Cần một chính sách cho trẻ con lai miền Tây
Cuộc trao đổi của ông Park Noh Wan, tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, với báo Tuổi Trẻ xoay quanh việc tìm kiếm một chính sách để giúp đỡ hiệu quả cho trẻ em con lai tại miền Tây.
* Phía Hàn Quốc đã nắm thông tin và đánh giá ra sao về tình hình của trẻ con lai Việt – Hàn hiện nay, thưa ngài?
– Thực tế, nhiều chị em Việt Nam qua Hàn Quốc khó thích ứng được với môi trường sống, văn hóa dẫn đến hôn nhân tan vỡ.
Hiện nay có khoảng 70.000 chị em Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, trong đó có đến 50.000 người từ đồng bằng sông Cửu Long.
Mỗi năm Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM xử lý khoảng 3.000 hồ sơ cho chị em lấy chồng Hàn. Và điều lo lắng là có 15-20% phụ nữ Việt lấy chồng Hàn đã ly hôn.
Chúng tôi rất lo lắng khi có nhiều trẻ con lại Việt – Hàn theo mẹ về lại Việt Nam, theo thông tin không chính thức thì có 500 – 800 bé.
Các trẻ này vẫn mang hộ tịch Hàn Quốc nên khó tiếp cận các sự hỗ trợ giáo dục, y tế với tư cách là công dân Việt Nam.
* Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM sẽ có những việc làm cụ thể nào để hỗ trợ trẻ con lai Việt – Hàn đang sinh sống tại Việt Nam, thưa ngài?
– Nhiều trẻ con lai Việt – Hàn đang sống ở vùng sâu, vùng xa tại đồng bằng sông Cửu Long nên trước hết cần khảo sát hoàn cảnh, điều kiện sống của các em. Sau đó chúng tôi sẽ nghiên cứu phương hướng hỗ trợ phù hợp.
Thứ hai, hiện nay các doanh nghiệp của Hàn Quốc đang dần chuyển hướng làm ăn đến các vùng khó khăn ở các tỉnh phía Nam Việt Nam, chúng tôi sẽ kêu gọi các doanh nghiệp này tuyển dụng các chị em lấy chồng Hàn trở về để họ có việc làm, giải quyết khó khăn về kinh tế.
Thứ ba là Tổ chức Kocun (Trung tâm Chính sách nhân quyền Liên Hiệp Quốc Hàn Quốc) sẽ tiếp tục có các chương trình để hỗ trợ trẻ con lai Việt – Hàn. Kết quả sẽ được báo cáo về phía Hàn Quốc để tiếp tục có những chính sách hỗ trợ.
Do vậy trước hết chúng ta phải có khảo sát để Chính phủ Hàn Quốc nghiên cứu hỗ trợ như thế nào cho phù hợp.
Còn về khó khăn pháp lý như báo Tuổi Trẻ đã nêu, đây là việc phức tạp. Thực tế là nếu các cô dâu Việt Nam giải quyết vấn đề hôn nhân triệt để trước khi trở về thì không có vấn đề gì lớn. Nhưng đa số cô dâu Việt tự bỏ hoặc không có biện pháp pháp lý nào trước khi bỏ về.
Vì rắc rối này, không chỉ các cô dâu Việt Nam mà nhiều ông chồng Hàn Quốc cũng không thể tái hôn. Có những ông chồng Hàn Quốc đã đến lãnh sự quán để tìm vợ, tìm con nhưng người vợ Việt Nam không cho gặp hoặc không tìm được.
Trước mắt cần nhờ các đoàn thể xã hội như Tổ chức Kocun để hỗ trợ cho họ.
Tại Lãnh sự quán Hàn Quốc ở TP.HCM chúng tôi có tùy viên, lãnh sự phụ trách chính về các khó khăn của con lai Việt – Hàn cũng như phụ nữ lấy chồng Hàn. Hiện chúng tôi đang nỗ lực để có một nhân viên ngoại giao phụ trách chính về vấn đề này.
* Được biết là Chính phủ Hàn Quốc chỉ hỗ trợ các bé con lai sống tại Hàn Quốc mà không có chính sách hỗ trợ các em về nước theo mẹ, dù các em vẫn còn quốc tịch Hàn Quốc. Chính sách này liệu có thay đổi?
– Với tư cách cá nhân, trong suốt hơn 10 năm làm việc ở Việt Nam tôi rất quan tâm vấn đề giải quyết các khó khăn cho đối tượng trẻ em này. Tuy nhiên thực tế là Chính phủ Hàn Quốc chưa có nhiều thông tin về trẻ con lai Việt – Hàn tại Việt Nam.
Nhiệm vụ của tôi là làm cách nào để Chính phủ Hàn Quốc có thông tin về đối tượng các công dân đang sinh sống ở nước ngoài càng nhiều để nghiên cứu, tìm chính sách hỗ trợ.
Chính sách là chính sách, nhưng tôi hiểu chúng ta cần phải nhìn một cách tổng quát là thực tế đang có trẻ con lai Việt – Hàn ở Việt Nam đang gặp khó khăn. Và trước hết phải thay đổi được nhận thức vấn đề này.
* Với những vấn đề mà trẻ con lai gặp phải, Lãnh sự quán Hàn Quốc sẽ hỗ trợ ra sao thưa ngài?
– Lãnh sự quán đã có chương trình Kết nối yêu thương để giúp đỡ những phụ nữ lấy chồng Hàn và trẻ con lai Việt – Hàn trong hai năm 2016 và 2017 và sẽ tiếp tục tổ chức. Chúng tôi hi vọng thông qua chương trình này, các doanh nghiệp sẽ tăng nhận thức về con lai Việt – Hàn và họ có thể giúp đỡ nhiều hơn nữa.
Sau khi có kết quả khảo sát chính thức của Kocun, chúng tôi sẽ gửi thông tin để các doanh nghiệp nắm rõ.
Chúng tôi cũng hi vọng là các chương trình này sẽ tạo ra sự sức ảnh hưởng với các nước có cô dâu Việt Nam như Đài Loan, Trung Quốc… để cùng nhau giúp đỡ các trẻ con lai có một tương lai tươi đẹp hơn.
* Xin cảm ơn ngài tổng lãnh sự!
“Học bạ nội bộ”
Bà Trần Hồng Thắm, giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết ở TP Cần Thơ dù chưa có văn bản nào từ cấp thành phố nhưng các trường cũng tạo điều kiện cho các học sinh lai còn thiếu giấy tờ, thủ tục được đến trường.
Bà nói: “Nguyên tắc là vẫn cho các em học bình thường trong độ tuổi, còn hồ sơ, thủ tục thì mình bổ sung sau. Hiện tại phía sở đang phối hợp với các ngành khác tổng rà soát lại tất cả trường hợp trẻ em lai cụ thể trên địa bàn. Trách nhiệm của nhà trường là không bỏ rơi các em và hướng dẫn cho phụ huynh biết rõ đầy đủ các thủ tục, hồ sơ học hành”.
Tuy nhiên, theo bà Thắm, những gì mà ngành giáo dục Cần Thơ thực hiện để hỗ trợ các trẻ em lai này vẫn chỉ ở mức tạm thời. Học bạ của các em được tạo lập riêng và những học bạ này có thể luân chuyển từ mầm non đến cấp III nhưng chỉ trong môi trường giáo dục do địa phương quản lý.
Trong khi đó, lãnh đạo Phòng GD-ĐT Vị Thủy (Hậu Giang) cho biết học bạ của các em học sinh lai thực tế chỉ có giá trị luân chuyển ở địa phương, trong nội bộ tỉnh mà thôi.
Chính vì vậy, các em học tới đâu hay tới đó vì Bộ GD-ĐT chưa công nhận kết quả học tập của các em.
Vì vậy không thể biết khi lên đại học, học bạ của các em có được thừa nhận hay không.
Nguồn tuoitre.vn