8 mục tiêu của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trong 5 năm tới
Dự Đại hội có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội BVQTEVN Nguyễn Thị Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà… cùng gần 300 đại biểu, khách mời.
Sau 10 năm với 2 nhiệm kỳ 2008-2013 và 2013-2018, vai trò của Hội BVQTEVN được khẳng định với sự ghi nhận của cộng đồng xã hội trong công tác bảo vệ quyền trẻ em. Đến nay, Hội BVQTEVN đã phát triển rộng khắp, với 18 Hội cấp tỉnh, 42 chi hội, 76 trung tâm trực thuộc với hơn 50.000 hội viên trải rộng trên khắp 38 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội BVQTEVN. Đây là sự ghi nhận cho nỗ lực, cố gắng của Hội trong hành trình 10 năm bền bỉ với các hoạt động vì quyền trẻ em.
Đơn cử, trong nhiệm kỳ II, Chi hội Luật sư TPHCM thực hiện gần 40 phiên tòa giả định trải đều khắp các trường học trên địa bàn 24 quận, huyện của TPHCM và các tỉnh: Long An, Đồng Tháp. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội Luật sư TPHCM) chia sẻ, qua việc tuyên truyền, tư vấn và bằng phiên tòa giả định, các em nắm bắt và hiểu sự việc một cách nhanh chóng. Những vấn đề các em chưa biết, chưa hiểu sẽ có luật sư giải thích và giải đáp mọi thắc mắc.
Là người kiên trì bảo vệ trẻ em bị xâm hại, bạo hành, luật sư Ngọc Nữ cho biết: “Với những vụ án xâm hại trẻ em, ngay khi nhận được yêu cầu, Chi hội Luật sư tham gia ngay để kịp thời bảo vệ trẻ em, nhanh chóng đưa ra ánh sáng, xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, vẫn có những vụ trẻ em bị xâm hại nhưng không thể xử lý người phạm tội vì vụ án bị đình chỉ hoặc tạm đình chỉ kéo dài thời gian”.
Từ công việc thực tiễn, luật sư Ngọc Nữ đề xuất cần giải quyết ngay 3 vấn đề: Cần có quy định riêng về thời hạn, thủ tục điều tra, khởi tố vụ án hình sự đối với các tội xâm hại trẻ em; Cần có quy định riêng về cách thức, thời gian thu thập, bảo vệ chứng cứ trong các vụ án xâm hại trẻ em; Mức bồi thường khi trẻ em bị xâm hại quá thấp (không đủ để bù đắp những tổn thất cho trẻ em, gia đình trẻ em bị xâm hại, không tương xứng với những thiệt hại mà chính trẻ em và gia đình phải gánh chịu).
Theo bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Đà Nẵng, để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các ngành, đoàn thể cần quan tâm hơn, tích cực hơn trong xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đáp ứng đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em theo luật định; cần đầu tư nguồn lực nhiều hơn để đáp ứng được việc thực hiện các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt trẻ em vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vùng đặc biệt khó khăn.
“Mong Ban chấp hành Hội BVQTEVN khóa III tăng cường chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ phát triển Hội ở tất cả các tỉnh, thành phố. Tăng cường tổ chức tập huấn, hội thảo, hội nghị trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về xây dựng và phát triển mạng lưới tổ chức Hội”, bà Ngô Thị Sinh, Phó Chủ tịch Hội BVQTE tỉnh Bắc Giang, đề nghị.
5 năm qua, Hội BVQTEVN đã tiếp nhận trên 500 đơn thư, email, điện thoại trực tiếp… phản ánh và nhờ tư vấn các vấn đề liên quan đến vi phạm quyền trẻ em. Các vụ việc trên đều là các vụ việc bức xúc nổi cộm tại các địa phương trên cả nước. Hội đã hỗ trợ và xử lý, gửi công văn kiến nghị tới các cơ quan Nhà nước có liên quan đề nghị giải quyết 294 trường hợp và vụ việc; trong đó trên 70% vụ việc được phản hồi.
Hội BVQTEVN đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện hỗ trợ cho trẻ em được xã hội đánh giá cao như: Thắp sáng những ước mơ, Bảo vệ trẻ em có nguy cơ bỏ học, Phòng chống đuối nước bảo vệ sinh mạng trẻ em, Nước sạch cho phụ nữ và trẻ em…
Trong 5 năm qua (2013-2018), Hội BVQTEVN và các Hội địa phương đã vận động được trên 327 tỷ đồng với gần 1,5 triệu trẻ em được hưởng lợi; triển khai 167 buổi tư vấn tâm lý, pháp luật cho 287 trẻ em và 250 người lớn tại cộng đồng; tại các địa phương tổ chức hơn 1.300 cuộc tư vấn về tâm lý và pháp luật cho 5.658 trẻ em và 2.333 người lớn thuộc các nhóm đối tượng như cha mẹ, người chăm sóc trẻ.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam được thành lập ngày 8/4/2008, là một tổ chức xã hội nhằm tập hợp, đoàn kết những cá nhân, tổ chức của Việt Nam có tâm huyết, tự nguyện hoạt động phấn đấu vì mục đích làm cho trẻ em Việt Nam được hưởng các quyền cơ bản, tham gia ngăn chặn mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em.
Nguồn baomoi.com