2.Vận động chính sách và giám sát

Hội BVQTEVN đã tham gia với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH), Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Tài chính… và các Ủy ban của Quốc hội như Ủy ban VHGDTNTNNĐ, Ủy ban Các vấn đề xã hội… đóng góp ý kiến và phản biện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan tới trẻ em như Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) (2014), Bộ luật Hình sự và Tố tụng hình sự (sửa đổi) (2015), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) (2015), Luật Trẻ em (2016); Đề án thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên (2014); chương trình Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 (2015); Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em (2017); Chỉ thị Tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống ở cơ sở trợ giúp xã hội (2017); Luật Giáo dục đang sửa đổi (2018), Luật Nghề Công tác xã hội (2018); các Chương trình liên quan đến Lao động Trẻ em (2018); góp phần hoàn thiện chính sách liên quan tới quyền người khuyết tật trong đó có trẻ em liên quan tới sửa đổi Luật Người khuyết tật (2018); Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều của bộ luật hình sự về xâm hại tình dục trẻ em; Luật lao động ( sửa đổi; Luật Thanh niên (sửa đổi).

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phát biểu tại Hội thảo phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Những đóng góp, khuyến nghị của Hội BVQTEVN vào các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách liên quan tới trẻ em được các cơ quan đánh giá là có chất lượng và một số nội dung đã được tiếp thu như điều chỉnh độ tuổi trẻ em khi được hỏi ý kiến từ 9 tuổi xuống 7 tuổi trong Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi); chính sách hình sự đối với trẻ em phạm tội từ 14 đến 16 tuổi trong Bộ luật Hình sự

Ngoài ra, Hội BVQTEVN đã đóng góp tích cực vào các Hội thảo tham vấn ý kiến về Báo cáo Quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em lần thứ 5 và thứ 6 do Bộ LĐTBXH tổ chức. Hội BVQTEVN cũng tham gia ý kiến tại các Hội thảo liên quan đến công khai ngân sách cho trẻ em do các tổ chức xã hội thực hiện; đóng góp ý kiến với các dự thảo chính sách về trẻ em khuyết tật, trẻ tự kỷ, văn hóa vui chơi cho trẻ em… Bên cạnh đó, Hội BVQTEVN cũng phối hợp với một số tổ chức, chuyên gia tiến hành một số khảo sát, nghiên cứu những vấn đề liên quan tới trẻ em như tài liệu Rà soát văn bản quy phạm pháp luật về một số quy định của pháp luật Việt Nam liên quan tới bảo vệ quyền trẻ em” (2014); nghiên cứu “Thực trạng trẻ rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam: thách thức và giải pháp”(2016), nghiên cứu “Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em tại Việt Nam” (2018). Từ những kết quả nghiên cứu, khảo sát, Hội BVQTEVN đã có nhiều bằng chứng, thông tin xác thực để tham gia đóng góp ý kiến, khuyến nghị vào các văn bản, chương trình mà các đơn vị cơ quan Nhà nước đang cần lấy ý kiến.

Hội BVQTEVN chủ trì cùng nhóm CRWG và một số tổ chức xã hội trong nước xây dựng Báo cáo Bổ sung của các Tổ chức xã hội về kết quả thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em bên cạnh Báo cáo Quốc gia lần thứ 5&6 của Nhà nước. Hội BVQTEVN cũng góp ý kiến vào các văn bản chương trình, dự án của Khu vực như Chấm dứt bóc lột tình dục trẻ em của ECPAT quốc tế, Chấm dứt bạo lực trẻ em, Chương trình Bảo vệ trẻ em thông qua Liên minh quyền trẻ em Châu Á. Ngoài ra Hội BVQTEVN cũng tham gia  góp ý một số báo cáo như Báo cáo tổng quát về quyền con người (UPR) lần thứ 3 của các tổ chức phi chính phủ (2013); Báo cáo bóng lần thứ 3 về thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) (2014); Báo cáo phân tích tình hình trẻ em Việt Nam (2017); Báo cáo về tình hình thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam từ 2015 đến nay (2018) gửi một số tổ chức liên quan như Văn phòng Cao ủy của Liên Hợp quốc.

Bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Thường trực Hội phát biểu tại phiên họp thứ hai Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” ngày 06/12/2019. Ảnh Trọng Quỳnh – quochoi.vn

Đặc biệt kể từ khi vai trò tham gia giám sát của Hội BVQTEVN được quy định trong Điều 92 Luật Trẻ em, Hội BVQTEVN đã được mời tham gia một số đoàn giám sát của Bộ và Ủy ban Quốc hội: Lãnh đạo Hội BVQTEVN tham gia đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ LĐTBXH chủ trì đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác trẻ em tại tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang (2017); phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiến hành hoạt động giám sát thực hiện Luật Trẻ em 2016 và các chính sách hiện hành liên quan đến trẻ em tại TP. HCM và Hà Nội (2017); tham gia đoàn khảo sát của Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội về phát triển toàn diện trẻ em tại Gia Lai, Kon Tum và Điện Biên (2018). Lãnh đạo Hội BVQTEVN tham gia các Đoàn giám sát về chính sách của Phụ nữ và trẻ em do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Hội BVQTEVN đã tăng cường nâng cao năng lực cho các thành viên tham gia một số mô hình để góp phần thu thập thông tin cho công tác vận động chính sách liên quan tới trẻ em như mô hình Luật sư, luật gia và Hội thẩm nhân dân tham gia bảo vệ quyền trẻ em nhằm tổng hợp phân tích các vụ việc vi phạm quyền trẻ em mà Hội BVQTEVN tiếp nhận để làm cơ sở dữ liệu tham gia vận động chính sách; mô hình CLB Nhà báo bảo vệ quyền trẻ em, CLB Phóng viên nhỏ tiếp tục được duy trì tập trung phản ánh về thực tiễn tình hình trẻ em từ cộng đồng để từ đó Hội BVQTEVN có thêm những thông tin tham khảo mang tính đa chiều trong việc đưa ra khuyến nghị đối với các văn bản, chính sách có liên quan.

Tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, các Hội địa phương đã tham gia vào công tác vận động chính sách và giám sát ở các cấp độ khác nhau: Tỉnh Hội Bắc Giang được đoàn giám sát của Ban Văn hóa xã hội – HĐND tỉnh về đầu tư xây dựng và quản lý các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em (2013); giám sát, đánh giá kết quả thực hiện quyền khai sinh cho trẻ em tại xã Tam Dị (huyện Lục Nam); thành Hội Đà Nẵng tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác trẻ em tại cơ sở; tỉnh Hội Thừa Thiên Huế tham gia góp ý cho Sở LĐTBXH về kế hoạch thực hiện Quyền tham gia của trẻ em ở tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 và tham gia góp ý cho Ban Văn hóa xã hội – HĐND tỉnh về việc lồng ghép các hoạt động về Quyền trẻ em vào chương trình kinh tế xã hội; tỉnh Hội Thanh Hóa giám sát thực hiện Luật Trẻ em và chính sách liên quan quyền trẻ em tại 11 huyện (2016).

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *