1.Phát triển tổ chức và nâng cao năng lực

1.1.Phát triển tổ chức

Hội BVQTEVN đã có 19 Hội cấp tỉnh, 01 Hội cấp huyện, 47 Chi hội, 04 Trung tâm trực thuộc với hơn 50.000 hội viên trải rộng trên khắp 42 tỉnh/thành phố trên cả nước.

1.2. Nâng cao năng lực.

Với vai trò quan trọng trong công tác trẻ em đã được ghi nhận trong Luật Trẻ em, Hội BVQTEVN và các tỉnh Hội đều rất chú trọng đến việc nâng cao năng lực cho các Hội viên, cộng tác viên và tình nguyện viên tại cơ sở.

Hội BVQTEVN và Hội địa phương đã tổ chức được 841 lớp tập huấn cho 25.280 cán bộ Hội, hội viên, cộng tác viên, trẻ em ở 38 tỉnh/thành phố. Các nội dung tập huấn cho Hội viên tại địa phương tập trung vào Luật Trẻ em 2016, các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngoài ra còn có các nội dung liên quan tới công tác xã hội làm về trẻ em, phương pháp giáo dục tích cực của cha mẹ với con lứa tuổi vị thành niên, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em…

 Các tỉnh/thành phố có tổ chức Hội đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho hội viên đặc biệt là những nơi có số lượng hội viên lớn như Bắc Giang, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, TP HCM, Thanh Hóa, Bến Tre, Quảng Nam, Quảng Trị, Trà Vinh… với tổng số 826 lớp tập huấn được tổ chức cho khoảng 13.000 Hội viên tại 45 cơ sở Hội.

Bên cạnh đó, nhiều lớp tập huấn cho người dân và trẻ em tại cộng đồng cũng được các tỉnh Hội tổ chức cho 6.743 người lớn và 4.360 trẻ em tham gia để cung cấp thông tin liên quan tới quyền trẻ em, Luật Trẻ em và các văn bản, chính sách liên quan tới trẻ em.

Có thể nói, thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, những thông tin cập nhật liên quan tới tình hình trẻ em đã được đưa ra, các học viên đã có sự tiếp nhận những thông tin mới cùng với những kỹ năng làm việc với trẻ em được đào tạo thông qua các lớp tập huấn đã giúp cho Hội viên có sự chủ động và tham gia tích cực hơn trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại cộng đồng. Các Hội viên cũng trở thành những người truyền thông tại cộng đồng về những văn bản pháp luật, chính sách có liên quan tới trẻ em được Nhà nước ban hành cần phải được thực thi có hiệu quả trong thực tiễn hiện nay.

1.3. Kết nối mạng lưới, tăng cường hợp tác với các đơn vị, tổ chức trong nước.

Hội BVQTEVN kết nối và đẩy mạnh các chương trình hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội khác liên quan đến trẻ em. Đặc biệt khi Luật Trẻ em có hiệu lực, theo quy định về vai trò, nhiệm vụ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM và Hội BVQTEVN (Điều 92) trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em, một chương trình phối hợp giữa 3 bên trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em giai đoạn 2017-2022 đã được ký kết. Sau khi ký kết các chương trình phối hợp, văn bản ký kết đã được gửi tới Hội Phụ nữ, Đoàn TNCS HCM các tỉnh thành và các địa phương có cơ sở Hội BVQTE để các địa phương chủ động phối hợp triển khai.

Hội BVQTEVN cũng đã ký chương trình phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2016-2018 tổ chức các hoạt động truyền thông về pháp luật liên quan đến trẻ em thúc đẩy cuộc vận động xã hội tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, thực hiện quyền trẻ em; tăng cường trao đổi thông tin, phát hiện điển hình tập thể, cá nhân làm tốt công tác trẻ em, phối hợp lên tiếng bảo vệ trẻ em bị xâm hại… Đặc biệt năm 2017 – 2018 “Giải thưởng báo chí về trẻ em” được phát động và thu hút hơn 200 tác phẩm dự thi thuộc 4 loại hình báo chí. Có 36 giải thưởng đã được trao cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm dự thi xuất sắc, phản ánh chân thật những tấm gương điển hình vì trẻ em và thực trạng tình hình xâm hại, bạo hành trẻ em trong thời gian qua. Có thể nói giải thưởng lần đầu tiên phát động nhưng đã nhận được sự quan tâm của các nhà báo và có tác động đến sự quan tâm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ trẻ em.

Hội BVQTEVN vẫn tiếp tục tăng cường sự phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Trẻ em, Cục Bảo trợ xã hội, Vụ Hợp tác quốc tế…), Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục… trong việc đóng góp ý kiến và khuyến nghị về các văn bản, chính sách liên quan đến trẻ em. Đặc biệt Chủ tịch Hội BVQTEVN là thành viên của Ủy ban Quốc gia về trẻ em.

Bước đầu thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 92 Luật Trẻ em, Hội BVQTEVN đã kết nối các tổ chức xã hội thông qua chuyên mục Chỉ dẫn địa lý các tổ chức xã hội bảo vệ quyền trẻ em (CSO Mapping) trên trang thông tin điện tử của Hội BVQTEVN, thiết kế giao diện chỉ dẫn địa lý các tổ chức xã hội về bảo vệ trẻ em và tổng hợp thông tin về các tổ chức xã hội làm về bảo vệ trẻ em tại Việt Nam để đăng lên trang website treemviet.vn.

Việc kết nối, chia sẻ thông tin tổ chức các hoạt động về bảo vệ quyền trẻ em, Mạng bảo vệ quyền trẻ em (CRnet) đã tổ chức thành công 4 Diễn đàn với tham dự của đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội. Sau mỗi Diễn đàn, Hội BVQTEVN tổng hợp thành 1 bản khuyến nghị tùy theo nội dung và chủ đề Diễn đàn gửi tới các cơ quan Nhà nước có liên quan để góp phần xây dựng chính sách phù hợp nhằm bảo vệ quyền của trẻ em.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *