Cách giúp teen và cha mẹ cùng nhau giải phóng áp lực học tập

Những khó khăn trong cuộc sống, gánh nặng học tập sẽ thật dễ dàng nếu như chúng mình cùng cha mẹ chia sẻ, thấu hiểu và cùng vượt qua.

Tiếng chuông cảnh tỉnh cho bậc phụ huynh và nhà trường

Nỗi sợ hãi khi kết quả học tập giảm sút, lo lắng vì không đạt được sự kỳ vọng của thầy cô, cha mẹ. Những áp lực dồn nén trong lòng teen đã dẫn tới những thảm kịch với gia đình và nhà trường.

Minh chứng hùng hồn cho sự bế tắc, áp lực trong học tập chính là những lần tự tử của học sinh ngày một nhiều.

Một nữ sinh ở Bình Phước đã viết 5 lá thư “chia tay” trước khi nhảy xuống hồ tự tử. Bạn liên tục nhắc tới từ “xin lỗi”, “hết rồi, tất cả kết thúc rồi”…

Có những trường hợp xa gia đình theo học trường nội trú, trường chuyên, vừa phải học cách tự lập trong cuộc sống còn phải gồng mình trước “thiết quân luật” trong trường học. Không có ai để tâm sự, chia sẻ, thời gian dài dẫn tới trầm cảm và đi tới cái kết không thể buồn hơn là…tự tử.

Các bạn ấy nghĩ rằng chấm dứt cuộc sống sẽ không còn phải bế tắc, đau buồn, xấu hổ với bạn bè thầy cô, sợ hãi với sự kỳ vọng của cha mẹ. Thế nhưng còn lại chính là nỗi buồn u ám với gia đình và nhà trường.

Nhiều người cho rằng nguyên nhân dẫn tới hành vi tiêu cực này thuộc về gia đình, nhà trường và chính bản thân các bạn học sinh.

Như ở trường hợp đau xót của bạn H.T.C (Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP. Hồ Chí Minh), trong bức thư tuyệt mệnh đã nói rằng: “Con xin lỗi ba má. Con đã không đáp ứng được mong mỏi của ba má. Con xin lỗi”. Do áp lực học tập, điểm số và áp lực từ gia đình mong muốn con mình được đứng đầu khối đã khiến C đưa ra quyết định đau đớn đến vậy. Gia đình của C đã không được ở gần bạn trong những tháng ngày học tập ở trường và cũng giao phó mọi trách nhiệm giảng dạy cho nhà trường kèm theo những kỳ vọng lớn lao chẳng có sự sẻ chia thân thiết.

Thế nhưng một “gia đình thứ 2” cũng chưa có sự quan tâm đúng mực với tâm lý của học sinh. Sự khắt khe, kỉ luật của trường chưa thấy thành quả với C ở đâu, nhưng cũng khiến bạn thêm phần áp lực, nặng nề. Nhất là ở lứa tuổi dậy thì, teen chúng mình rất cần được chia sẻ, chăm sóc tâm lý đặc biệt. Với tính cách “nổi loạn” chỉ cần không xác định đúng định hướng có thể trượt dài trong bi kịch, mất đi cơ hội được sống vui vẻ, hạnh phúc.

Quan trọng nhất là teen đã thiếu đi sự chia sẻ đã khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa rời và các bạn học sinh không biết giải quyết sự bế tắc trong việc học tập của mình từ đâu.

Sau đây là lời khuyên của TS. Vũ Thu Hương giúp pama cùng con giải phóng những áp lực học tập:

1. Cha mẹ đừng áp đặt theo kiểu “gen di truyền”

Suy nghĩ “ngày xưa mình học giỏi thì bây giờ con mình cũng phải học giỏi” không đúng đâu nhé. Nếu nghĩ kiểu con người giỏi nhất định phải giỏi sẽ khiến các bố mẹ gia tăng áp lực điểm số lên đầu trẻ con vô cùng oan uổng.

2. Mỗi 1 con người đều có khả năng nhất định

Cha mẹ cần tìm và phát huy đúng khả năng mình có mới là con đường đúng đắn để vươn tới thành công. Chứ chạy theo so sánh với con nhà khác sẽ chẳng bao giờ đem lại kết quả gì. Ví dụ một bạn học kém thường xuyên bị cô giáo mắng mỏ hoàn toàn có thể trở thành một ca sĩ nổi tiếng trong tương lai. Vì thế, ép bạn ấy phải luôn được điểm 10 môn Toán, Văn sẽ hoàn toàn là vô nghĩa. Hãy tin tưởng vào con các bố mẹ nhé.

3. Điểm số bây giờ sẽ hoàn toàn vô giá trị trong tương lai

10, 20 năm nữa sẽ chẳng có ai hỏi đến điểm số của con ngày hôm nay. Thậm chí, nếu tuổi thơ học quá giỏi mà lớn lên cuộc sống không suôn sẻ còn khiến các bạn ấy tủi hổ. Vậy nên đừng để điểm số làm con thiếu tự tin các cha mẹ nhé.

4. Tương lai không dành riêng cho những người điểm 9,10

Điểm 7,8 thậm chí 5, 6 vẫn đường hoàng lên lớp, vẫn có chỗ trong các ngôi trường ở cấp cao hơn chứ tương lai không dành riêng cho những người điểm 9,10. Do vậy, đạt yêu cầu là mức đủ để cho các bạn nhỏ tiếp tục con đường học vấn. Các cha mẹ không cần phải quá lo lắng ép con đi học thêm chỉ vì áp lực điểm 10.

5. Thành công quá sớm sẽ khiến teen bị áp lực

Liệu cuộc sống đầy áp lực để đạt tới thành công như vậy có hạnh phúc? Chẳng lẽ các cha mẹ muốn con mình bất hạnh?

6. Thất bại trong học tập là bài học quý giá

Con trẻ thi trượt, đúp, học lại 1 năm sẽ là bài học quý giá để các con khiêm tốn hơn, nhìn nhận mọi thứ chính xác và cẩn trọng hơn sẽ là tiền để cho thành công về sau. Trượt đại học hay trượt cấp 3 không phải là đại họa hủy hoại toàn bộ tương lai để cả nhà phải sợ rúm ró mà gây áp lực học tập lên con mình. Hãy cho trẻ được phép thất bại để học nhiều hơn nha cha mẹ.

7. Đừng so sánh với “con nhà người ta”

Con người khác có thể điểm cao, học giỏi nhưng chắc gì đã lễ phép, ngoan ngoãn và giỏi việc nhà như con mình. Đừng nhìn vào tờ giấy khen của con nhà người để nghĩ con mình là đồ bỏ đi nhé.

Nguồn thieunien.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *