Con luôn cho mình là đúng, làm sao?
“Thằng bé mới 7 tuổi mà thường cho mình đúng. Rất ít bạn bè trang lứa có thể chơi được với bé. Cả nhà tôi đang cố gắng uốn nắn con, nhưng thật khó”, chị Mai (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) than.
Chị cho biết gia đình rất khó xử vì con chị có tâm lý chỉ muốn làm theo ý mình, không chịu nghe lời ai.
Tại sao trẻ có tâm lý này?
– Do tâm lý cho mình là trung tâm: Trẻ được mọi người trong gia đình quá quan tâm, chiều chuộng, nâng niu nên chỉ biết nhận mà không biết cho đi. Với tâm lý này, trẻ khó thể hình thành tính cách biết lắng nghe người khác, biết để ý đến nhu cầu hay ước muốn của bạn bè.
– Hành vi của trẻ phản chiếu hành vi của người lớn: Trẻ chỉ biết ra lệnh hoặc cho mình là đúng có thể vì đã quen với cách bị điều khiển và bị sai khiến, đến độ trẻ “mặc định” chỉ hành động theo những gì trẻ đã chứng kiến. Trẻ sống trong gia đình có người lớn gia trưởng, độc đoán trong ứng xử khiến trẻ dễ bị “lây nhiễm”.
– Trẻ thiếu trải nghiệm về cách ứng xử: Trẻ tự ti, lo lắng, sợ những người khác không để ý đến mình nên đã cố làm quá lên. Trẻ thực sự thiếu kỹ năng diễn đạt cho người khác hiểu ý muốn của mình, không biết làm sao thể hiện các ý kiến một cách thân thiện.
Có khắc phục được không?
Nếu cha mẹ đã nhận ra điều cần làm là giúp con trẻ thoát khỏi tâm lý “chỉ huy” thì nên nhẫn nại với con bằng những việc rất cụ thể:
– Nói rõ cho trẻ biết không ai thích người độc đoán: Bước đầu tiên để kiềm chế cá tính độc đoán của trẻ là giúp trẻ nhận ra “nếu cứ khăng khăng cho mình đúng, áp đặt mọi người phải tuân theo mình sẽ gây tâm lý ức chế, khiến bạn bè xa lánh”. Luôn nhắc cho con thấy hậu quả của hành vi độc đoán.
– Chỉ cho trẻ thấy thế nào là độc đoán: Có không ít trẻ thích ra lệnh cho người khác, hoặc bắt mọi người tuân theo mình vì nghĩ rằng đó là điều bình thường. Trẻ chưa đủ nhận thức để biết đó là điều không nên.
Vì thế, ngay lúc cha mẹ nghe thấy hoặc chứng kiến cảnh con ứng xử độc đoán, hằn học với người khác phải bảo trẻ ngưng ngay. Cha mẹ cần đưa ra quy ước cách xử lý thái độ độc đoán ở nơi đông người bằng những ký hiệu âm thầm chỉ trẻ với bạn biết.
– Dạy con cách kiểm soát thái độ: Cần giúp trẻ biết lấy ý kiến của người khác trước khi ra quyết định. Khi thấy trẻ tranh giành với bạn bất chấp luật chơi, bạn nên bày cho trẻ một số cách thỏa thuận với các bạn như phân công, rút thăm, oẳn tù tì… Từng bước cho trẻ thấy không phải gì mình muốn cũng được.
– Đề cao tinh thần chia sẻ, hợp tác: Cha mẹ kiên nhẫn theo sát con để củng cố nỗ lực của con khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu “nhường” bạn. Khuyến khích, động viên kịp thời và chỉ cho trẻ thấy giá trị sau mỗi hành vi biết để ý đến nhu cầu của người khác. “Các bạn sẽ đến gần con hơn, chơi với con chân thành nếu con ứng xử hòa nhã, công bằng”.
– Làm gương cho con: Nếu trẻ độc đoán do “nhiễm” phải hành vi của người lớn trong gia đình thì cần làm gương cho trẻ bằng cách cha mẹ thể hiện sự nhã nhặn hơn khi trao đổi ý kiến với trẻ nhỏ, cũng như tạo sự công bằng giữa các thành viên trong nhà. Cho trẻ thấy không khí dân chủ, lắng nghe quan điểm của nhau và làm theo ý kiến đúng của bất cứ thành viên nào trong gia đình.
– Nhấn mạnh sự đồng lòng, tôn trọng lẫn nhau: Thể hiện rõ trong việc giải quyết các việc của gia đình như xem chương trình tivi nào, đi du lịch ở đâu, ăn những món gì… nên có sự tham khảo ý kiến của tất cả thành viên. Con trẻ cần học hỏi tinh thần tôn trọng, biết lắng nghe người khác ngay trong gia đình để có thể áp dụng trong mối quan hệ với bạn bè.