46 giờ chạy đua với thời gian giải cứu 2 cháu bé bị bắt cóc
Lực lượng Công an Q.11 và Phòng hình sự, Công an TP.HCM đã phải trải qua 46 giờ chạy đua nghẹt thở với thời gian để giải cứu an toàn hai cháu bé.
Trưa 11-3, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết các cán bộ điều tra, trinh sát và lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM vẫn tập trung toàn lực lượng, tiếp tục xác minh nhiều đối mối thông tin, làm việc với các đối tượng có liên quan tới vụ bắt cóc hai trẻ em mang quốc tịch Mỹ để xử lý theo quy định pháp luật.
Quá trình điều tra ban đầu xác định Trương Hương – người bị tình nghi là một trong các đối tượng chủ mưu của vụ bắt cóc – đã thuê phòng trọ từ khoảng 2 tháng trước và chuẩn bị chi tiết từng bước thực hiện kế hoạch bắt cóc.
Ngoài Hương, hiện cơ quan điều tra đang làm rõ vai trò một người thân khác của hai nạn nhân với vai trò chủ mưu cùng nhiều đối tượng khác có vai trò hỗ trợ, giúp sức trong vụ việc.
Chạy đua với thời gian
Trước đó, lực lượng Công an Q.11 và Phòng hình sự, Công an TP.HCM đã phải trải qua 46 giờ chạy đua nghẹt thở với thời gian để giải cứu an toàn hai cháu bé.
Từ 20h30 ngày 7-3, Công an P.10, Q.11 tiếp nhận thông tin từ gia đình ông Trần Hoàng (45 tuổi, ngụ Q.5) trình báo vụ việc hai con gái bị bắt cóc, đòi tiền chuộc.
Ngay lập tức, vụ việc được báo cáo lãnh đạo Công an Q.11 và Đội hình sự để xử lý thông tin.
Lãnh đạo công an quận đã trực tiếp có mặt cùng các cán bộ điều tra, trinh sát hình sự của Công an quận đã có mặt và tập trung khai thác thông tin, đánh giá mọi tình tiết có liên quan tới vụ việc.
Từ đánh giá ban đầu, lãnh đạo Công an Q.11 và Đội hình sự nhận định cô giúp việc là người có khả năng liên quan trực tiếp, chưa thể di chuyển xa nên huy động toàn lực lượng công an của 16 phường và các đội nghiệp vụ xác minh, truy tìm.
Vụ việc cũng được báo cáo tới ban giám đốc Công an TP và công an 23 quận, huyện trên địa bàn TP để phối hợp điều tra, truy tìm tung tích các nạn nhân.
“Sếp Minh” (thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP) cũng liên tục chỉ đạo trong đêm, sáng sớm đã triệu tập họp để chỉ đạo đánh án”, Một cán bộ điều tra tham gia phá án chia sẻ.
Từ màn diễn “xót thương thái quá”
Trong cuộc họp án sáng 8-3, từ các dữ liệu mà cán bộ, chiến sĩ Công an Q.11 xác minh, thiếu tướng Phan Anh Minh cùng các lãnh đạo Công an Q.11, Phòng hình sự đánh giá cô giúp việc tên Dung là trực tiếp tham gia vụ việc. Tuy nhiên, Dung chỉ mới 15 tuổi, không đủ khả năng tổ chức vụ việc độc lập nên chắc chắn có người đứng phía sau.
Người đó là ai? Phải nhanh chóng làm rõ, vì nếu không nạn nhân biết mặt các hung thủ, nguy cơ bị giết người diệt khẩu là rất lớn.
Một chi tiết được báo cáo, đánh giá và đưa vào diện tình nghi, giám sát chặt là Trương Hương (Việt kiều Mỹ, người sống chung trong nhà với ông Hoàng và các nạn nhân) khi thái độ của bà này rất bất thường.
Khi tới trình báo vụ việc bị bắt cóc, trong khi ông Hoàng còn tỏ ra khá bình tĩnh, trình bày thì bà Hương liên tục kêu gào thảm thiết, khóc lóc thể hiện tình cảm thương yêu các cháu, luôn miệng kêu thương các cháu như con ruột của mình.
Bà Hương cũng liên tục yêu cầu bà nội của các nạn nhân tới trình báo Tổng lãnh sự quán Mỹ để được giúp đỡ điều tra truy tìm.
Trong khi đó, theo tìm hiểu thì bà Hương chỉ là người quen, mỗi lần về Việt Nam thường ở nhờ gia đình ông Hoàng chứ không phải quan hệ ruột thịt.
Ám ảnh “Bịt đầu mối”
Thiếu tướng Phan Anh Minh và những người lãnh đạo các đơn vị đều là những người kỳ cựu trong điều tra các vụ án bắt cóc trẻ em. Bài học về những vụ “thủ tiêu nạn nhân bịt đầu mối” khiến từng giây trôi qua như bóp nghẹt trái tim những người dày dặn trận mạc này.
Thông tin từ các mũi đi Trà Vinh (quê của Dung, cũng là quê mẹ của các nạn nhân), Bình Dương, Cần Giuộc (Long An), Tây Ninh, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ liên tục báo về, từng chi tiết được phân tích, đánh giá và chỉ đạo xử lý.
“Chỉ trong ít giờ, hình ảnh từ hệ thống camera giám sát giao thông, của nhiều người dân trên lộ trình tình nghi Dung và người điều khiển xe gắn máy di chuyển được thu thập về. Lượng dữ liệu khổng lồ tưởng như phải mất cả tháng để kiểm tra được lọc ra, xử lý trong vài giờ, cung cấp hướng di chuyển chính để thu hẹp khu vực kiểm soát. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ các đơn vị được huy động. Từ lãnh đạo tới cán bộ chiến sĩ tham gia làm án đều không ngủ, quên ăn để chạy đua từng giây, từng phút, với hi vọng các nạn nhân không bị “xử lý” để diệt đầu mối”, một trinh sát tham gia vụ án kể.
Tất cả những nơi Dung có thể trốn chạy, đặc biệt là các hướng có thể trốn chạy qua biên giới được giám sát chặt, bí mật kiểm tra để loại trừ dần.
Tới chiều 9-3, địa điểm được xác định Dung có khả năng trốn cao nhất được xác định là tại Q.Bình Tân với chính xác khu vực được giám sát từ trước.
18h, quyết định được đưa ra, Công an Q.11 và Phòng hình sự Công an TP ập vào kiểm tra, phát hiện hai cháu bé đang có mặt tại đó.
Có dấu hiệu dùng thuốc ngủ
Một cán bộ điều tra tham gia phá án cho biết theo ghi nhận từ camera, ngay từ 13g30 ngày 7-3, sau khi Dung đón cháu bé ra khỏi lớp học, đưa tới căn tin nhà trường thì cháu bé đã ngủ liên tục tới hơn 16g, khi đón bé thứ hai.
Khi di chuyển, bé vẫn ngủ. Tại phòng trọ – nơi các bé được tìm thấy, lực lượng Công an thu giữ một số lọ siro, nghi là loại chuyên dùng để các bé ngủ liên tục.
Điều đáng nói nữa là khi tìm thấy hai nạn nhân, dù sức khoẻ tốt nhưng các bé không tỉnh táo, nhanh nhẹn như bình thường. Hiện các chai siro này đang được giám định thành phần để xác định dược tính.
Nguồn tuoitre.vn