Cây cảnh trồng trong nhà – những “cái bẫy” không ngờ

Bên cạnh tác dụng thanh lọc không khí, tạo mảng xanh cho không gian sống, nhiều loại cây cảnh thường được lựa chọn trồng trong nhà cũng có thể là “những cái bẫy chết người”, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng trẻ em vì chúng chứa độc tố nguy hiểm. Đã có một số vụ trẻ bị ngộ độc khi vô tình nhai hoặc nuốt phải những lá cây cảnh chứa độc tố.

Trẻ ngộ độc vì ngậm, nuốt lá cây cảnh 

Trong kỳ nghỉ học phòng dịch Covid-19, hai con anh Hưng (Phú Thọ) ở nhà trông nhau, vì bố mẹ vẫn phải đi làm. Một bé 10 tuổi có trách nhiệm trông em 5 tuổi và đã xảy ra tình huống khiến anh Hưng vừa bất ngờ vừa lo lắng. Đang trong giờ làm, anh nhận được cuộc điện thoại của cậu con lớn thông báo em Hương bị ngứa ở tay và môi thì sưng to. Dặn con bình tĩnh, anh Hưng xin nghỉ rồi vội phóng xe về. Đến nhà, anh thấy con gái đang khóc to. Thì ra, trong lúc cu Huy đọc sách, bé Hương chơi đồ hàng và muốn lấy lá cây cảnh trong phòng khách để gấp cái ví xinh xinh. Dùng tay bứt lá mãi không được, bé Hương liền lấy miệng cắn vào cuống lá. Một lúc sau, bé òa khóc vì cảm giác ngứa ran hết cả hai bàn tay, còn môi thì sưng, vừa đau, vừa ngứa. Anh Hưng đã rửa hai tay và lau môi cho con bằng nước sạch, rồi nước muối sinh lý, cho con uống nước muối loãng. Một lát sau, các triệu chứng dị ứng giảm dần, bé Hương hết ngứa và môi cũng bớt sưng đỏ. Sau hôm đó, anh Hưng đã chuyển hết cây cảnh từ phòng khách lên sân thượng vì nhận thấy mối nguy hiểm nếu các con tò mò bứt hay nhai lá của chúng. Tìm hiểu, anh Hưng thấy thật may mắn vì bé Hương chỉ bị dị ứng nhẹ, trong khi đã có một số bé ngộ độc, phải tới bệnh viện cấp cứu. Tháng 7/2015, tại tỉnh Tiền Giang, 3 trẻ em đã phải nhập viện khi có các triệu chứng nôn ra máu, đau rát cổ họng, sưng phù môi… sau khi ăn phải lá cây kim phát tài (cây kim tiền). Tháng 12/2016, bé Lê Yến N., 18 tháng tuổi (TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) được đưa vào bệnh viện cấp cứu vì ăn lá cây môn trường sinh trồng ở sân vườn. Toàn bộ niêm mạc môi, miệng bé phồng rộp, đau rát. Bác sĩ chẩn đoán bé bị ngộ độc lá cây môn trường sinh. Trên thực tế, không chỉ Việt Nam, tại nhiều quốc gia cũng ghi nhận tình trạng trẻ bị ngộ độc do ăn, nuốt phải lá cây cảnh.  Tháng 6/2016, bé Esteban (5 tuổi) người Mexico bị ngộ độc nặng vì ăn lá cây môn trường sinh. Cậu bé bị đau bụng dữ dội và được cấp cứu trong hơn 3 tiếng mới qua cơn nguy kịch. Năm 2107, một bé trai 5 tuổi người Thái Lan đã qua đời vì trúng phải độc cây vạn niên thanh khi cho lá vào miệng. Lúc đầu, bé cảm thấy khó chịu, nhưng gia đình chỉ nghĩ con bị khó tiêu hoặc sốt. Sau đó, da của bé đột nhiên chuyển màu bất thường, tim đập rất nhanh. Gia đình đưa bé đi cấp cứu, nhưng bé đã không qua khỏi. Trên mạng xã hội, nhiều người cũng chia sẻ những câu chuyện để cảnh báo các bậc cha mẹ về nguy cơ trẻ có thể bị ngộ độc nếu trong nhà trồng cây cảnh.

Cây kim tiền có thể gây ngộ độc nếu trẻ vô tình nhai hoặc nuốt lá. Ảnh: Anh Khánh

Những cây cảnh quen thuộc tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc

 Một số cây được nhiều gia đình trồng trong nhà như: kim phát tài (kim tiền), môn trường sinh, vạn niên thanh, hồng môn, trầu bà, lan ý… đều chứa chất độc với đường ruột – canxi oxalat – có thể gây kích ứng các phần da nhạy cảm, niêm mạc môi, lưỡi, màng nhầy trong họng, kết mạc mắt; nặng hơn có thể gây nôn nao, khó thở, co giật, hôn mê, thậm chí là tử vong. Đỗ quên cũng là một cây quen thuộc với nhiều gia đình. Tuy nhiên, tất cả các bộ phận của cây đều có chứa độc tố mang tên andromedotoxin và arbutin glucosit. Theo các nghiên cứu, một lượng từ 100-225g lá đỗ quyên đủ để gây ngộ độc nặng cho 1 trẻ nặng 25kg. Bạn có biết, phấn hoa cẩm tú cầu phát tán làm da người bị dị ứng, nhất là trẻ em? Xương rồng cảnh rất dễ trồng, tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý nhắc trẻ, vì nhựa của chúng có thể làm phồng rộp da và niêm mạc mắt nếu vô tình đụng phải. Hạn chế trồng các cây hoa cảnh có độc xung quanh nhà như cây ngô đồng, trúc đào… vì những cây này có độc nhưng hoa đẹp nên nhiều trẻ sẽ bị thu hút ngắt, chơi, “nếm” thử.  Ráy là loại cây được nhiều nhà trồng làm cảnh. Tuy nhiên, nó có thân và lá rất dễ gây ngứa và dị ứng với da. Hàm lượng sapotoxin có trong cây ráy là nguyên nhân gây nên các triệu chứng tê môi, lưỡi và cứng hàm nếu trẻ nhai hoặc nuốt phải thân, lá ráy.

Ảnh: HG

Phòng ngộ độc từ cây cảnh cho trẻ thế nào? 

Trẻ nhỏ vốn hiếu động, tò mò, ưa khám phá nên hay muốn “ăn thử”, hoặc bứt nghịch những lá cây cảnh trẻ thấy trong nhà. Khi trẻ bị dị ứng, ngộ độc cây cảnh, cha mẹ, người chăm sóc trẻ xử trí thế nào?  Nhận biết triệu chứng ngộ độc cây cảnh ở trẻ: Các triệu chứng khi trẻ bị ngộ độc cây cảnh là nôn, tiêu chảy, đau bụng, sưng họng hoặc lưỡi, khó khăn khi thở, nói và nuốt. Cũng có loại cây cảnh chỉ gây ra các phản ứng nhẹ như nổi mụn, mẩn ngứa. Một số trường hợp ngộ độc cây cảnh có triệu chứng giống cúm. Phấn hoa của một số loại cây cảnh gây khó thở cho trẻ mắc hen suyễn… Người lớn cần nhận biết các triệu chứng để có cách sơ cứu và không trì hoãn việc đưa trẻ tới cơ sở y tế. Xử trí khi phát hiện trẻ bị ngộ độc cây cảnh: Phát hiện trẻ nhai hoặc nuốt phải lá cây cảnh chứa độc tố, cần pha nước muối theo tỉ lệ 2 muỗng canh muối cùng 1 ly nước ấm cho trẻ uống. Động viên trẻ cố nôn ra, nếu không, cần kích thích để trẻ nôn. Sau khi sơ cứu, nên đưa trẻ đến bệnh viện. Cho bác sĩ biết tên loại cây cũng như thứ gì trên cây mà bé ăn phải để việc điều trị sớm hiệu quả. Tốt nhất, nên mang theo loại lá cây mà trẻ đã nhai phải để bác sĩ có thể nhanh chóng xác định độc tố gì và có biện pháp giải độc nhanh nhất. Chỉ nên mua cây cảnh khi biết nó thực sự an toàn với trẻ. Ngay cả khi biết đó là loại cây cảnh an toàn, cũng nên đặt ở bệ cao, ngoài tầm tay trẻ. Bất kỳ loại cây cảnh nào bạn định trồng cũng nên biết tên, tìm hiểu về tính độc hại của cây này. Không để hạt giống, cây giống, chậu cảnh dự định sẽ trồng cây trong nhà, vì các thứ này có thể cám dỗ trí tò mò, khiến trẻ muốn “nếm” chúng. Tuyệt đối không để trẻ em nghịch, cầm hay cho bất cứ loại lá cây nào vào miệng.  

Hồng Trần/GĐTE

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *