Bố bạo hành con gái dã man vì nấu cơm muộn: “Lạm quyền và vi phạm pháp luật”

Theo chuyên gia pháp lý, đối với hành vi của người bố cần phải có chế tài xử lý thật nghiêm, nếu không muốn nó trở thành một tiền lệ xấu và có thể tái diễn.

Như trước đó Báo Gia đình và Xã hội đã đưa tin, mới đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip có độ dài hơn 1 phút ghi lại cảnh một người đàn ông trung tuổi, cởi trần có hành vi đánh đập, chửi bới một bé gái. Được biết người đàn ông và bé gái bị đánh đập có quan hệ bố con.

Người đàn ông có hành vi đánh con xuất hiện trong đoạn clip tên Trần Văn T. (SN 1977) và sự việc trên xảy ra vào tối ngày 22/12.

Được biết vợ chồng anh T. có 4 người con. Hiện 2 vợ chồng đang trong thời gian sống ly thân.

Chia sẻ với PV, cháu H. (người bị đánh trong clip) cho biết, chiều 22/12, do lúc đi học về, chiếc xe đạp điện của H. bị hỏng giữa đường nên cháu trở về nhà muộn và không kịp nấu cơm.

“Bố về nhà thấy cháu chưa nấu cơm cho 2 em ăn nên chửi bới rồi lôi cháu ra ngoài đánh. Bố liên tục tát, đá vào đầu, đạp vào bụng cháu. Lúc bị bố đạp, cháu gập người xuống ôm bụng thì bố lấy cùi chỏ tay đánh vào lưng. Bố còn bắt cháu cho số điện thoại để hỏi cô giáo vì sao lại đi học về muộn như vậy”, cháu H. cho biết.

Cháu H. thông tin thêm, do bố mẹ thường xuyên đi làm thỉnh thoảng mới về nhà nên việc chăm sóc 2 em nhỏ chủ yếu do H. chịu trách nhiệm. Cháu H. chia sẻ, 3 chị em thường xuyên bị bố đánh trong nhiều năm qua.


Do không kịp chuẩn bị cơm nước, cháu H. đã bị bố đẻ bạo hành dã man. Ảnh: Cắt từ clip

Do không kịp chuẩn bị cơm nước, cháu H. đã bị bố đẻ bạo hành dã man. Ảnh: Cắt từ clip

Liên quan đến vụ việc trên, thạc sỹ Luật học Vũ Tuấn – Công ty TNHH tư vấn Hưng Việt, Hà Nội bày tỏ quan điểm:

“Thứ nhất về góc độ luân thường, đạo lí, ông bà ta có câu “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Đó là truyền thống và đạo lý về việc răn dạy con trẻ của các bậc phụ huynh. “Roi vọt” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là những lời lẽ thẳng thắn, những “đòn roi” có chủ đích để dạy bảo, khuyến khích con trẻ thực hiện, tuân theo những quy tắc, đạo lý của xã hội, gia đình.

Tuy nhiên, khái niệm này rất dễ bị “xô đổ” bởi tâm lý nóng nảy của các bậc cha mẹ khi con mắc lỗi. Khi truyền thống này bị lấn át bởi những ông bố, bà mẹ không biết kiềm chế hoặc lạm dụng hành vi sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc, thậm chí gây nên những “vết thương lòng” cho những đứa trẻ.

Về góc độ pháp lý, trong xã hội hiện đại, thể chất, tinh thần và nhận thức của con trẻ được đề cao và bảo vệ một cách tuyệt đối. Điều này được thể hiện rất rõ qua quy đinh của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013. Điều 37 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Cụ thể hơn nữa, tại điều 27 Luật trẻ em 2016 quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em”; Điều 100, Luật trẻ em 2016 cũng nêu rõ trách nhiệm của gia đình, cha mẹ, giáo viên nói riêng và xã hội nói riêng đối với việc “Bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự, bí mật đời sống riêng tư của trẻ em”.

Về khía cạnh liên quan đến hình sự, tùy tính chất của từng sự việc, người bạo hành trẻ em có thể bị xem xét xử lý hình sự về một trong các tội danh sau đây:

Tội cố ý gây thương tích (Điều 134, BLHS 2015) quy định: Người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tội ngược đãi hoặc hành hạ con, cháu (Điều 185, BLHS 2015): Nếu ông bà, cha mẹ có hành vi thường xuyên làm cho con, cháu (dưới 16 tuổi) bị đau đớn về thể xác, tinh thần; đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm”.

Nguồn giadinh.net.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *