Các quy định của pháp luật đối với trẻ em là nạn nhân của bạo lực và xâm hại – Những vấn đề cần quan tâm

Ngày 6/11/2020 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Các quy định của pháp luật đối với trẻ em là nạn nhân của bạo lực và xâm hại” trong đó đề xuất nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em là nạn nhân của bạo lực và xâm hại.

Qua công tác hoạt động tư vấn, hỗ trợ bảo vệ quyền trẻ em của Cơ quan Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và công tác hỗ trợ pháp lý trực tiếp tại cộng đồng của các luật sư, luật gia trực thuộc mạng lưới của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhận thấy còn nhiều bất cập trong hoạt động tố tụng đối với các tội phạm bạo lực và xâm hại trẻ em, đặc biệt hoạt động giám định tư pháp. Các quy định liên quan tới việc trưng cầu giám định bao gồm: người có quyền trưng cầu giám định, hoạt động trưng cầu giám định, thời hạn ra quyết định trưng cầu giám định, kết quả giám định là các yếu tố tác động trực tiếp đến hoạt động tố tụng đối với hành vi xâm hại và bạo lực trẻ em. Tuy nhiên, thời gian qua cho thấy: Nhiều trường hợp việc trưng cầu giám định chưa được thực hiện kịp thời làm mất dấu vết làm ảnh hưởng kết quả giám định. Gia đình của trẻ không được quyền tự mình yêu cầu giám định ngay do đây là thẩm quyền thuộc cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật Giám định tư pháp. Các yếu tố đặc biệt của trẻ, nhất là về tâm sinh lý lứa tuổi, sự phát triển toàn diện của trẻ chưa được quan tâm đúng mức khi xác định tỉ lệ tổn thương cơ thể trong khi trẻ em được coi là một trong số những nhóm đối tượng yếu thế của xã hội.

Ảnh toàn cảnh hội thảo

Trước những bất cập này, Hội Bảo vể quyền trẻ em đã thực hiện nghiên cứu với những thông tin cụ thể như sau:

Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng của nghiên cứu là các quy phạm pháp luật trực tiếp, các quy phạm pháp luật có liên quan về hoạt động giám định tư pháp đối với trẻ em là nạn nhân của bạo lực xâm hại và thực tiễn triển khai các quy phạm pháp luật thông qua kết quả khảo sát của nhóm đối tượng của nghiên cứu.

Nghiên cứu đã thực hiện tại 03 thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Nhóm các chủ thể được nghiên cứu được phân chia thành 03 nhóm như sau:

Nhóm 1: Điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên, kiểm tra viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, công an xã/phường, người trưng cầu giám định, luật sư;

Nhóm 2: Cha mẹ nạn nhân, cán bộ thanh niên, cán bộ phụ nữ, cán bộ Hội Bảo vệ quyền trẻ em, giáo viên;

Nhóm 3: Giám định viên pháp y và pháp y tâm thần; các công chức QLNN về trẻ em, giám định tư pháp, giám định pháp y, pháp y tâm thần và Hội Pháp y học Việt Nam.

Những phát hiện chính

1.1. Luật Giám định tư pháp 2012

– Thiếu quy định pháp luật cụ thể về thời điểm trưng cầu giám định nói chung, trường hợp trẻ em bị bạo lực hoặc bị xâm hại nói riêng.

– Chưa có quy định pháp luật cho phép cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em được yêu cầu giám định ngay khi phát hiện hành vi bạo lực hoặc xâm hại trẻ em.

– Quy định giám định pháp y chưa quan tâm đầy đủ đến tính đặc thù của trẻ em dẫn đến việc chưa có quy trình giám định riêng phù hợp với tính chất đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ em.

– Chưa có các quy định về chỉ số thống kê về giám định tư pháp đối với các vụ bạo lực và xâm hại trẻ em, gây khó khăn trong việc đánh giá tình hình xâm hại trẻ em để kịp thời có các biện pháp khắc phục.

1.2. Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự Bộ luật hình sự

– Chưa quy định một số hành vi xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng (như dâm ô, khiêu dâm, hành vi quan hệ tình dục khác…, một số hình thức xâm hại trẻ em như rủ rê, mồi chài, văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em…là tộiphạm hình sự)

– Chưa quy định thủ tục khởi tố, điều tra đối với các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em, chưa chú trọng đầy đủ đến đặc tính dễ bị tổn thương của trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại, đặc biệt là các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

1.3. Luật Trẻ em năm 2016

– Một số thuật ngữ trong Luật Trẻ em năm 2016 chưa rõ nghĩa. Các định nghĩa về  hành vi “xâm hại trẻ em” (khoản 5, Điều 4), “bạo lực trẻ em” (khoản 6 Điều 4), “bóc lột trẻ em” (khoản 7 Điều 4), “xâm hại tình dục trẻ em” (khoản 8 Điều 4) được định nghĩa ở dạng liệt kê các loại hành vi cụ thể. Định nghĩa này không cho thấy bản chất pháp lý của các hành vi và không làm rõ các yếu tố cấu thành của hành vi. Khi định nghĩa các hành vi ngược đãi hay xâm hại trẻ em không thực sự rõ ràng, chính xác về mặt pháp lý, có nghĩa là không xác định chắc chắn được hành vi nào bị cấm (được quy định tại Điều 6), thì có thể ảnh hưởng tới việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

– Chưa có quy định cụ thể quy trình và hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ và bảo vệ trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại.

– Thiếu những quy định xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân không tố cáo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi trẻ em bị xâm hại.

2. Thực tiễn công tác xử lý hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em[1]

– Một số trường hợp tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố còn để kéo dài, quá hạn giải quyết.

– Còn xảy ra hiện tượng vi phạm thủ tục tố tụng như: vi phạm việc áp dụng các trình tự, thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi; một số tố giác, tin báo để ngoài sổ thụ lý; chậm chuyển quyết định phân công điều tra viên thụ lý giải quyết và thông báo đến Viện kiểm sát; một số tài liệu, chứng cứ ghi không đầy đủ nội dung; chậm trễ trong việc đưa bị hại đi trưng cầu giám định; vi phạm thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm…

– Một số trường hợp vi phạm về thẩm quyền giải quyết như: Công an cấp xã tiến hành xác minh, sau đó phân loại xử lý luôn; nghiêm trọng hơn có trường hợp Công an cấp xã tiến hành hòa giải giữa người tố giác và đối tượng bị tố giác…

– Sự phối hợp giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong quá trình tiếp nhận, xử lý tố giác, báo tin trẻ em bị bạo lực và xâm hại: Phần lớn những người được khảo sát 53,3% ở Nhóm 1 và 69,7% ở Nhóm 2 nhận xét có sự phối hợp giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong quá trình tiếp nhận, xử lý tố giác, báo tin trẻ em bị bạo lực và xâm hại. Gần 1/3 những người được khảo sát ở Nhóm 1 (chiếm tỷ lệ 29,9%) cho rằng có phối hợp song chưa thật chặt chẽ. Đáng chú ý có 9 người trong số 99 người ở Nhóm 2 cho rằng không có sự phối hợp.

1. Kết luận và khuyến nghị nhằm hoàn thiện các quy định bảo đảm việc tiếp nhận thông tin tố giác, tin báo và xử lý thông tin tố giác, tin báo liên quan đến bạo lực và xâm hại trẻ em

Thứ nhất, như phần trên đã đề cập, thời điểm thực hiện giám định pháp y là yếu tố quan trọng ảnh hưởng có tính chất quyết định đến kết quả giám định pháp. Để thực hiện giám định được kịp thời, yêu cầu đặt ra là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chịu trách nhiệm giải quyết vụ án phải có quyết định trưng cầu giám định sớm nhất, thậm chí trưng cầu giám định ngay khi tiếp nhận vì các dấu vết liên quan đến các vụ án bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, do vậy cần có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc xem xét dấu vết trên thân thể nạn nhân; thu giữ và bảo quản những tài liệu, đồ vật liên quan đến hành vi bạo lực, xâm hại và bảo quản theo quy định để tránh hư hỏng mẫu.

Tuy nhiên, Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thủ tục tiếp nhận, tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến thời gian cơ quan tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền còn chưa quy định cụ thể về thời gian. Vì vậy, đề nghị quy định cụ thể thời gian các cơ quan tiếp nhận, tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải chuyển hồ sơ và tài liệu kèm theo cho cơ quan điều tra có thẩm quyền tối đa là 24 giờ để bảo đảm vụ việc được xử lý một cách kịp thời đối với vụ việc mà trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực hoặc xâm hại.

Thứ hai, để tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác, tin báo liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em, Bộ Công an cần hướng dẫn, chỉ đạo, nâng cao năng lực, kỹ năng cho cơ quan công an các cấp, đặc biệt là cấp huyện (là cơ quan có thẩm quyền gần cơ sở nhất) trong việc xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em. Tiếp tục mở rộng mô hình điều tra thân thiện đối với trẻ em và người chưa thành niên. Xây dựng quy trình, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ chuyên biệt đối với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em…

2. Kết luận và khuyến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về giám định tư pháp đối với trẻ em là nạn nhân của bạo lực và xâm hại

Các quy định của pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến giám định tư pháp và pháp luật về giám định tư pháp đã dần được hoàn thiện để đáp ứng được yêu cầu của hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, một số các quy định về giám định tư pháp nhằm giải quyết các vụ án bạo lực và xâm hại trẻ em vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, trong thời gian tới cần phải được sửa đổi, bổ sung như sau:

Thứ nhất, chất lượng của kết luận giám định phụ thuộc nhiều vào thời điểm giám định, do vậy việc sớm đưa nạn nhân đi giám định là rất cần thiết. Do vậy, đề nghị pháp luật tố tụng hình sự nên được sửa đổi theo hướng khi tiếp nhận tố giác, tin báo của gia đình nạn nhân, cơ quan có thẩm quyền cần đưa nạn nhân đi giám định ngay; việc xử lý hiện trường, lấy lời khai… có thể làm song song hoặc thực hiện sau khi đưa nạn nhân đi giám định. Khi xác định được đối tượng tình nghi, phải đưa cả đối tượng đi giám định pháp y.

Thứ hai, khái niệm giám định tư pháp theo quy định của Luật Giám định tư pháp chưa phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và thực tiễn đối với việc giải quyết các vụ án liên quan đến bạo lực, xâm hại vì thực tế các trường hợp giám định trong các vụ án xâm hại sẽ được thực hiện trước khi có quyết định khởi tố vụ án. Do vậy, đề nghị sửa đổi theo hướng hoạt động giám định tư pháp không chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự mà còn kết luận các vấn đề chuyên môn phục vụ cho việc khởi tố vụ án hình sự. Cụ thể, đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp như sau: “Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.”[2]

Thứ ba, với 02 điều kiện để người giám định thực hiện quyền yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp tại Điều 2 và Điều 22 Luật Giám định tư pháp là không khả thi trên thực tế. Do vậy, đề nghị sửa đổi theo hướng bổ sung quyền yêu cầu giám định tư pháp cho một số đối tượng ngay sau khi phát hiện, nhận được thông tin, tố giác bạo lực và xâm hại trẻ em, cụ thể: cần quy định cha mẹ, người giám hộ cho nạn nhân có quyền yêu cầu tổ chức giám định tư pháp thực hiện giám định, nên quy định cho phép gia đình có thể trực tiếp đưa con đi giám định pháp y tại trung tâm giám định pháp y, sau đó, trung tâm sẽ liên hệ với cơ quan điều tra để làm các thủ tục cần thiết sau, thay vì để gia đình nạn nhân trình báo cơ quan điều tra rồi chờ cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định thì mới mới được đưa nạn nhân đi giám định như hiện nay.

 Việc yêu cầu và thực hiện giám định trong trường hợp này được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật về giám định tư pháp, người yêu cầu giám định chỉ được yêu cầu cơ quan, tổ chức giám định tư pháp có đủ năng lực theo quy định của pháp luật để thực hiện giám định. Việc thực hiện giám định tuân theo hướng dẫn của Bộ Y tế về quy trình giám định pháp y, về tỉ lệ tổn thương cơ thể. Kết quả giám định tư pháp do người yêu cầu giám định gửi đến được cơ quan có thẩm quyền tiến hành hành tố tụng xem xét, đánh giá, sử dụng, không phân biệt kết luận giám định do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định hay do người yêu cầu giám định yêu cầu.

Quy định này phù hợp với ý kiến của phần lớn những người được khảo sát (chiếm tỷ lệ 96,5% ở Nhóm 3, 73,7% ở Nhóm 2 và 70,1% ở Nhóm 1) cho rằng cần bổ sung quy định người yêu cầu giám định được quyền tự mình yêu cầu giám định ngay sau khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm.

Thứ tư, việc chia độ tuổi để xác định mức độ tổn hại sức khỏe theo quy định của Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2019 quy định tỉ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần là chưa phù hợp, chưa tính đến đặc thù tâm sinh lý của trẻ em như đã phân tích nêu trong báo cáo này. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng có chia độ tuổi ở cấp độ 16 tuổi trở xuống để cộng thêm tỉ lệ % tổn thương cơ thể. Bên cạnh đó, các cơ quan giám định hiện tại sử dụng quy trình giám định pháp y tình dục chung nên cũng có một số điểm chưa phù hợp khi áp dụng giám định đối với trẻ em, do đó, cần xây dựng quy trình giám định riêng đối với các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Đây cũng là mong muốn của đại bộ phận những người được khảo sát (chiếm tỷ lệ 98,2% ở Nhóm 3, 84,8% ở Nhóm 2 và (78,5% ở Nhóm 1) đều cho rằng cần thiết xây dựng quy trình giám định tư pháp riêng biệt với trẻ em đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực và xâm hại.

3. Các khuyến nghị khác nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp phục vụ giải quyết các vụ việc bạo lực và xâm hại trẻ em

Thứ nhất, tổ chức tập huấn cán bộ trinh sát, điều tra viên, công an cơ sở tuyến đầu như xã, phường kỹ năng tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm để thu thập được tào liệu chứng cứ ban đầu từ lời khai các vụ án xâm hại trẻ em, việc xây dựng kế hoạch giải quyết vụ việc và các biện pháp xử lý phù hợp để tránh bỏ lọt chứng cứ hoặc biết cách thu thập chứng cứ kịp thời.

Thứ hai, theo kết quả nghiên cứu thì trong nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại chỉ được trưng cầu giám định pháp y mà không được trưng cầu giám định về pháp y tâm thần, trong khi đó các trường hợp trẻ em bị bạo lực và xâm hại thường bị sang chấn, tổn thương nhiều về tâm sinh, lý. Do vậy, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an cần có hướng dẫn để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định pháp y tâm thần trong mọi trường hợp trẻ em bị bạo lực và xâm hại.

Thứ ba, phần lớn những người được khảo sát ở Nhóm 3 là các giám định viên pháp chưa được tập huấn liên quan đến khoa học về tâm lý trẻ em (chiếm tỷ lệ 63,2%), quyền trẻ em (59,6%), cách tiếp cận trẻ em (57,9%) và sử dụng ngôn ngữ thân thiện với trẻ em (57,9%). Gần một nửa những người được khảo sát ở Nhóm 3 đã tự nghiên cứu về cách tiếp cận trẻ em (chiếm tỷ lệ 42,1%), sử dụng ngôn ngữ thân thiện với trẻ em (42,1%), quyền trẻ em (40,4%) và liên quan đến khoa học về tâm lý trẻ em (36,9%). Do vậy, cùng với việc ban hành quy trình giám định thân thiện đối với trẻ em, cần phải tập huấn cho người làm giám định tư pháp để phục vụ cho giám định mà đối tượng là trẻ em.

Thứ tư, hiện nay, Trung tâm pháp y ở nhiều tỉnh chưa có hệ thống xét nghiệm ADN, các tỉnh phải đưa mẫu lên trung ương để xét nghiệm, làm kéo dài thời gian bảo quản mẫu và thực hiện giám định. Quá trình vận chuyển mẫu nếu không tốt sẽ không cho kết quả chuẩn xác. Vì vậy, đề nghị tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giám định Trung tâm pháp y để đáp ứng yêu cầu giám định tại các địa phương.

Thứ năm, vềsự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong nghiên cứu thực trạng giám định tư pháp trong tố tụng hình sự đối với trẻ em bị bạo lực và xâm hại: Kết quả khảo sát Nhóm 3 cho thấy 38,6% cho rằng có sự phối hợp nhưng chưa đầy đủ giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong nghiên cứu thực trạng giám định tư pháp trong tố tụng hình sự đối với trẻ em bị bạo lực và xâm hại. Do vậy, cần nâng cao hiệu quả quản lý, phối hợp thực hiện các quy định pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự đối với trẻ em là nạn nhân của bạo lực và xâm hại, cần xây dựng các chỉ số thống kê về giám định tư pháp về bạo lực, xâm hại trẻ em…

Thứ sáu, khi trẻ bị xâm hại tình dục, thường được khám, điều trị ban đầu tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, do cơ quan y tế không có nghiệp vụ pháp y mà chỉ có nghiệp vụ sản khoa nên trong quá trình thăm khám các y bác sĩ trong nhiều trường hợp đã vô tình có tác động làm mất dấu vi vết sinh học hoặc bỏ sót các thương tích ở các vùng khác của cơ thể có liên quan như: vết tinh dịch, lông bộ phận sinh dục, dấu hiệu chống đỡ… là những bằng chứng rất quan trọng giúp tìm ra thủ phạm. Vì vậy, trong những trường hợp này, đề nghị cơ sở y tế đó có thể liên hệ với cơ quan điều tra hoặc Trung tâm pháp y để nhân viên đến lấy mẫu giám định trước khi xử lý cho nạn nhân nhằm tránh bị mất dấu vết sinh học. Do đó, trong khi chưa sửa đổi được các quy định của pháp luật, cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm giám định pháp y và cơ sở y tế trong việc khám, điều trị cho nạn nhân cũng như trong công tác giám định tư pháp đối với các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em./.

Tin ảnh: Mạnh Dũng


[1] Báo cáo số 662/BC-CP ngày 16/12/2019 của Chính phủ về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

[2] Nội dung này đã được sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp. Tuy nhiên, do việc nghiên cứu được thực hiện từ trước khi Quốc hội ban hành nên Nhóm nghiên cứu vẫn giữ nội dung này trong Báo cáo.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *