“Con rất muốn được đi học”

Ngày 8/12, cháu K. (SN 2007, ở Hà Nội) đang chơi đùa vô tư cùng em gái, khác hẳn vẻ sợ hãi khi vừa “thoát” khỏi bố đẻ và mẹ kế. Em kể lại: “Lúc bố đánh bằng móc áo, lúc dí đầu vào chậu rửa bát rồi xả nước… mẹ kế bắt uống hết chai nước mắm nhưng sau đó con giả vờ ra chỗ khác nôn hết ra”. Vì vậy, ngày 5/12, Hoàn bỏ trốn bắt xe buýt về nhà ông bà nội và được gia đình đưa đi khám, bác sĩ cho biết phát hiện em bị rạn 6 xương sườn cùng nhiều vết thương khác.

Bà Nguyễn Minh Hạnh (bà ngoại K.) cho biết:“Bố mẹ K. sống với nhau được 7 năm trước khi li dị. Sau đó, K. ở với bố bên nhà ông bà nội, lúc đó cháu rất khỏe mạnh. Vừa ở được 3 tháng, bố cháu ra ngoài ở riêng và đưa K. đi. Từ đó,chúng tôi không thể liên lạc được với hai bố con”.

Nói thêm về trường hợp của K., bà Nguyễn Bích Thủy–Hiệu phó Trường Tiểu học Ngọc Hà (Hà Nội) cho biết, K. liên tiếp là học sinh xuất sắc của trường từ 2014 -2016 sau đó thôi học. Tuy nhiên, bố K. chỉ thông báo sẽ chuyển trường cho cháu, không hề đến rút hồ sơ. Cũng theo bà Thủy, khi nghe tin về sự việc, nhà trường đã đến thăm hỏi động viên K. “Khi chúng tôi đến, cháu vẫn nhận ra cô và nói khi nào khỏe lại sẽ xin đi học trở lại. Tôi cũng động viên em là ngoan, cố điều trị, sau này sẽ được đi học tiếp và trường sẽ tạo mọi điều kiện cho em về học” – bà Thủy nói.

Tương tự, cậu học trò bị bạo hành vui mừng khoe: “Cháu rất nhớ các bạn và mẹ cháu bảo khi nào những vết thương trên người lành lặn thì sẽ được đi học trở lại”.

Bạo hành trẻ em: Bỏ ngay tư tưởng 'yêu cho roi cho vọt' - ảnh 1

Vết thương trên người cháu K. sau khi bị bạo hành.

“Cháu bé quá nghịch?”

Ngày 8/12, Công an quận Cầu Giấy cho biết đã triệu tập Phạm Thị Tú Trinh (ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) là mẹ kế cháu K. nhằm điều tra việc cháu bị bạo hành.Theo tường trình của Trinh, tháng 7/2016, hai vợ chồng đã rời nhà ông bà nội K., thuê phòng ở và từ đây cháu thường xuyên nghịch ngợm, phá phách…

“Cháu thường xuyên phun nước bọt vào giầy dép của bố mẹ, phun cả vào người tôi… lấy xà phòng, dầu gội xịt hết ra nhà vệ sinh và nhiều lần lấy bàn chải đánh răng của bố mẹ vứt vào bồn cầu, sọt rác… Riêng tôi có 2 lần dùng đũa ăn đánh vào tay cháu. Tôi chỉ đánh nhẹ không gây thương tích để cháu hiểu mình bị phạt vì mắc lỗi và lần sau không phạm lỗi nữa” – Trinh tường trình.

Người mẹ kế cho rằng mình đánh K. để cháu… không bị bố đánh vì người bố “ra tay” rất nặng. Trinh cũng khẳng định từng cùng chồng liên hệ với nhà trường để đưa K. đi học nhưng cháu bé không đồng ý.

“Yêu cho roi cho vọt”

Cần loại bỏ ngay ý nghĩ truyền thống trên trong việc nuôi dạy trẻ. Đó là ý kiến của luật sư Thùy Dương – Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Luật sư Dương đánh giá, gia đình và trường học là môi trường mà trẻ có nguy cơ bị bạo hành cao nhất bởi trẻ dành phần lớn thời tại đây.

Bà Dương phân tích thêm: “Một bộ phận gia đình vẫn còn tâm lý yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Nhiều người cho rằng việc đánh con là quyền hạn đương nhiên của mình và không phân biệt được đâu là kỷ luật, đâu là bạo hành… Cha mẹ chưa nhận thức được pháp luật về bảo vệ trẻ em”.

Về chế tài xử phạt, bà Dương cho biết những đối tượng thực hiện hành vi ngược đãi trẻ em có thể bị cảnh cáo, phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng… Các giáo viên nếu bạo hành trẻ cũng sẽ bị phạt tiền và đình chỉ giảng dạy… Riêng trường hợp trẻ bị bạo hành từ người trong gia đình, Chủ tịch UBND cấp xã có thể ra quyết định cách ly trẻ với bố mẹ, người nuôi dưỡng trong thời hạn không quá 15 ngày.

Ngoài ra, người gây thương tích cho trẻ em có thể bị xử lý hình sự về các tội như cố ý gây thương tích, hành hạ trẻ em, đe dọa giết hoặc giết trẻ em… với hình phạt từ 6 tháng tù tới tử hình. Luật sư Dương đánh giá: “Bộ luật hình sự 2015 có những quy định tương tự luật hình sự năm 1999 nhưng đã bỏ từ “trẻ em” và thay thế bằng cụm từ “người dưới 16 tuổi” nhằm xác định rõ đối tượng bị bạo hành. Quy định này được coi là tiến bộ và sát thực tế xã hội”.

Được hỏi về cách xử lý khi trẻ bướng bỉnh, luật sư Dương – bà mẹ 2 con nhỏ – chia sẻ thêm: “Cần cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình để không bị cuốn theo những cảm xúc của con đặc biệt khi bé khóc hay làm nũng… Quan trọng nên dùng những cách thức động viên, khuyến khích bé vâng lời cha mẹ hơn là bạo lực. Bạn có thể cũng cần những hình phạt nhưng phải phù hợp, không nên “đánh đòn” vì làm cho bé sợ, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ”.

Tối 6/12, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã cho Trần Hoài Nam (SN 1983, ở Cầu Giấy) đi thực nghiệm hiện trường bạo hành cháu K. – con đẻ của Nam. Người bố khai nhận, do K. quá nghịch nên đối tượng dùng roi, bắt con mình nằm úp mặt xuống đất rồi thẳng tay đánh đập. Việc cháu bé bị bạo hành đã diễn ra trong thời gian dài.