Trẻ đã nghỉ Tết, coi chừng những tai nạn này đe dọa trẻ

Trẻ đã bước vào kỳ nghỉ Tết. Đây cũng là thời điểm nhiều trường hợp tai nạn dễ xảy ra với trẻ. Các bác sĩ cảnh báo những mối nguy rình rập, phụ huynh cần đề phòng khi trẻ ở nhà những ngày Tết.
Trẻ bị chấn thương mặt do tai nạn giao thông /// Ảnh: Nguyên Mi

Trẻ bị chấn thương mặt do tai nạn giao thông

ẢNH: NGUYÊN MI

Tai nạn giao thông

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, cho biết: “Giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, là thời điểm tai nạn xảy ra với trẻ nhiều nhất trong năm. Những ngày gần đây, hầu như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận trẻ bị chấn thương do tai nạn”.
Trong đó, tai nạn giao thông chiếm đa số, gây ra các chấn thương nghiêm trọng. Những ngày Tết là lúc phụ huynh thường chở trẻ đi mua sắm, đi chơi và kể cả đi làm (khi trẻ được nghỉ học và ở nhà không có người trông coi).
Vừa qua, trong lúc chở hai anh em bé N.T.P (5 tuổi, ngụ Bình Tân, TP.HCM) đi công việc, mẹ của bé đã va chạm với xe máy phía trước. Tai nạn bất người khiến người mẹ tử vong tại chỗ. Bé P. và em được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu.
Bé P. bị gãy xương tay phải, gãy xương hàm phải phẫu thuật cấp cứu. Nguy hiểm hơn, bé đang được theo dõi chấn thương sọ não vì đầu đập mạnh xuống đường và không có đội nón bảo hiểm.
Một trường hợp khác là bé T.P.A. (10 tuổi, ở Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) được mẹ chở đi sắm đồ Tết. Người mẹ bị một chiếc xe máy khác chạy cùng chiều vượt qua trong khoảng cách quá gần gây tai nạn. Bé A. ngã đập mặt xuống đất bị đa chấn thương; gãy cả hai tay, chân phải; gãy xương mũi, hàm gò má, bờ ổ mắt, xương hàm dưới bên trái, gãy xương hàm phải.
“Hầu như xương cả vùng mặt bé A. đều gãy nát nên bác sĩ mất 3 giờ để xử trí, dùng nẹp cố định chỉnh lại xương. Hy vọng sau khi lành, xương mặt bé sẽ được phục hồi tốt về chức năng nhai, nuốt. Tuy nhiên, có thể vết thương sẽ để lại sẹo gây mất thẩm mỹ khiến bé tự ti sau này”, bác sĩ Đẩu cho biết.
Ngoài ra, bé bị chảy máu liên tục kèm theo dịch trong từ mũi. Các bác sĩ nghi ngờ chảy dịch não tủy do chấn thương sọ não và đang theo dõi sát.
Đó chỉ là hai trong nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn giao thông trong những ngày cận Tết đang được cấp cứu, điều trị tại bệnh viện.
“Đặc biệt, trẻ thường bị chấn thương nặng ở vùng mặt, đầu, thậm chí chấn thương sọ não do không được đội mũ bảo hiểm khi phụ huynh chở đi xe máy”, bác sĩ Đẩu cảnh báo.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, khuyến cáo thêm: “Tôi thấy rất nhiều phụ huynh chở con nhỏ ngồi hoặc đứng phía trước xe máy, lại không đội nón bảo hiểm. Vô cùng nguy hiểm! Khi xe thắng gấp hay có va chạm, các bé đều bị đập mặt, đầu mạnh vô phần đầu, tay lái xe; thậm chí va chạm mạnh hay tốc độ nhanh, trẻ còn bị văng ra xa, về phía trước. Phần đầu và mặt của các bé đập mạnh xuống đường gây nhiều hậu quả đau lòng”.
Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần hết sức chú ý, cẩn trọng, cho trẻ ngồi xe chắc chắn. Đặc biệt là đội nón bảo hiểm đúng cho trẻ khi tham gia giao thông.

Nhiều tai nạn sinh hoạt

Uống nhầm hóa chất, hóc dị vật và phỏng là những tai nạn sinh hoạt thường gặp nhất ở trẻ trong những ngày nghỉ Tết. Ghi nhận ở các bệnh viện nhi, số lượng trẻ nhập viện do những tai nạn này thời gian này đều gia tăng.
Trẻ đã nghỉ Tết, coi chừng những tai nạn này đe dọa trẻ - ảnh 4

Một bệnh nhi uống nhầm thuốc trừ sâu đựng trong chai nước trà xanh được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

BỆNH VIỆN CUNG CẤP
Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) đã tiếp nhận cấp cứu cho bé trai 15 tháng (ngụ Long An) uống nhầm thuốc trừ sâu được gia đình được trong chai trà xanh.
Theo bác sĩ Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM): Trẻ uống nhầm hóa chất thường có một số biểu hiện như ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất… Ngoài ra, có thể có vết bỏng quanh vùng miệng tái nhợt do trẻ đã nuốt phải một loại chất độc ăn mòn. Tổn thương còn tùy theo loại hóa chất, nồng độ hóa chất, thời gian và liều lượng mà trẻ nuốt hoặc ăn phải.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, lưu ý phụ huynh cần: Để thuốc và hóa chất ngoài tầm với của trẻ; đóng chặt nắp chai, hộp để trẻ không dễ dàng mở được.
Ngoài ra, để tránh nhầm lẫn, không nên để thuốc, hóa chất gần thức ăn, thức uống. Không cất giữ hóa chất nếu không cần đến. Đặc biệt, tuyệt đối không được để hóa chất trong vỏ chai nước uống các loại.
Không nói dối với trẻ thuốc là kẹo vì sau này trẻ nghĩ các loại thuốc là kẹo, có thể ăn và bị ngộ độc.
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi năm, cứ vào dịp Tết là bệnh viện tiếp nhận hàng chục ca hóc dị vật, nhiều nhất là các loại hạt (dưa, bí, hướng dương). Có trường hợp, dị vật chạy tuốt vào phổi.
Từng có trường hợp dị vật nằm quá sâu trong phổi, không thể gắp ra được, bác sĩ buộc phải cắt một phần thùy phổi vị trí dị vật.
“Thời điểm cận Tết, trẻ nhỏ được nghỉ học ở nhà, gia đình lại bận bịu chuẩn bị nhiều việc cho Tết, nấu nướng bếp núc nhiều, nên phỏng thường xảy ra hơn. Do đó, phụ huynh phải hết sức cẩn trọng trông chừng trẻ. Chú ý, khi gia đình tổ chức nấu ăn, nấu bánh tết, nấu nước, cúng kiếng thì nên cẩn thận vật dụng nóng, để các thức ăn, đồ uống, vật dụng đựng đồ nóng xa tầm tay của trẻ. Hạn chế cho trẻ lại gần nơi nấu nướng, cử người chăm sóc trẻ”, bác sĩ Diệp Quế Trinh, Phó khoa Phỏng – Tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1, khuyến cáo.
Ngoài ra, theo bác sĩ Trinh, gia đình cũng cẩn trọng trong các thiết bị điện, tránh cho trẻ lại gần, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
“Trong những ngày trẻ được nghỉ học ở nhà, phải luôn có người giữ trẻ nhỏ dưới 3 tuổi vì tuổi này trẻ rất thích tìm hiểu thế giới xung quanh và “thử” bất cứ thứ gì trẻ sờ được”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.

Nguồn thanhnien.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *