Bảo vệ trẻ em: Lắm mối, đổ lỗi cho nhau?
Dù có hàng chục đầu mối, cơ quan đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, nhưng các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn thường xuyên diễn ra. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đâu, đâu là đơn vị phải “chốt chặn” vấn đề này. Để làm rõ, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH).
Chúng ta có rất nhiều cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tham gia bảo vệ trẻ em, vậy theo ông tại sao các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn diễn ra thường xuyên và gia tăng mức độ nghiêm trọng?
Trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức trong bảo vệ trẻ em đã được quy định rõ trong Luật Trẻ em và các văn bản liên quan, đặc biệt Chỉ thị 18/2017 của Thủ tướng.
Nhưng quan trọng phải tăng cường trách nhiệm các bên, trong đó có cả chúng tôi.
Về phòng ngừa, ngoài giáo dục luật pháp, còn cả việc thông tin rộng rãi kết quả xử lý các vụ việc, hình phạt cho kẻ gây ra, để từ đó cảnh báo toàn xã hội. Tuy nhiên, vừa qua tuyên truyền chỉ thiên về chính sách pháp luật, báo chí đưa tin mạnh các vụ việc, nhưng kết quả xử lý lại chưa được nhấn mạnh.
Như ông nói, Luật Trẻ em đã rất tiến bộ, nhiều điều khoản lần đầu tiên Việt Nam áp dụng, nhưng việc tuyên truyền tới người dân có phần là nhiệm vụ và trách nhiệm của Cục?
Trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật là của các cơ quan quản lý nhà nước, và có cả cơ quan báo chí. Bộ LĐ-TB&XH chỉ là một phần trong đó, và đã có một số hoạt động chính như: sử dụng các cơ quan báo chí thuộc bộ để phổ biến, tuyên truyền chính sách. Vấn đề là ở đây các cơ quan phải cùng nhau bắt tay vào thưc hiện, không phải đổ lỗi cho nhau.
Với Cục Trẻ em, chúng tôi đã tham mưu để xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Trẻ em, các quy định liên quan, quy trình xử lý các vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại. Thậm chí cả quy trình tách trẻ em khỏi gia đình nếu bị bạo hành, xâm hại để bảo vệ các em. Điều này, trước nay chưa có, nhưng nay với Luật Trẻ em đã làm được. Chúng tôi cũng quản lý và vận hành Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111). Từ các cuộc gọi tới tổng đài, chúng tôi sẽ chuyển tới các cơ quan chức năng để xử lý. Nhưng các cuộc bạo hành, xâm hại trẻ em chúng tôi ghi nhận và can thiệp xử lý, không phải đều nói với báo chí vì phải đảm bảo tính bảo mật. Nên không thể nói các vụ bạo hành, xâm hại đều do báo chí phát hiện.
Tuy vậy, thực tế vẫn còn hạn chế, dù pháp luật đã có, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cũng được bố trí. Nhưng việc triển khai ở cấp địa phương chưa đồng đều, thậm chí có địa phương chưa triển khai. Như việc đi lại, chi phí can thiệp, hỗ trợ, khám bệnh cho trẻ em bị xâm hại, bạo hành đều được ngân sách chi trả. Nhưng vấn đề có thực hiện không.
Trên thực tế, khi các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra, các cơ quan nhà nước thường nói đã làm đủ cách nhưng rõ ràng hiệu quả chưa cao, ông thấy sao?
Nhìn nhận công bằng, hiệu quả công tác phòng ngừa đúng là chưa cao. Vì thực tế các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn diễn ra, và ngày càng phức tạp. Nhưng điều này không chỉ có trách nhiệm cơ quan nhà nước, còn các tổ chức đoàn thể ở đâu? Vì các tổ chức đoàn thể cũng nhận tiền của nhà nước, nhiều hay ít, cách này hay cách khác đều có cả. Nhưng chưa thấy tổ chức nào nhận trách nhiệm về mình, dù luật quy định cả.
Phần được là sự can thiệp, hỗ trợ khi phát hiện các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em. Rõ ràng, hiện nay khâu xử lý các địa phương đã vào cuộc nhanh hơn nhiều trước đây. Vì cơ quan nào chậm trễ, thờ ơ, không xử lý các vụ việc liên quan tới trẻ em sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Không thể chỉ phê phán.
Có ý kiến cho rằng, các vụ án liên quan tới trẻ em rất khó xử lý, thậm chí có tình trạng lo lót để cho “chìm xuồng”, khi có sức ép dư luận mới phải xử lý, ông nghĩ sao?
Chúng ta có quyền nghi ngờ, nhưng không thể kết luận được, vì vấn đề này rất nhạy cảm, nói ra phải có bằng chứng. Trong Chỉ thị 18/2017, Thủ tướng cũng lưu ý các cơ quan công an, tòa án phải xử lý dứt điểm các vụ án bạo hành, xâm hại trẻ em còn tồn đọng; các vụ mới xảy ra thì phải khẩn trương điều tra, xử lý qua đó chứng minh không để “chìm xuồng”.
Vậy tại sao làm nhiều như thế mà các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn tăng? Thời gian tới, Cục sẽ làm gì để hoạt động bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn?
Thực tiễn các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em có tăng, và sắp tới sẽ còn tăng nữa. Do nay nhận thức của các bậc cha mẹ, xã hội đã tăng lên nên sẵn sàng tố cáo với cơ quan chức năng. Cùng với đó, khi tố cáo đều có cơ quan tiếp nhận, được xử lý, thông tin người tố cáo được bảo mật và bảo vệ. Do đó, người dân sẵn sàng tố cáo nhiều hơn so với trước, nên số vụ bạo hành, xâm hại trẻ em bị tố cáo qua cơ quan nhà nước, báo chí sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Cảm ơn ông.
Theo thống kê qua Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111, hoặc 18001567), trước năm 2017, mỗi năm tổng đài nhận khoảng 300.000 cuộc gọi liên quan tới trẻ em. Riêng năm 2017, tăng lên khoảng 400.000 cuộc gọi. Trong đó có vài trăm cuộc liên quan bạo hành, xâm hại trẻ em. Thống kê từ năm 2012 tới tháng 5/2017, tổng đài tiếp nhận 698 cuộc gọi tố cáo trẻ em bị bạo hành, trong đó trẻ là nạn nhân bạo lực gia đình chiếm 63,2%, trẻ là nạn nhân bạo lực học đường chiếm 20,1%…
Nguồn tienphong.vn