Vì sự an toàn của trẻ em trên không gian mạng
Ngày 4/12/2019, Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt nam và Trần Thị Hòa đã tham dự “Hội nghị quốc tế vì sự an toàn của trẻ em trên không gian mạng”. Hội nghị do ECPAT Quốc tế và Đài Loan phối hợp tổ chức tại Đài Loan với sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các nước Đông Á, Đông Nam Á và một số diễn giả Luật sư, cảnh sát đến từ Đức, Úc, và Mỹ. Hội nghị đã trao đổi những thách thức đối với trẻ em trên không gian mạng và chiến lược ứng phó bóc lột tình dục trẻ em theo hướng dẫn thực hiện Nghị định thư không bắt buộc của Công ước Quyền Trẻ em LHQ về buôn bán, mại dâm và khiêu dâm trẻ em.
Toàn cảnh Hội nghị
Ngày nay trong thời đại công nghệ số, internet là một phần thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta. Hiện có khoảng một phần ba số người dùng internet trên thế giới là trẻ em và thanh thiếu niên (theo UNICEF, 2017). Trẻ em đang trở thành mục tiêu của những đối tượng có động cơ xấu. Các hình ảnh khiêu dâm trẻ em bị quay, phát trực tiếp, đưa lên mạng, truy cập, phát tán và mua bán ngày càng gia tăng toàn cầu. Một hiện tượng đáng lo ngại đang nổi lên là trẻ em tự tạo hình ảnh gợi dâm, sau đó bị bọn tội phạm về tình dục trẻ em chia sẻ, sở hữu và phát tán.
Cộng đồng quốc tế không khoan dung tội bóc lột tình dục trẻ em trên không gian mạng, kêu gọi hợp tác toàn cầu vì không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được loại tội phạm này bởi sự phát tán và tác động xấu tới trẻ em. Cải thiện hệ thống luật pháp chính sách, xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, thực thi pháp luật hiệu quả, nghiên cứu thu thập dữ liệu, bằng chứng, điều tra, tư pháp thân thiện với trẻ em, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân trẻ em và không phân biệt đối xử đối với trẻ em là một số biện pháp ứng phó cần tăng cường. Trong đó, sự hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức hoạt động vì quyền trẻ em và các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ đóng vai trò quan trọng trong ngăn chặn bóc lột tình dục trẻ em.
Để bảo vệ trẻ em, nhiều nước đã thực hiện sáng kiến tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn trên mạng cho trẻ em, phụ huynh và giáo viên; thành lập các trung tâm tư vấn trẻ em, đường dây nóng, điều tra, tư pháp thân thiện với trẻ em, không phán xét trẻ em, trẻ em là nạn nhân được pháp luật bảo vệ.
Hội nghị cũng vận động Chính phủ các nước đưa nội dung “bảo vệ trẻ em không bị bóc lột tình dục trong lữ hành và du lịch” vào Công ước khung LHQ về Đạo đức du lịch của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) trước khi ký và phê chuẩn, đồng thời thúc đẩy các nước thực hiện Nghị quyết của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA) về xóa bỏ mọi hình thức bóc lột tình dục trẻ em.
Ban Hợp tác quốc tế