Hiệu trưởng bị tố “lạm dụng tình dục” hàng chục học sinh đối diện mức án như thế nào?
Theo quan điểm của luật sư Phạm Văn Phất, việc các cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ khởi tố vụ án “dâm ô với người dưới 16 tuổi” là cần thiết để làm cơ sở tiến hành các hoạt động điều tra, nhưng với những hành vi theo lời kể của các học sinh bị xâm hại mà báo chí đưa tin thì việc định tội dâm ô có thể chưa phản ánh đúng bản chất.
Như Dân trí đã thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Đinh Bằng My (SN 1961, trú tại địa phương) – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Thanh Sơn về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Vị Hiệu trưởng này đang bị điều tra, làm rõ những tố cáo liên quan đến việc “lạm dụng tình dục” hàng chục học sinh trong suốt quá trình các nạn nhân theo học tại trường. Đáng chú ý, các nạn nhân trong vụ án gây rúng động dư luận đều là nam giới.
Khách thể của tội dâm ô không phân biệt giới tính
Theo luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP Hà Nội), đối với tội danh dâm ô với người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự, người phạm tội có thể sẽ đối diện với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.
Phân tích về tội danh này, ông Tiền cho biết khách thể của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không phân biệt giới tính. Người đã thành niên khi thực hiện các hành vi dâm dục nhằm thỏa mãn dục vọng đối với nam giới hay nữ giới đều bị xử lý hình sự.
“Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác thì đều bị xử lý” – ông Tiền nói và cho biết, hành vi dâm ô xâm phạm đến quyền được bảo vệ về thân thể, nhân phẩm, danh dự và sự phát triển bình thường về tâm sinh lý của trẻ em.
Về các dấu hiệu nhận biết của hành vi dâm ô, theo luật sư Tiền, đó là những hành động kích dục đối với nạn nhân như sờ, bóp, hoặc dùng các bộ phận nhạy cảm về tình dục cọ xát vào cơ thể, vào bộ phận sinh dục của trẻ em. Buộc nạn nhân sờ, bóp, cọ xát… vào những bộ phận kích thích tình dục hoặc bộ phận sinh dục của người phạm tội hoặc của người khác nhưng chưa hoặc không vì mục đích giao cấu.
“Người phạm tội khi thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Tuy nhiên, để có căn cứ xác định đối tượng có hành vi dâm ô không, ngoài lời khai của các em học sinh bị xâm hại, cơ quan chức năng cần dựa vào các căn cứ khác từ việc điều tra” – luật sư Tiền nêu quan điểm.
Tội dâm ô chưa phản ánh đúng bản chất?
Trong khi đó, luật sư Phạm Văn Phất – Trưởng Văn phòng luật sư An Phát Phạm (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh) đánh giá, việc các cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ khởi tố vụ án “dâm ô với người dưới 16 tuổi” đối với vụ việc là cần thiết để làm cơ sở tiến hành các hoạt động điều tra.
“Tuy nhiên, với những hành vi khách quan theo lời kể của những học sinh nam bị xâm hại mà truyền thông đưa tin thì thấy việc định tội “dâm ô với người dưới 16 tuổi” có thể chưa phản ánh đúng bản chất của hành vi mà vị hiệu trưởng đã thực hiện” – ông Phất nhận định.
Theo luật sư Phất, trong quy định của Bộ luật Hình sự 2015 thì ngoài hành vi giao cấu còn có hành vi “quan hệ tình dục khác” với người chưa đủ 16 tuổi cũng có thể bị truy cứu một trong các tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” tại Điều 142, “Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” tại Điều 144 hoặc “Giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” ở Điều 145.
“Từ ngày 01/01/2018, hành vi “quan hệ tình dục khác” với người chưa đủ 16 tuổi cũng có thể bị truy cứu về các tội danh nêu trên tùy thuộc vào sự tự do ý chí của người bị xâm hại” – ông Phất nói.
Nêu quan điểm về hành vi “quan hệ tình dục khác”, luật sư Phất phân tích thêm: Tại điểm d khoản 2 Điều 11 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/ AIDS) năm 2006 đã sử dụng cụm từ “người có quan hệ tình dục đồng giới”. Mặt khác trong một số Nghị định của chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Y tế ban hành đã sử dụng rất phổ biến các cụm từ “quan hệ tình dục đồng giới”, “nam quan hệ tình dục với nam”.
“Như vậy, có thể đi đến kết luận là theo quan điểm của cơ quan lập pháp cao nhất là Quốc hội, đến Chính phủ và cấp bộ cũng đã thừa nhận giữa nam và nam mặc dù không thể có giao cấu vẫn có thể có quan hệ tình dục” – luật sư Phất nhận định.
Cũng theo luật sư Phất, việc xử lý vụ án còn tùy thuộc vào kết quả điều tra và thời điểm xảy ra các hành vi xâm hại.
“Chính sách xử lý vụ lạm dụng tình dục nam tại Phú Thọ lần này có thể trở thành tiền lệ cho các vụ việc tương tự khác. Nếu việc định tội không chính xác, người phạm tội được hưởng mức hình phạt thấp không đúng với bản chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi sẽ làm giảm tính răn đe, phòng ngừa của điều luật” – ông Phất nói.
Theo điều 141 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội hiếp dâm: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân.
Điều 143 quy định về tội cưỡng dâm: Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
Nguồn dantri.com.vn