Cần làm tốt hơn, cụ thể hơn hoạt động bảo vệ quyền trẻ em phù hợp với tình hình mới

Ngày 11/7/2025, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tại 23 điểm cầu tỉnh, thành phố nhằm nắm bắt tình hình tổ chức hoạt động và chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữa các Hội tỉnh, thành phố trong xây dựng đề án sắp xếp tổ chức hội, bổ sung nhiệm vụ “bảo vệ quyền trẻ em” sau khi sáp nhập. Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa đã chủ trì hội nghị, cùng tham dự có các ông, bà Phó Chủ tịch Hội: Lương Thế Khanh, Hà Đình Bốn, Đặng Hoa Nam, Mai Thị Ngọc Mai, Vũ Thị Kim Hoa, Lê Tuyết Mai và các Ủy viên Ban Chấp hành, lãnh đạo các Hội địa phương.

Tại hội nghị, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đã trao đổi về tình hình tổ chức hội ở 34 tỉnh, thành phố, đồng thời thống nhất với các địa phương quan điểm nhất quán về nhiệm vụ của Hội được Đảng và Nhà nước giao tại các văn bản gồm: Luật Trẻ em năm 2016; Chỉ thị số 28-CT-TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, …. Trên cơ sở đó, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã ban hành công văn số 89/CV-HBVQTE ngày 09/7/2025 gửi Tỉnh/Thành ủy, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban MTTQ, Sở Nội vụ, Sở Y tế của 34 tỉnh, thành phố đề nghị: trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy các hội quần chúng tại địa phương, căn cứ vào các văn bản này, tiếp tục giao nhiệm vụ “bảo vệ quyền trẻ em”; đối với các tỉnh/thành phố chưa có tổ chức Hội, đề nghị xem xét giao nhiệm vụ “bảo vệ quyền trẻ em” cho tổ chức xã hội phù hợp.

Ông Đặng Hoa Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng khẳng định, nhiệm vụ của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật mà ít hội khác có được, cần phải được tổ chức thực hiện, đối với các địa phương không có tổ chức hội thì cơ quan, tổ chức nào sẽ thực hiện nhiệm vụ này. Vì vậy, đề nghị các hội địa phương khi xây dựng để án bổ sung nhiệm vụ “bảo vệ quyền trẻ em” cần lưu ý, không bỏ trống quy định bảo vệ quyền trẻ em của Luật và theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ tại công văn số 2363/BNV-TCPCP ngày 29/5/2019.

Các Hội tỉnh, thành phố đánh giá cao văn bản của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã kịp thời gửi đến lãnh đạo Tỉnh, Thành ủy; UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các Sở liên quan ở cả 34 tỉnh, thành phố để khẳng định nhiệm vụ “bảo vệ quyền trẻ em” cần được quan tâm, ưu tiên và giao cho tổ chức xã hội phù hợp ở địa phương, đây cũng là cơ sở pháp lý đưa vào đề án sắp xếp tổ chức hội, góp phần cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với trẻ em, để mọi trẻ em luôn được thực hiện Quyền theo quy định của pháp luật và thực hiện mục tiêu công tác trẻ em của Việt Nam.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đề nghị các địa phương tạo điều kiện để làm tốt hơn, các hoạt động cụ thể trong bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, dựa vào 25 Quyền của trẻ em để bảo vệ, không chỉ vận động để tặng quà, mà quan tâm nhiều hơn đến Quyền bảo vệ, Quyền sống, Quyền phát triển, Quyền tham gia; bảo vệ trẻ bị xâm hại, bạo lực, buôn bán, bỏ rơi, bỏ mặc, … bảo vệ Quyền không chỉ là ý nghĩa và nhiệm vụ trong nước mà còn cả đối với Quốc tế, vì Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á và nước thứ 2 trên thế giới ký Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em. Đối với các tỉnh chưa đưa tên vào Hội thì phải tích cực bảo vệ được tên Hội; quan tâm phát triển hội viên, tập huấn về Quyền trẻ em đối với những người chưa làm công tác trẻ em; tích cực góp ý nội dung Văn kiện của Đảng và đề nghị đưa bảo vệ Quyền trẻ em các các Văn kiện Đại hội Đảng, góp phần thực hiện mục tiêu để bảo vệ quyền trẻ em.

Lê Hùng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *