‘Suất ăn thế này, các con lấy sức đâu mà học!’
Xung quanh các bài báo về vụ “Doanh nghiệp cung cấp suất ăn doạ đánh hiệu trưởng” tại Sóc Trăng, Tuổi Trẻ đã nhận được 127 ý kiến bạn đọc bức xúc về vụ việc trên.
Bạn đọc Văn Thuận, đại diện cho luồng ý kiến lo lắng chất lượng bữa ăn cho học sinh bình luận: “Suất ăn thế này, các con lấy sức đâu mà học?!”.
Lo lắng này được chia sẻ với 44 ý kiến tương tự của bạn đọc Tuổi Trẻ về vụ việc lùm xùm tại trường tiểu học Hùng Vương (Sóc Trăng) cũng như nhiều trường bán trú khác trên cả nước. Đồng thời kiến nghị cần chấm dứt hợp đồng với doanh nghiệp này ngay.
“Chấm dứt hợp đồng ngay, không nhân nhượng. Nếu nhà trường thấy khó thì để Đại diện hội cha mẹ học sinh ký hợp đồng, vì đây là tiền của cha mẹ học sinh nộp vào để nhà trường tổ chức ăn cho các cháu.”
Bạn đọc Nguyên Ngọc bình luận
“Đã đến lúc cần hồi chuông cảnh báo suất ăn của các cháu trên hệ thống giáo dục toàn quốc. Chúng ta đã và không để ý tới việc này từ bao lâu rồi ???” – bạn đọc Đặng Thanh Vũ bức xúc.
Một số bạn đọc chia sẻ nỗi lo tương tự về suất ăn của con mình ở trường:
“Trường con tôi học cũng cho học sinh ăn với khẩu phần có khi còn ít hơn nhưng ngại đụng chạm với trường nên bàn với vợ: Ở trường xem như con ăn bữa phụ, tập trung cho con ăn bữa sáng và chiều coi như bổ sung phần thiếu dinh dưỡng bữa trưa của con. Mình làm vậy cho vui cả làng chứ đấu tranh xem chừng lợi bất cập hại.” – bạn đọc Trần Duy An cho hay.
“Con mình cũng học ở đây có hôm con về nói ” cơm bữa nay ghê lắm cục thịt heo lông không con không dám ăn nhìn muốn ói” bé cũng thường xuyên bị đau bụng bác sỹ bảo do ăn uống. Phải chi có thời gian cho con học một buổi thì an tâm hơn” – bạn đọc Trần Thị Thúy viết.
56 ý kiến còn lại, bạn đọc đặt ra nghi vấn: Sự kỳ lạ trong việc ký họp đồng dài hạn từ 7 năm tới 10 năm tại một doanh nghiệp, cho tới nay hợp đồng đã thực hiện được 5 năm, vừa thay hiệu trưởng thì mới xảy ra xích mích giữa hiệu trưởng với doanh nghiệp, tại sao có vụ việc này?
Và trong suốt 5 năm qua, chất lượng bữa ăn của các cháu ra sao, tại sao không thấy bị phản ánh?
“Hợp đồng cung cấp thực phẩm mà ký đến 10 năm chẳng trách sao khẩu phần ăn của trẻ ngày càng teo tóp vì vật giá leo thang”, bạn đọc Hoàng Nguyễn nhận định.
“Không biết 30 xuất ăn của giáo viên, nhân viên, bảo vệ có khác bữa ăn học sinh không?”, bạn đọc Robin nghi vấn.
“Doanh nghiệp vô giáo dục như thế mà Trưởng Phòng GDĐT Sóc Trăng chỉ muốn hoà giải hai bên ? Lẽ ra phải cắt hợp đồng mới đúng chứ. Hay doanh nghiệp xấu này lại có quan hệ ngoài luồng lớn, nên chí dám giơ cao đánh khẽ ?”, bạn đọc Bảy Huệ bức xúc.
Cùng ý kiến về nghi ngờ năng lực doanh nghiệp cung cấp suất ăn này:
“Nhiệm kỳ của hiệu trưởng chỉ tối đa 5 năm , sao lại ký hợp đồng 7 năm. Có vấn đề ẩn khuất gì trong hợp đồng cung cấp thức ăn gì đây . Đề nghị thanh tra các dấu chấm, phẩy trong hợp đồng!”, bạn đọc Vĩnh An.
Một số vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học
Trong tháng 9 năm 2017 đã có một số vụ ngộ độc thực phẩm tại các trường học.
1- Sáng 5-9 trường PT Dân tộc Nội trú Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) đã khai giảng năm học mới. Đến trưa cùng ngày hơn 300 học sinh của trường đã cùng ăn trưa và hơn 100 học sinh có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm.
2- Ngày 13-9: 40 học sinh nghi bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn bán trú tại Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
3- Ngày 11-9, sau bữa ăn tại trường mầm non Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội, một số trẻ xuất hiện các biểu hiện sốt, buồn nôn. Những ngày tiếp theo nhiều trẻ khác cũng có biểu hiện tương tự. Hiện có 31 trẻ nghi bị ngộ độc, trong đó có 9 trẻ phải đưa đi bệnh viện khám và điều trị.
4- Sáng 21-9, trao đổi với một phóng viên, đại diện Bệnh viện Đa khoa huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), cho biết bệnh viện đã tiếp nhận 73 trường hợp là học sinh của Trường Phổ Thông Dân Tộc Bán Trú – Tiểu học và THCS xã Hầu Thào (Sa Pa) có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm.
Nguồn tuoitre.vn