Ông Đỗ Đức Ngọ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ: Sau 10 năm thành lập và phát triển (từ năm 2008), Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có 18 Hội cấp tỉnh, 42 Chi hội, 6 Trung tâm trực thuộc với hơn 50.000 hội viên ở 38 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong những năm qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã được nhiều cơ quan soạn thảo văn bản, chính sách của các bộ, ngành đề nghị tham gia đóng góp ý kiến và phản biện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan tới trẻ em. Những đóng góp, khuyến nghị của Hội được các cơ quan đánh giá là có chất lượng và một số nội dung đã được tiếp thu. Bên cạnh đó, Hội đã triển khai được 256 cuộc truyền thông tại cộng đồng cho hơn 41 nghìn người lớn và trẻ em với nhiều nội dung như Luật Trẻ em, kỹ năng làm việc với trẻ em, phòng chống xâm hại và bạo lực trẻ em…

Ảnh minh họa.

Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã vận động được hơn 327 tỷ đồng để giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, với gần 1,5 triệu trẻ em được hưởng lợi từ nguồn hỗ trợ này. Trong đó, Hội đã xây dựng được 85 cây cầu, 2 hồ bơi, 57 giếng nước và 34 nhà tình thương cho phụ nữ và trẻ em. Hội cũng đã tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa nhằm tạo sân chơi cho trẻ em, đồng thời, kết nối yêu thương, kêu gọi mọi người hướng đến những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Đại hội đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2018-2023 của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam sẽ được tổ chức trong hai ngày 17 và 18-11, nhằm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ II (2013-2018), thực hiện Chiến lược phát triển tổ chức của Hội đến năm 2020 và rút ra bài học kinh nghiệm; xác định phương hướng, nhiệm vụ của Hội nhiệm kỳ III (2018-2023). Nhân dịp này, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam sẽ tổ chức “Hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ quyền trẻ em”.