Cần kết nối và hành động vì trẻ em một cách thiết thực, bền vững hơn

Ngày 28/3/2024 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chủ trì tổ chức diễn đàn các tổ chức xã hội hoạt động về trẻ em về thực hiện quyền trẻ. Diễn đàn là hoạt động thường niên của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhằm tạo cơ hội để các tổ chức xã hội hoạt động về trẻ em trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ, cập nhật thông tin thực hiện quyền trẻ em theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em và quy định pháp luật Việt Nam về quyền trẻ em.

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa phát biểu khai mạc Diễn đàn

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa phát biểu khai mạc Diễn đàn

Diễn đàn đã thu hút sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hơn 100 đại biểu đại diện cơ quan Nhà nước như Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Hội LHPN Việt Nam, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế hoạt động về trẻ em, báo chí truyền thông và cơ sở Hội thành viên của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam từ 27 tỉnh/TP.

Tại Diễn đàn, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã cập nhật kết quả công tác trẻ em năm 2023 đã đạt được một số thành tựu trong rà soát, hoàn thiện văn bản pháp luật về trẻ em; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các vấn đề thực hiện quyền trẻ em và các vụ xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, năm 2023 vẫn còn những tồn tại về vấn đề liên quan tới trẻ em như tình hình xâm hại trẻ em và trẻ làm trái pháp luật vẫn diễn biến phức; tai nạn thương tích đặc biệt là đuối nước còn ở mức cao, nhân lực cho công tác trẻ em còn thiếu và yếu nhất là cấp xã, nguồn ngân sách của Nhà nước phân bổ cho công tác trẻ em còn chưa còn hạn chế. Ông Đặng Nam cũng nhấn mạnh: “Cần hành động thiết thực hơn, mang tính chất bền vững, tiếp cận theo hướng các hoạt động hỗ trợ cộng đồng mang tính từ thiện chuyển sang xã hội hỗ trợ mục tiêu Nhà nước và hỗ trợ trẻ em một cách bền vững như hỗ trợ học bổng cho trẻ đi học thay vì tặng quần áo, sách vở và cần ưu tiên nguồn lực, ngân sách Nhà nước đảm bảo cho công tác trẻ em, mỗi một hội viên của các tổ chức xã hội cần là một mô hình thiết thực trong bảo vệ trẻ em”.

Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ thông tin về công tác trẻ em tại Diễn đàn

Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ thông tin về công tác trẻ em tại Diễn đàn

Ông Khuất Văn Quý – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại diễn đàn cũng đã chia sẻ một số quy định có liên quan đến trẻ em trong các văn bản hướng dẫn Luật phòng chống bạo lực gia đình và định hướng sửa đổi Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình. Ông Khuất Văn Quý cũng nhấn mạnh về trẻ em là nhóm đối tượng yếu thế, đặc thù vì vậy đã có biện pháp và chính sách riêng để bảo vệ, hỗ trợ và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực trẻ em trong gia đình và có Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình quy định rõ quyền và bổn phận của trẻ em với các thành viên khác trong gia đình. Ông Quý cũng đề nghị các đại biểu có thể đóng góp hoàn thiện hệ thống thu thập dữ liệu về phòng chống bạo lực gia đình đang được lấy ý kiến người dân trên cổng thông tin của Bộ.

Ông Khuất Văn Quý – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao đổi tại Diễn đàn

Ông Khuất Văn Quý – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao đổi tại Diễn đàn

Tại hội trường, các đại biểu cũng được nghe ông Nguyễn Trung Thành – Phó trưởng phòng Chính sách, Cục Bảo trợ (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cập nhật một số quy định mới về chính sách trợ giúp xã hội cho trẻ em khuyết tật trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 20/2021/NĐ-CP. Các đại biểu cũng quan tâm đến chế độ trợ cấp cho đối tượng trẻ em khuyết tật và xác định mức độ khuyết tật của trẻ em khuyết tật được trợ cấp xã hội. Trao đổi cùng đại biểu, ông Trung cũng nhấn mạnh việc xác định mức độ khuyết tật cũng đã được quy định rất rõ trong Luật Người khuyết tật, Nghị định 28 hướng dẫn thi hành Luật Người khuyết tật cũng quy định Hội đồng xác định mức độ khuyết tật tại trụ sở UBND trạm y tế, tại nhà đối tượng nếu đối tượng không đến địa điểm trên để xem xét mức độ khuyết tật, trẻ em dưới 16 tuổi thì sẽ được hưởng mức trợ cấp xã hội cho trẻ khuyết tật sẽ cao hơn so với người khuyết tật từ đủ 16 tuổi.

Ông Nguyễn Trung Thành – Phó trưởng phòng Chính sách, Cục Bảo trợ (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) trao đổi tại Diễn đàn

Ông Nguyễn Trung Thành – Phó trưởng phòng Chính sách, Cục Bảo trợ (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) trao đổi tại Diễn đàn

Đại diện cho phụ huynh có con khuyết tật, chị Chử Thị Thanh Hương – Hội cha mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam đã chia sẻ những khó khăn, thách thức mà cha mẹ có con khuyết tật gặp phải đặc biệt là trong hỗ trợ trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Chị Hương cũng kiến nghị các Bộ, ngành làm việc trong lĩnh vực khuyết tật và trẻ em hỗ trợ, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật hòa nhập và tăng cường nâng cao nhận thức cho cha mẹ trẻ khuyết tật về quyền của trẻ khuyết tật và có thể tìm kiếm thông tin, đơn vị hỗ trợ, dịch vụ chỗ trợ hòa nhập và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tại cộng đồng.

Bà Chử Thị Thanh Hương - Hội cha mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam chia sẻ trực tuyến trong Diễn đàn

Bà Chử Thị Thanh Hương – Hội cha mẹ trẻ khiếm thính và người khiếm thính Việt Nam chia sẻ trực tuyến trong Diễn đàn

Đại biểu tham gia Diễn đàn cũng đã được chia sẻ một số mô hình, sáng kiến trong bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại trong gia đình và trên môi trường mạng do đại diện các tổ chức quốc tế làm về trẻ em như tổ chức Cứu trợ trẻ em, tổ chức ChildFund Việt Nam trình bày và được cập nhật xu hướng về vấn đề trẻ em hiện nay do bà Nguyễn Thị An – Đồng chủ trì Nhóm công tác về trẻ em (CRWG) chia sẻ trong Diễn đàn.

Bà Nguyễn Thị An – đại diện Nhóm Công tác về quyền trẻ em cập nhật xu hướng về vấn đề trẻ em hiện nay

Bà Nguyễn Thị An – đại diện Nhóm Công tác về quyền trẻ em cập nhật xu hướng về vấn đề trẻ em hiện nay

Phiên thảo luận chuyên đề cũng đã được các đại biểu tập trung chia sẻ đề xuất, kiến nghị nhằm tăng cường thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho trẻ em khuyết tật và vai trò của các tổ chức xã hội tại địa phương trong tham gia thực hiện chính sách liên quan tới trẻ khuyết tật; vai trò của tổ chức xã hội trong Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, vận động cam kết không có hành vi bạo lực gia đình; tư vấn, hòa giải, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; tiếp nhận, thu thập thông tin để phản ánh, kiến nghị, chuyển gửi;chia sẻ thông tin giữa cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội. Đại biểu cũng đề xuất cần quan tâm tới đối tượng bạo lực, xâm hại tình dục vào nhóm đối tượng được hỗ trợ khẩn cấp.

Thảo luận nhóm theo chuyên đề về bảo trợ xã hội

Thảo luận nhóm theo chuyên đề về bảo trợ xã hội

Thảo luận nhóm theo chuyên đề về phòng chống bạo lực trẻ em

Thảo luận nhóm theo chuyên đề về phòng chống bạo lực trẻ em

Chị Nguyễn Hạnh Ngân – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Chăm sóc rối nhiễu tâm trí chia sẻ tại Diễn đàn: “Thông qua diễn đàn tôi đã nhìn nhận được điểm mạnh mà các trung tâm cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đã thực hiện được. Các ý kiến của đại biểu đều sát với tình hình thực tế trong công tác bảo vệ quyền trẻ em nói chung, có thể đóng góp cho việc xây dựng, điều chỉnh các quy định cho trẻ nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng. Tôi cũng đã đưa ra được ý kiến trong việc tăng cường chất lượng của các trung tâm cung cấp dịch vụ về bảo vệ trẻ em. Tôi hi vọng sẽ được tham gia thêm nhiều diễn đàn của Hội để có cái nhìn tổng quát hơn và chia sẻ được ý kiến cá nhân để tăng cường hiệu quả hơn cho công tác bảo vệ trẻ em”.

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn

Kết luận tại Diễn đàn, Chủ tịch Hội Bảo về quyền trẻ em Việt Nam đánh giá cao kết quả cốt lõi mà các đại biểu đã tham gia thảo luận theo các chuyên đề của diễn đàn và hai kết quả thảo luận cũng cho thấy quyết tâm cao của các tổ chức xã hội trong thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em. Thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã triển khai hiệu quả mô hình “Phiên tòa giả định” và chương trình “Kỷ luật tích cực” tại một số tỉnh/TP cho thấy khả năng ứng dụng và mở rộng triển khai các mô hình, chương trình nếu được cơ quan Nhà nước tạo điều kiện và huy động được sự tham gia, đồng hành cùng các cá nhân, tổ chức khác trong cộng đồng thì vấn đề giáo dục trẻ em phi bạo lực sẽ trở thành ứng xử văn hóa tốt đẹp truyền đến các thế hệ sau. Về nội dung liên quan tới trợ giúp xã hội rất khó thực hiện quyền của trẻ như quyền chăm sóc sức khỏe của trẻ khuyết tật, nhưng nếu có sự tham gia, đóng góp của các tổ chức xã hội cũng sẽ góp phần trợ giúp cho nhóm trẻ em khuyết tật và giúp các em hưởng các quyền được tốt hơn. Gần 30 ý kiến góp ý cho 2 chuyên đề sẽ được Hội tổng hợp và gửi tới các cơ quan Nhà nước liên quan để cùng Nhà nước thực hiện tốt hơn quyền của trẻ em trong thời gian tới.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *