Xuân không nhà của một cô bé

Lắng nghe mong ước của bé V.T.H (13 tuổi, Hà Nội) từng bị mẹ đẻ “nhốt” trong nhà nhiều năm chúng tôi và những người trông trẻ ở Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Hàn không khỏi xót xa. Lời con trẻ trước mùa Xuân sao mà trĩu lòng đến thế?


Bé H đã có nhiều biến chuyển tích cực cả về thể chất và nhận thức. Ảnh: Nông Thuyết

Bé H đã có nhiều biến chuyển tích cực cả về thể chất và nhận thức. Ảnh: Nông Thuyết

Ký ức buồn của cô bé 13 tuổi

Qua cánh cổng khép hờ của Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Hàn (thôn Yên Thái, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội) tôi bắt gặp một gương mặt vừa quen, vừa lạ. Đó là V.T.H, cô bé ở Linh Đàm (Hà Nội) từng bị mẹ đẻ “nhốt” ở nhà nhiều năm, đến mức trở thành một đứa trẻ không bình thường, được phát hiện vào năm 11 tuổi…

Năm gia đình tan vỡ, H được mẹ là T.T.H.N nuôi dưỡng nhưng bị cấm túc ở nhà, không cho ra ngoài hay đến trường vì… sợ con gặp nguy hiểm. Trước đây, mẹ của bé từng là nhân viên phiên dịch tiếng Anh cho đại sứ quán nên kinh tế cũng khá. Sau khi ly hôn, chị N không làm công việc nữa, mọi chi tiêu đều nhờ khoản tiền gửi ngân hàng trước đó. Thỉnh thoảng, hai mẹ con lại gói gém quần áo, đi lang thang vài ngày mới về nhà nên trở thành mối “bí ẩn” với mọi người xung quanh. 5 – 6 năm trước, người thân biết được sự bất thường này nhưng khuyên giải và nhờ chính quyền can thiệp đều vô ích. Hơn 10 năm sống khép kín, H dần trầm tính, chậm chạp, sợ người lạ…

Đến ngày 25/12/2016, H được phát hiện bị lạc mẹ trong tình trạng đói lả và sợ hãi người lạ. Người mẹ có đến nhận và cam kết sẽ nuôi dạy con bình thường nhưng sau đó lại không có gì thay đổi. Đến ngày 31/12/2016, H lại bị lạc và cơ quan chức năng không thể liên lạc với chị N thì mới đưa bé đến trung tâm bảo trợ xã hội. Từ đó đến nay, cũng không có bất kỳ tin tức gì của người mẹ này nữa…

Từ nhỏ H đã sống thu mình nên việc đưa bé trở lại hòa nhập với cuộc sống rất khó khăn. Dù đã sau một năm H cao lớn hơn nhiều, nước da trắng trẻo, mái tóc đen dài, không còn ngắn cụt như trước đây. Cô giáo Trần Thanh Lam – người trực tiếp chăm sóc sinh hoạt hằng ngày của bé H kể lại: “Trước đây, H không chịu giao tiếp, bây giờ bé đã nói chuyện với các bạn chứ không lẳng lặng như trước nữa. H rất chủ động trong việc vệ sinh cá nhân, tự chọn việc làm cùng các bạn, hôm thì đổ rác, hôm quét sân”.

Cô Lam kể: “H còn là một cô bé rất nhạy cảm, tình cảm và chỉ những ai thực sự gần gũi, bầu bạn hằng ngày thì H mới theo, mới nghe. H nhớ và kể về giai đoạn đi ra ngoài rồi bị lạc mẹ. Bé rất nhớ bác Long (bác trai) nên rất hay nhắc đến”.

Được biết, từ ngày H chuyển đến đây thì chỉ có một người bác dâu đến thăm bé. Cô bé vẫn rất nhớ nhà và thường đòi được người thân đón về. Khi còn ở Trung tâm Bảo trợ xã hội III, các cô chăm sóc phải canh chừng cô bé rất cẩn thận vì H luôn tìm cách trốn chạy ra ngoài. Nhưng với môi trường ở đây, H đã dần hòa đồng và không trốn nữa. Mỗi lần bác dâu đến thăm và dặn dò thì cô bé cũng ý thức được và gật đầu vâng lời…

Tại đây, H luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Về mặt học tập, ban đầu, cô bé chậm và ít chia sẻ. Nắm được nguyên nhân và hoàn cảnh, các cô giáo dạy học cố gắng gần gũi để bé dần mở lòng. Cô giáo Hà Thị Ngọc Thảo chia sẻ: “H bị thiệt thòi về mặt tình cảm nên chúng tôi cố gắng gần gũi, chia sẻ… vừa là cô giáo nhưng cũng là người bạn của con. Dần dần, con cũng cởi mở hơn. Về học tập H, tiến bộ rõ rệt. Bé đã có thể làm phép cộng, trừ hai chữ số có nhớ và biết giải toán có lời văn. Bé đang học tiếng Việt lớp 2, có thể đọc thông thạo và trả lời được nội dung bài học”.

Ngoài việc học tập, H được học một số kỹ năng khác như học làm tăm tre, giao tiếp, tự bảo vệ bản thân trước người lạ, người khác giới… Cô giáo Thảo cho biết, H rất có hứng thú với việc học. Mỗi khi cô giáo giao bài tập thì bé còn đề nghị cô giao thêm.

“Mong bé được về ăn Tết bên gia đình”

“Chúng tôi cũng rất thương và buồn vì H không có gia đình. Gắn bó với H, tôi thấy H ngoan, hiểu biết hơn so với nhiều trẻ khác. Khi muốn cái gì thì H cũng chỉ xin đúng phần mình cần thôi, như bánh kẹo thì thường ăn đủ phần rồi bảo cô cất đi…”, cô giáo Lam tâm sự.

Ở đây, mỗi một đứa trẻ có một dạng tật khác nhau, đòi hỏi các cô giáo phải thật sự yêu thương. Nhưng, với cô bé thiếu may mắn như H luôn được dành tình cảm, gần gũi nhiều hơn để bù đắp sự thiếu thốn cho bé, trong khi với những đứa trẻ khác thì có thể lúc cương, lúc nhu…

Ở mái ấm tình thương này có 125 em nhỏ nhưng chỉ H là không có gia đình. Cô giáo Thảo có cho hay, dịp Tết Nguyên đán hằng năm thường không có người ở lại trực vì các bé được gia đình đến đón về sum họp. Ngay cả kỳ nghỉ hè vừa rồi, chỉ mình H ở lại Trung tâm.

Cô Thảo chia sẻ: “Bé hiểu hết điều mọi người nói nhưng không lên tiếng. Bé vẫn chia sẻ rằng rất nhớ nhà, nhớ bác. Hôm trước, chúng tôi có trao đổi với bác của bé là H đã thiếu thốn tình cảm nên nếu có điều kiện thì gia đình cố gắng bớt chút thời gian đến đón bé về cho đỡ tủi thân. Chỉ mong Tết này, bé được về nhà sum họp với người thân…!”.

Chúng tôi hỏi: “H có thích Tết không, thích ăn bánh chưng không?”. H trả lời: “Có ạ!”. Câu trả lời ngắn ngủi mà chứa chan khao khát yêu thương ấy thật xót xa và lay động trái tim những con người xa lạ.

“H bị thiệt thòi về mặt tình cảm nên chúng tôi cố gắng gần gũi, chia sẻ… vừa là cô giáo nhưng cũng là người bạn của con. Dần dần, con cũng cởi mở hơn. Về học tập H, tiến bộ rõ rệt.

Cô giáo Hà Thị Ngọc Thảo chia sẻ

Nguồn giadinh.net.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *