Bước phát triển mới trong công tác bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bến Tre

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bến Tre nhận thêm nhiệm vụ Bảo vệ quyền trẻ em trong thời điểm nhà nước có bước thay đổi lớn về chính sách liên quan tới trẻ em: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020 và Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em trong đó có quy định về vai trò của các tổ chức xã hội và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trong Điều 92 của Luật. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo việc thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em theo mô hình lồng ghép với Hội nạn nhân chất độc da cam/đioxin.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN Lê Thị Thu cùng lãnh đạo Hội NNCĐDC/dioxin-BVQTE tỉnh Bến Tre Trao quà, học bổng cho trẻ em

Ngày 24/6/2016 Hội đã tổ chức Đại hội bất thường để đổi tên Hội thành Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin- Bảo vệ quyền trẻ em, thông qua Điều lệ Hội sửa đổi, bổ sung và bầu bổ sung Ban chấp hành, Ban Thường vụ và thường trực Hội để phụ trách công tác Bảo vệ quyền trẻ em và đi vào hoạt động từ tháng 7 năm 2016 đến nay.

Qua 2 năm hoạt động theo mô hình lồng ghép hai nhiệm vụ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và Bảo vệ quyền trẻ em, đã đạt được những kết quả bước đầu như: Phát triển tổ chức để Hội cấp huyện, cấp xã đều bổ sung thêm nhiệm vụ Bảo vệ quyền trẻ em; Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên, giáo viên, phụ nữ, cựu chiến binh (15 lớp với trên 2000 người tham dự); Tăng cường công tác truyền thông Luật Trẻ em và pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em qua Báo, đài, qua mạng và tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở;  Phối hợp với Sở Lao động- Thương binh- Xã hội tổ chức diễn đàn, hội thảo, thi diễn tiểu phẩm để tuyên truyền Luật Trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn, thương tích, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhân ngày 1/6 và tháng hành động vì trẻ em; Thực hiện tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục ;trẻ em dưới 36 tháng tuổi được sống với mẹ; đăng ký khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Tham gia công tác vận động chính sách và nghiên cứu phản biện chính sách có liên quan đến trẻ em như góp ý Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, các dự án phát triển đô thị; Tham gia góp ý các dự án Luật. Tham gia khảo sát, kiến nghị về công tác hòa giải cơ sở; tình hình thực hiện cai nghiện ma túy tại cộng đồng và tình hình đầu tư cơ sở hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới có liên quan đến trẻ em; Tích cực vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ chăm sóc, trợ cấp thường xuyên cho 1.323 trẻ em là nạn nhân da cam. Tặng trên 40.000 phần quà cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong dịp trung thu, lễ, tết qua các chương trình” Trung thu yêu thương”, ” Mùa xuân cho em”, “Vì nạn nhân chất độc da cam”. Thực hiện các Chương trình trợ giúp học bổng cho  2.496 sinh viên học sinh đối tượng mồ côi khuyết tật con em gia đình có người nhiễm chất độc hóa học như: Chương trình học bổng “ngăn dòng bỏ học”; Chương trình“ Thắp sáng những ước mơ” chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 2008 học sinh với số tiền 1.215.450.000 đồng; hỗ trợ học phẩm 2.619 suất với số tiền 667.560.000 đồng (bao gồm tập viết, xe đạp, quần áo đồng phục học sinh). Vận động tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh nghèo vùng hạn mặn; vận động hỗ trợ xây 1 trường mẫu giáo, sửa 2 trường học; xây 14 cây cầu nông thôn vùng sâu để các em đến trường thuận lợi; Hỗ trợ xây nhà tình thương; tạo sinh kế cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; trực tiếp vận động hỗ trợ đột xuất cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, tai nạn, bị xâm hại…

Qua kết quả bước đầu thực hiện thêm nhiệm vụ Bảo vệ quyền trẻ em cho thấy việc lồng ghép Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Hội Bảo vệ quyền trẻ em là phù hợp, không làm phát sinh Hội mới, phát huy hiệu quả hoạt động của cán bộ, hội viên và mở rộng sự tham gia Ban chấp hành của đại diện chính quyền, đoàn thể có liên quan đến trẻ em. Vị trí, vai trò của Hội được nâng lên. Hội nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự hướng dẫn hoạt động của Sở Nội vụ, Sở Lao động- Thương binh và xã hội thường xuyên hơn. Sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan sâu, rộng hơn qua các chương trình, kế hoạch phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Tỉnh Đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… Sự hỗ trợ thường xuyên của Trung ương Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt nam và Bộ Lao động Thương binh- Xã hội. Cán bộ, hội viên trong hệ thống Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin- Bảo vệ quyền trẻ em các cấp trong tỉnh nhiệt tình, tích cực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền trẻ em theo Điều 92- Luật Trẻ em, gắn với việc bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, người nghèo, người khuyết tật.

Thời gian tới Hội sẽ tiếp tục phát triển tổ chức, nâng cao năng lực cho Hội viên.Tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức Chính trị- xã hội,  các tổ chức xã hội, cơ quan Báo, Đài để tuyên truyền Luật Trẻ em, Chỉ thị số 18/CP ngày 16/5/2017 của Thủ Tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và những văn bản có liên quan; Tuyên truyền Điều lệ hội và các nội dung hoạt động của Hội để nhiều người biết, tham gia công tác bảo vệ quyền trẻ em. Đẩy mạnh các hoạt động trực tiếp bảo vệ quyền trẻ em như: Tổ chức tư vấn pháp lý và tâm lý cho trẻ em liên quan đến thủ tục tố tụng và xử lý hành chính. Phối hợp thực hiện công tác vận động chính sách và nghiên cứu tham gia giám sát, phản biện xã hội theo chức năng của hội được quy định trong khoản 4-điều 92 Luật Trẻ em. Vận động nguồn lực để hỗ trợ học bổng, học phẩm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, ngăn tình trạng trẻ em bỏ học do khó khăn.Tham gia thực hiện những chương trình, dự án gắn với nhiệm vụ của nhà nước về quyền trẻ em tăng cường các hoạt động phối hợp, liên kết để Bảo vệ trẻ em  hiệu quả hơn./.

                                                                    Trịnh Thị Thanh Bình

                                                         PCT. Hội NNCĐDC/dioxin-BVQTE

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *