Đánh giá tác động đối với trẻ em

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á, nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quyền trẻ em của Liên Hợp quốc (Công ước) vào ngày 20.2.1990. Công ước quy định trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong lồng ghép quyền trẻ em, đảm bảo các lợi ích tốt nhất của trẻ em trong quá trình xây dựng và thực thi luật pháp, chính sách liên quan (Điều 4). Năm 2013, Ủy ban Quyền trẻ em của Liên Hợp quốc thông qua Bình luận chung số 14 về lợi ích tốt nhất của trẻ em và quy định các nước cần tiến hành Đánh giá tác động đối với trẻ em  trong các quá trình xây dựng chính sách, chương trình liên quan và khuyến khích các nước phát triển các mô hình đánh giá tác động đối với trẻ em phù hợp với các khuôn khổ pháp lý, chính sách của mỗi nước.

Đánh giá tác động đối với trẻ em đã được tiến hành ở nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Ấn độ, Canada, Phần Lan, Anh, New Zealand, Thụy Điển, Na Uy, Hoa Kỳ… Đánh giá này có thể là một đánh giá riêng biệt về trẻ em hoặc lồng ghép trong một số đánh giá tác động khác như đánh giá tác động xã hội hoặc đánh giá tác động tổng hợp (Anh), đánh gía tác động quyền con người (Bungari, Phần Lan, Ai len, Nauy, Thụy Điển…).

Sơ đồ nguyên tắc tiếp cận dựa trên quyền trẻ em do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cụ thể hóa

Tại Việt Nam, Ủy ban Quyền trẻ em của Liên Hợp quốc cũng đã đưa ra khuyến nghị về việc “Việt Nam cần phát triển các quy trình đánh giá tác động đối với quyền trẻ em trong xây dựng luật pháp và chính sách liên quan tới trẻ em ở trung ương cũng như địa phương” (Kết luận cuối cùng của Ủy ban Quyền trẻ em đối với Báo cáo quốc gia lần 5 và 6 Việt Nam thực hiện Công ước). Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định tại Khoản 5, Điều 5: “Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, ngành địa phương”.

Trên cơ sở đó, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã xây dựng Báo cáo nghiên cứu, rà soát đánh giá tác động đối với trẻ em. Báo cáo đã tập trung rà soát, tổng hợp thông tin về khuôn khổ pháp luật quốc tế và quốc gia, thực trạng, kinh nghiệm đánh giá tác động đối với trẻ em từ hơn 20 nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan Việt Nam. Đồng thời đưa ra các khuyến nghị sơ bộ về khung khổ đánh giá tác động đối với trẻ em phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ của Hội. Theo đó, Đánh giá tác động đối với trẻ em nhằm làm cho trẻ em hiển thị trong quá trình xây dựng mới các chính sách, chương trình hoặc sửa đổi, bổ sung các chính sách, chương trình hiện hành, giúp tránh hoặc giảm thiểu các tác động tiêu cực, tối đa hóa các tác động tích cực đối với trẻ em. Đánh giá này cần tiến hành khi xây dựng các chính sách, chương trình có ảnh hưởng chung đến mọi trẻ em hoặc các nhóm trẻ em đặc thù và từng trẻ em cụ thể, theo nguyên tắc: Lấy lợi ích tốt nhất của trẻ em làm nền tảng; Sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền trẻ em; Thu hút sự tham gia của trẻ em; Dựa trên cơ sở bằng chứng, đảm bảo tính khách quan, công khai; Bảo đảm tính trọng tâm. Đánh giá này gồm các giai đoạn: Sàng lọc; Tiến hành đánh giá; Thu hút sự tham gia của trẻ em; Tổng hợp các phát hiện và khuyến nghị; Theo dõi giám sát việc tiếp thu các  khuyến nghị của Đánh giá tác động đối với trẻ em. Dự kiến trong năm 2025, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển các tài liệu hướng dẫn cụ thể về đánh giá tác động đối với trẻ em trong xây dựng và thực hiện các đề án, dự án, chương trình hành động của Hội, góp phần phục vụ cho nhiệm vụ Hội tham gia góp ý xây dựng chính sách, chương trình, hoạt động liên quan tới trẻ em, nhằm thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, đảm bảo không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Cao Thị Thanh Thủy

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *