Ra mắt Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em
Ngày 18/7/2025 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức Lễ ra mắt Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em (trực thuộc Hội) với sự tham dự của gần 50 đại biểu là thành viên của CLB cùng các khách mời là đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà báo, phóng viên đang công tác tại các đơn vị báo chí, truyền thông tại Hà Nội và diễn giả khách mời đến từ tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids, Hoa Kỳ tại Việt Nam và Tập đoàn truyền thông Lê và Anh em.
CLB Các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em được thành lập từ năm 2010 từ nhận thức về vai trò và thúc đẩy hành động của các cơ quan báo chí trong thu thập thông tin, tình hình, phổ biến đường lối chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em, phản ánh tình hình trẻ em, hướng dẫn dư luận xã hội, phát hiện, nêu gương điển hình, đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Kiện toàn CLB Các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em là hoạt động đã được đặt ra trong chương trình công tác năm 2025 của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Đây là sự công nhận vai trò của báo chí truyền thông trong sự nghiệp bảo vệ quyền trẻ em và sự gắn kết, đồng lòng của những nhà báo có tâm huyết với trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phát biểu khai mạc tại buổi lễ ra mắt Ban chủ nhiệm CLB Các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em
Phát biểu lại lễ ra mắt, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng đã chia sẻ: “Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được Đảng và Nhà nước rất quan tâm đặc biệt là đã ban hành nhiều chính sách liên quan tới giáo dục, chăm sóc sức khỏe, y tế… cho trẻ em. Vai trò của báo chí truyền thông rất quan trọng trong việc thực hiện các chính sách, chương trình dành cho trẻ em đã được Nhà nước ban hành. Vì vậy, kiện toàn Ban chủ nhiệm CLB là một sự kiện lớn của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Hội rất mong muốn và tin tưởng rằng CLB sau kiện toàn sẽ có nhiều hoạt động khởi sắc, có nhiều sản phẩm báo chí có giá trị nhằm huy động toàn xã hội thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em. Tôi cũng mong và tin tưởng Ban Chủ nhiệm CLB tích cực và tâm huyết để CLB hoạt động hiệu quả, bền vững, góp phần nâng cao nhận thức của gia đình, ban ngành, cộng đồng và trẻ em trong xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em và đạt được các mục tiêu phát triển trẻ em. Các nhà báo cũng là nguồn cung cấp thông tin về tình hình trẻ em để Hội Bảo vệ quyền trẻ em có những góp ý, tham vấn các chính sách, chương trình quốc gia về trẻ em góp phần công tác bảo vệ quyền trẻ em đạt hiệu quả và mang tính bền vững”.

Ông Trần Hồng Quân – Phó Chánh văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu định hướng hoạt động của CLB tại buổi lễ ra mắt
Ông Trần Hồng Quân – Phó Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam đã có phát biểu tại lễ ra mắt Ban chủ nhiệm CLB: “Bảo vệ quyền trẻ em là một nhiệm vụ cao cả, là mệnh lệnh từ trái tim, đòi hỏi sự kiên trì, dũng cảm và trách nhiệm. Với truyền thống vẻ vang của Báo chí cách mạng Việt Nam, với sự nhiệt huyết và tinh thần dấn thân của những người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam tin tưởng rằng Câu lạc bộ “Các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em” sẽ phát huy tối đa vai trò của mình, trở thành cánh tay nối dài hiệu quả của Hội Nhà báo Việt Nam và của toàn xã hội trong công cuộc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thế hệ tương lai của đất nước. Hội Nhà báo Việt Nam cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam”.
Ban chủ nhiệm CLB Các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em ra mắt bao gồm 7 thành viên trong đó bao gồm 1 Chủ nhiệm, 5 Phó Chủ nhiệm và 1 Thư ký.

Thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà báo bảo vệ quyền trẻ em
Ông Nguyễn Mạnh Huy – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã chia sẻ tại lễ ra mắt: “Sự ra đời của câu lạc bộ không chỉ là 1dấu mốc quan trọng, mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội cao cả của những người làm báo đối với trẻ em – những mầm non tương lai của đất nước. Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi thấu hiểu rằng: mỗi bài viết, mỗi câu chuyện được kể đúng, kịp thời và nhân văn có thể trở thành một tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ trẻ em khỏi những bất công, xâm hại và lãng quên. Chúng tôi mong muốn CLB sẽ là một diễn đàn cởi mở, sáng tạo, nơi các nhà báo cùng hợp tác, học hỏi và lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa vì một môi trường phát triển lành mạnh, công bằng cho mọi trẻ em Việt Nam. Với vai trò Chủ nhiệm, tôi cam kết cùng ban điều hành xây dựng một môi trường sinh hoạt nghề nghiệp chuyên nghiệp, gắn bó và hiệu quả”.
Tại lễ ra mắt, các thành viên CLB đã có phần trao đổi, chia sẻ với các diễn giả khách mời về chuyên đề truyền thông phòng chống đuối nước trẻ em nhân ngày Thế giới phòng chống đuối nước trẻ em (25/7/2025). Các đại biểu đã được bà Dương Khánh Vân, Cán bộ kỹ thuật Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chia sẻ những số liệu về tình hình đuối nước trẻ em và ý nghĩa của ngày Thế giới phòng chống đuối nước trẻ em.

Bà Đoàn Thu Huyền – Giám đốc quốc gia Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids, Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình phòng chống đuối nước trẻ em
Bà Đoàn Thị Thu Huyền – Giám đốc quốc gia Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids, Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thông qua chương trình phòng chống đuối nước của tổ chức. Trong vòng 7 năm qua chương trình đã có 52.250 trẻ từ 6-15 được học kỹ năng an toàn, 31.594 trẻ từ 6-15 tuổi được học bơi an toàn đặc biệt là không có trường hợp trẻ không an toàn khi tham gia chương trình. Đồng thời, bà Huyền cũng nhấn mạnh:“Một khó khăn truyền thông về đuối nước chính là gia đình khó mở lòng, khó chia sẻ trong vấn đề đuối nước vì vậy công tác phòng chống đuối nước cũng gặp khó khăn”.

Ông Đặng Hoa Nam – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ vai trò của truyền thông trong phòng chống đuối nước trẻ em
Ông Đặng Hoa Nam – Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ vai trò của báo chí truyền thông trong phòng chống đuối nước trẻ em trong đó tập trung vào truyền thông về tầm quan trọng trong phòng chống đuối nước với thông điệp “Phòng chống đuối nước trẻ em là bảo đảm quyền sống của trẻ em” và “Tai nạn đuối nước hoàn toàn có thể phòng, tránh, kéo dài”. Đồng thời cũng cần truyền thông mạnh mẽ về chính sách giải pháp phòng chống đuối nước đến từng cấp chính quyền, từng gia đình, giáo viên… tập trung vào đầu tư nguồn lực phòng chống đuối nước trẻ em của địa phương để triển khai các mô hình can thiệp với các thông điệp “Vai trò chủ đạo của ngân sách Nhà nước trong phòng chống đuối nước” và “Hiệu quả đầu từ phòng chống đuối nước, cứu sinh mạng trẻ em”; hướng dẫn hành động và can thiệp hiệu quả thông qua tạo môi trường an toàn, kiểm soát và cảnh giới khu vực có nguy cơ đuối nước cao, dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, ứng phó rủi ro và hiểm họa, phổ biến và đào tạo kỹ năng cứu hộ, sơ cứu và thực hiện các quy định về an toàn giao thông đường thủy với thông điệp “Đuối nước xảy ra với bất kỳ ai nhưng hoàn toàn phòng tránh được” và “Bài học một người, cứu mạng nhiều người”.
Bà Nguyễn Thị Phượng – Trưởng phòng truyền thông đa phương tiện, tập đoàn truyền thông Lê và Anh em đã chia sẻ: “Tôi có tham gia chương trình phòng chống đuối nước trẻ em và tôi ấn tượng nhất là các cơ quan truyền thông, mạng xã hội đã đăng tải nhiều thông tin, tấm gương của những cá nhân cứu nạn nhân đuối nước. Tôi cũng băn khoăn khi đưa ra quá nhiều tấm gương cá nhân lên thì liệu có tác dụng ngược đối với những trẻ học theo khi chưa được trang bị những kỹ năng cần thiết trong cứu người đuối nước. Truyền thông cần tập trung thêm vào phân tích nguyên nhân gây ra tình trạng đó và cũng nêu được thông điệp là cần trang bị kỹ năng của bản thân để tự bản vệ được bản thân trước khi cứu người khác”.

Diễn giả khách mời tham gia phiên tọa đàm về phòng chống đuối nước trẻ em
Tại phần tọa đàm với các diễn giả khách mời, các đại biểu đã được hiểu thêm về những kinh nghiệm, thực hành dân gian trong sơ cứu trẻ bị đuối nước chưa đúng. Việc sơ cấp cứu là một trong những hành động rất quan trọng giúp cho các nạn nhân đuối nước được cứu chữa nhanh chóng, kịp thời, vì vậy mỗi người dân trong cộng đồng đều cần biết, được đào tạo cơ bản về sơ cấp cứu ban đầu để giúp nạn nhân kịp thời và đúng cách. Những chính sách để duy trì dịch vụ dạy bơi an toàn vẫn còn có sự bất bình đẳng giữa các địa phương, kinh phí đầu tư ngân sách cho xây dựng và duy trì bể bơi an toàn còn chưa công bằng giữa các địa phương so với mặt bằng chung của cả nước theo Chương trình mục tiêu quốc gia.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành liên quan tới trẻ em có những kiến nghị Quốc hội đưa mục tiêu phòng chống đuối nước trẻ em vào chương trình mục tiêu quốc gia để có nguồn lực từ trung ương giải quyết vấn đề đuối nước trẻ em.

Chụp ảnh lưu niệm