Hội thảo về chăm sóc sức khỏe trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/doxin
Ngày 28/9/2022 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức hội thảo chuyên đề về “Chăm sóc sức khỏe trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin” với sự tham gia của 45 đại biểu từ một số tỉnh/thành phố trong cả nước như Hà Nội, Nghệ An, Bến Tre, Thừa Thiên Huế, Thái Bình, Cần Thơ.
Đây là lần đầu tiên Hội tổ chức hội thảo chuyên đề về chăm sóc cho nhóm trẻ em là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin. Mặc dù chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc cách đây gần 50 năm nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn còn ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người dân Việt Nam trong đó có cả những trẻ em là nạn nhân thế hệ thứ 3, thứ 4 bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin (CĐDC/dioxin).
Trong hội thảo, các đại biểu đã được chia sẻ nhiều thông tin và thảo luận về các vấn đề liên quan tới tình hình trẻ em là nạn nhân CĐDC/dioxin ở Việt Nam và tổng quan chính sách đối với trẻ em là nạn nhân CĐDC/dioxin ở Việt Nam bao gồm cả những chính sách liên quan đến y tế trong việc chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho trẻ em là nạn nhân CĐDC/dioxin ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được chia sẻ thông tin về việc Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng “Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng” với mục tiêu phấn đấu tới năm 2025, trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng để được hòa nhập cộng đồng và có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em khuyết tật trong đó có cả trẻ em khuyết tật do ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.
Đặc biệt, các đại biểu từ địa phương như Bến Tre, Thái Bình, Nghệ An, Tp Hồ Chí Minh… cũng đã chia sẻ công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em là nạn nhân CĐDC/dioxin tại địa phương và trong phần thảo luận, các đại biểu cũng đưa ra những khuyến nghị để thực hiện tốt hơn quyền của trẻ em là nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin hiện nay như: Xây dựng tiêu chí nạn nhân chất độc da cam (tiêu chí thế hệ thứ 3, thứ 4); có kinh phí để điều tra, khảo sát trẻ em là người khuyết tật, thế hệ thứ 3; có những nghiên cứu chuyên sâu về di chứng di truyền qua các thế hệ; tổ chức tập huấn chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng tại gia đình, tại cơ sở xã/phường, kết hợp giữa gia đình và y tế cơ sở; có cơ sở phục hồi chức năng riêng cho trẻ em; hỗ trợ hình thành mạng lưới tình nguyện viên cộng đồng; có chương trình dự án cụ thể, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, can thiệp sớm…
Kết luận tại hội thảo, Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa nhận định Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương chính sách được ban hành để quan tâm chăm sóc nhưng chưa đáp ứng được đời sống của đối tượng trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Vì vậy Hội sẽ rà soát các văn bản của Nhà nước liên quan để kiến nghị với cơ quan Nhà nước sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với đối với nhóm đối tượng theo khuyết nghị của các đại biểu tại hội thảo. Đồng thời cũng đề nghị Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp với Hội cùng lên tiếng bảo vệ quyền của trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin đồng thời tiếp tục vận động xã hội để hỗ trợ cho nhóm trẻ em này.
Tại hội thảo, Ban Tổ chức đã trao và vận động Công ty Tam Mộc hỗ trợ cho 4 trẻ em là nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Hà Nội, mỗi em được nhận 7.000.000đ tiền mặt và quà.