Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Ninh – Những điểm nhấn tích cực
Trao đổi với bà Nguyễn Thị Luận – Chủ tịch Liên Chi hội Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Quảng Ninh xung quanh các hoạt động về chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em tại Quảng Ninh.
Thưa bà, Liên Chi hội Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Quảng Ninh là một trong những tổ chức mới hoạt động về công tác bảo vệ quyền trẻ em tại Quảng Ninh. Vậy xin bà giới thiệu một chút về tổ chức Hội!
Bà Nguyễn Thị Luận: Liên Chi hội BVQTE tỉnh Quảng Ninh là tổ chức được thành lập theo Quyết định số 154/QĐ-HBVQTE của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam trên cơ sở hợp nhất các Chi hội bảo vệ quyền trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với mục tiêu “Phát huy cao nhất sức mạnh của tập thể, đoàn kết cộng đồng, phấn đấu vì mục tiêu làm cho trẻ em được hưởng các quyền cơ bản, tham gia ngăn chặn mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam, Luật Trẻ em (2016) và Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn”. Tiền thân ban đầu là Chi hội BVQTE Hạ Long được thành lập năm 2015. Sau 03 năm hoạt động, với những kết quả thiết thực và sự lan tỏa to lớn, năm 2018 đã có thêm các Chi hội bảo vệ quyền trẻ em được tiếp tục thành lập tại các khu vực huyện Hoành Bồ, huyện Bình Liêu, huyện Tiên Yên, TP.Cẩm Phả, thị xã Đông Triều và Chi hội khối Khoa học và Công nghệ, Chi hội khối Giáo dục và Đào tạo. Liên Chi hội BVQTE tỉnh Quảng Ninh thành lập trên cơ sở hợp nhất các Chi hội BVQTE nói trên.
Trao học bổng cho trẻ em với chủ đề “Vì trẻ em đất mỏ”
Bà có thể cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác bảo vệ, chăm sóc, thực hiện quyền trẻ em mà Liên Chi hội BVQTE tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện trong năm 2018?
Bà Nguyễn Thị Luận: Thời gian qua, Liên Chi hội đã có nhiều hoạt động tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc nhằm thực hiện quyền trẻ em. Trong đó đáng chú ý phải kể đến là Liên Chi hội đã xây dựng được trang thông tin điện tử tổng hợp đầu tiên dành riêng cho đối tượng là trẻ em có địa chỉ truy cập https://treemhalong.vn tại Quảng Ninh, cung cấp các thông tin về chính sách, pháp luật, Công ước Quốc tế về quyền trẻ em,…; tạo một diễn đàn để trẻ em Quảng Ninh nói lên tiếng nói, quan điểm của chính mình về các vấn đề của trẻ em.
Trong công tác vận động nguồn lực, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt vươn lên trong cuộc sống, hưởng các quyền lợi cơ bản và sự chăm sóc của xã hội, Liên Chi hội đã phối hợp với các đơn vị Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, Công ty Cổ phần Cảng Quảng Ninh tổ chức thành công Cuộc vận động “Những ô cửa xanh – Hành trình kết nối yêu thương” với sự đồng hành của Đại sứ – Ca sĩ Ngọc Anh. Trong khuôn khổ Cuộc vận động “Những ô cửa xanh – Hành trình kết nối yêu thương”, Liên Chi hội đã vận động Cảng Quảng Ninh trao 50 phần quà, trị giá 250.000đ/suất cho 50 trẻ em nghèo là bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh; vận động Tổ hợp Giáo dục & Công nghệ PNS (PNS CORP) trao quà tặng kèm 15 học bổng với trị giá 2.600.000đ/suất và bộ sách giải pháp tư duy trong học tập với tổng giá trị quà tặng là gần 50 triệu. Trao tặng 10 bộ sách giải pháp tư duy đến 10 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học tập tốt và các em đạt giải thi viết “Những ô cửa xanh”; phối hợp với Quỹ học bổng “Vì trẻ em Việt Nam”, Báo Đầu tư và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á – SeABank trao tặng 05 suất học bổng với tổng trị giá 30 triệu đồng; phối hợp với Lotte Cinema tổ chức chương trình chiếu phim miễn phí cho 100 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhân dịp phát động Tháng hành động “Vì trẻ em đất mỏ” năm 2018. Đồng thời trao tặng 100 bộ dụng cụ học tập cho các em với tổng trị giá hơn 20 triệu đồng. Đặc biệt Liên Chi hội đã phối hợp với Công ty TNHH Fusion Việt Nam, Công ty Cổ phần Quốc tế PNS,… xây dựng Quỹ học bổng “Vì trẻ em đất mỏ” với tổng số tiền huy động lên tới gần 700 triệu đồng.
Vừa qua, Liên Chi hội BVQTE tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Chi hội Nữ trí thức Quảng Ninh, Công ty TNHH J & Pet Việt Nam, Viện Công nghệ & Nhân lực Quốc tế (ITIM) và Hệ thống Trung tâm Ngoại ngữ Korean Hạ Long trao 150 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã Đông Triều với tổng trị giá 200 triệu đồng.
Thưa bà, thời gian vừa qua có rất nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại, bạo lực trẻ em. Vậy theo bà nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng trên và chúng ta cần làm gì để hạn chế các vụ việc trẻ em bị xâm hại, bạo lực?
Bà Nguyễn Thị Luận: Trong những năm gần đây, vấn đề trẻ em bị xâm hại có diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trung bình mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 2.000 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp, trong đó có hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục. Nhiều trẻ bị xâm hại bởi chính người thân trong gia đình, người có trách nhiệm nuôi dưỡng, thực tế số vụ xâm hại trẻ em có thể nhiều hơn thế. Những vụ việc bạo hành, xâm hại liên tiếp xảy ra với trẻ em trong thời gian qua đã và đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đối với toàn xã hội.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại trong đó các nguyên nhân chính là do gia đình, nhà trường, cộng đồng chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của các em; chưa có sự chủ động phát hiện sớm và trình báo với các cơ quan chức năng để kịp thời can thiệp và xử lý, thường thì chỉ khi sự việc gây hậu quả nghiêm trọng mới bị tố cáo và bị luật pháp trừng trị; kiến thức và kỹ năng bảo vệ, giáo dục trẻ em của cha mẹ hay người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ chưa được trau dồi đầy đủ cho nên năng lực bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng còn hạn chế. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân khách quan khác như: Kiến thức và kỹ năng bảo vệ, giáo dục trẻ em của cha mẹ hay người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ chưa được trau dồi đầy đủ; pháp luật chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe người có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo lực trẻ em,…
Do đó, để hạn chế các vụ việc trẻ em bị xâm hại và bạo lực, trước hết chúng ta cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em, chăm sóc trẻ em; Luật Trẻ em, Công ước Quốc tế và Quyền trẻ em; Đồng thời, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại, bạo lực trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, người chăm sóc trẻ em, người trực tiếp làm việc với trẻ em; kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại, bạo lực cho trẻ em; nâng cao năng lực người làm công tác bảo vệ trẻ em; nâng cao vai trò của cộng đồng trong việc phát hiện trình báo các cơ quan chức năng trong trường hợp phát hiện trẻ em bị xâm hại để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời,…
Bảo vệ, chăm sóc trẻ em không chỉ là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, các cấp, ngành mà của toàn xã hội. Do đó, cần sự chung tay vào cuộc và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng bằng những việc làm thiết thực, cụ thể để xây dựng môi trường an toàn và từng bước hạn chế tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại.
Trân trọng cảm ơn bà!
Xuân Thu (Thực hiện)