‘Hai con còn không nuôi nổi nói gì đến ba con’
Thông tin “không phạt người sinh con thứ 3, thứ 4” được coi là “bước ngoặt” trong chính sách dân số sau hơn 50 năm. Nhưng nhiều người dân chẳng mấy mặn mà.
Chị Nguyễn Thị Huệ (28 tuổi) là công nhân khu Công nghệ cao Q.9 (TP.HCM). Chị hiện có một bé gái gần 5 tuổi.
“Mỗi tháng trung bình phải chi ít nhất 3,5 triệu đồng cho con. Bao gồm tiền học, tiền sữa và các khoản sinh hoạt phí như áo quần, vui chơi…”, chị Huệ kể.
“Cho tiền cũng không sinh thêm”
Chồng chị làm công việc tự do, thu nhập không ổn định, lương của chị nếu tích cực tăng ca cũng chỉ 6-7 triệu đồng.
“Tiền thuê nhà, ăn ở của 3 người hiện tại còn không đủ, đâu dám nghĩ chuyện sinh thêm con. Giờ sinh con mà có thưởng đi chăng nữa cũng chẳng được bao nhiêu, nên có cho tiền cũng không sinh nữa”, chị Huệ cười nói.
Vì thế chị không mấy quan tâm tới thông tin Bộ Y tế đề xuất bỏ các quy định phạt người sinh con thứ 3, thứ 4, kể cả đảng viên, cũng như khẳng định của cơ quan dân số rằng “sinh bao nhiêu con là quyền của người dân”.
“Hai con còn không nuôi nổi nói gì đến ba con”, chị Huệ thở dài.
Chị Dương Uyên Nhu (26 tuổi), công nhân KCN Sóng Thần (Bình Dương), cũng suy nghĩ như vậy: “Hiện nay mọi thứ chi phí, dịch vụ đều đắt đỏ, thu nhập của công nhân rất thấp trong khi chi tiêu hằng ngày vô cùng tốn kém. Sinh con mà không lo được cuộc sống đủ đầy thì tốt nhất nên dừng lại”.
Vợ chồng chị Nhu đã có một bé gái hơn 1 tuổi. Chị tính toán mỗi tháng cần đến 4 hộp sữa cho bé, chưa kể các chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt…
“Cuộc sống hiện đại, lo cho con không chỉ đủ ăn, mặc mà phải làm sao con không bị thiệt thòi về mọi mặt học hành, vui chơi… Cái gì ba mẹ cũng muốn cho con mình được thụ hưởng dịch vụ tốt nhất. Nếu sinh ra mà không chăm lo tốt được thì tốt nhất là không sinh”, chị Nhu chia sẻ.
* Theo khảo sát của Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình trên 700.000 người Việt gần đây
Chị Hoàng Thị Phú (31 tuổi), nhân viên công ty ở Q.1 (TP.HCM), cũng quyết định dừng lại ở hai con. Chị phân tích: “Ở TP khác ở quê, phải gánh đủ thứ chi phí. Nếu ở quê tốn 1 thì ở TP phải tốn gấp 3 lần. Nhưng để con cái ở quê thì không an tâm”.
Vậy nên dù chị Phú là một đảng viên, đề xuất của Bộ Y tế chẳng ảnh hưởng gì lắm. Chị cho biết sẽ sinh đủ hai đứa để con có chị có em, bớt cô đơn, hiu quạnh.
“Nhưng phải đợi thêm ít năm nữa khi mà kinh tế ổn định hơn mới nghĩ chuyện sinh tiếp đứa thứ hai”, chị Phú bộc bạch.
Dành thời gian hưởng thụ nữa chứ
“Phụ nữ hiện đại đâu chỉ có ăn và… đẻ. Sinh một đến hai đứa là dừng lại để còn lo cho công việc và dành thời gian hưởng thụ nữa chứ”, chị Phan Thị Hằng (30 tuổi), nhân viên ngân hàng tại TP.HCM, nêu ý kiến.
Theo chị, việc không phạt người sinh con thứ 3 không tác động gì nhiều đến người dân.
“Người nào muốn sinh thêm thì sẽ chấp nhận chịu phạt. Hiện nay trí thức hầu như ngại sinh nhiều con, hai đứa là cao lắm rồi. Bạn bè của tôi là công nhân viên chức nhà nước nhưng chỉ sinh một con là đủ. Tôi cũng vậy”, chị Hằng nói.
Lo cho con không chỉ ăn, mặc mà còn là học hành, vui chơi… – Ảnh minh họa: DUYÊN PHAN
Bên cạnh sự bận rộn của công việc và đời sống xã hội khiến các bà mẹ hiện đại eo hẹp thời gian dành cho con, việc đưa đón con khi chúng đến tuổi đi học cũng là vấn đề lớn.
“Đi làm còn lo nơm nớp tới giờ đón con, thậm chí còn có chuyện lệch giờ, lệch ca. Kiếm được một người giúp việc thật tin tưởng cũng không dễ. Chuyện trộm cắp, bắt cóc trẻ em… tràn lan, trong khi phương tiện công cộng như hiện nay thì không dám để con đi một mình”, chị Hằng chia sẻ.
Còn với chị Võ Thị Ngọc, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Lắk, tuổi tác là vấn đề ngăn cản việc sinh con thứ 3.
Hiện chị Ngọc đã có hai con và quyết định dừng lại. Theo chị, phụ nữ ngày nay có xu hướng lấy chồng muộn vì lo cho sự nghiệp. Bởi vậy, khi sinh một đến hai đứa thì tuổi tác không còn trong “độ vàng” để tiếp tục sinh con.
Lần đầu tiên sau hơn 50 năm, Việt Nam thay đổi chính sách dân số, từ sinh đẻ có kế hoạch sang “nới” mức sinh, đồng thời với những thay đổi căn bản về quy mô, phân bố, chất lượng dân số.
Tại cuộc họp báo do Bộ Y tế chiều 17-10, phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Văn Tân nói:
“Từ những năm 1960 và đặc biệt từ năm 1993 đến nay định hướng của công tác dân số là mỗi cặp vợ chồng có 1-2 con, nay vận động mỗi gia đình sinh đủ 2 con, duy trì mức sinh thay thế (hiện nay là 2,1 con/bà mẹ tuổi sinh đẻ).
Những vùng có mức sinh cao như Tây Nguyên, Tây Bắc thì vận động để giảm về mức sinh thay thế, vùng có mức sinh thấp như Đông Nam Bộ (đặc biệt là TP.HCM), Đồng bằng sông Cửu Long thì vận động để nâng mức sinh lên mức sinh thay thế, nghĩa là có cả 2 chiều là giảm chỗ cần giảm, nâng chỗ cần nâng, trước đây chỉ có một chiều là vận động giảm sinh”.
Hiện mức sinh ở khu vực Đông Nam Bộ dưới 1,7 con/bà mẹ, Đồng bằng Sông Cửu Long là 1,8 con, hai vùng này đều có mức sinh dưới mức sinh thay thế.
Đặc biệt là TP.HCM có năm đã xuống đến 1,3 con/bà mẹ, hiện ở mức khoảng 1,45 con/bà mẹ.
Nguồn tuoitre.vn