương và địa phương; thúc đẩy nhân rộng các điển hình tốt về thúc đẩy quyền trẻ em thông qua giải thưởng Cống hiến vì trẻ em Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thanh Hòa nhấn mạnh vận động chính sách mà các Hội cơ sở ở địa phương cần mở rộng khái niệm không phải là chính sách nói chung tầm vĩ mô mà cần chọn vấn đề cụ thể để chủ động thực hiện việc góp ý chính sách, pháp luật ngay từ các hoạt động truyền thông về luật phát, chính sách, đề xuất thí điểm chương trình phối hợp với các cơ quan liên quan của địa phương trong giáo dục kiến thức và kỹ năng cho cha mẹ về bảo vệ trẻ em.
Bà Nguyễn Thị An – Đồng Chủ tịch Nhóm Công tác về quyền trẻ em (CRWG) cũng đã có phần chia sẻ kế hoạch lồng ghép thực hiện khuyến nghị trong hoạt động của Nhóm và các tổ chức thành viên trong thực hiện các khuyến nghị về tăng cường thẩm quyền của Ủy ban Quốc gia về quyền trẻ em; sự tham gia của trẻ em; giảng dạy và phổ biến về quyền trẻ em bằng ngôn ngữ của các nhóm dân tộc thiểu số; đảm bảo nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; bạo lực trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại.
Đánh giá về vai trò của tổ chức xã hội và cam kết của các tổ chức đồng hành cùng cơ quan Nhà nước thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban CRC, ông Đặng Hoa Nam cũng cho rằng: “Liên quan tới khoảng trống pháp lý, luật pháp sửa đổi, việc bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật là nhiệm vụ của Nhà nước và cũng không phải là quá trình thực hiện dễ dàng. Việc tiếp cận khuyến nghị của Ủy ban CRC khá phức tạp, có chỗ tiếp cận dựa trên quyền, trên vấn đề, trên đối tượng để có cách tiếp cận rõ ràng nhất, chỉ rõ các chủ thể tham gia thực hiện Khuyến nghị, giải quyết vấn đề trẻ em. Tuy nhiên, các tổ chức nên triển khai các vấn đề theo Khuyến nghị của Ủy ban CRC, nếu đã làm rồi thì sẽ duy trì, thúc đẩy, làm mới thế nào, cái gì chưa có thì sẽ triển khai thế nào phù hợp với lộ trình phát triển của Việt Nam. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội cũng có vai trò quan trọng trong truyền thông, thúc đẩy các tài liệu hướng dẫn bảo vệ trẻ em hướng tới gia đình và cộng đồng để tăng cường vai trò, kiến thức và kỹ năng của cha mẹ trong bảo vệ trẻ em.
Kết thúc Diễn đàn, các tổ chức cùng bày tỏ cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban CRC về thực hiện Công ước Quyền trẻ em tại Việt Nam để góp phần thúc đẩy và đảm bảo quyền trẻ em được thực thi tốt hơn trong thực tiễn và bối cảnh hiện nay.