Cha mẹ nên biết: Trẻ mút tay nhiều sẽ gây ra lệch hàm
Từ khi sơ sinh đến 4 tuổi, trẻ có thói quen mút ngón tay sẽ dẫn đến tình trạng vẩu răng cửa, sai khớp cắn, thậm chí là lệch hàm.
Cắn, mút ngón tay là thói quen phổ biến của trẻ nhỏ hiện nay. Do không để ý hoặc cho rằng, đó là sự phát triển tự nhiên của bé…nên nhiều bố mẹ cứ mặc nhiên để bé kéo dài những thói quen ấy. Tuy nhiên, hầu hết cha mẹ không hề biết những nguy cơ tiềm ẩn mà các bé có thể mắc phải do mút ngón tay kéo dài.
Thói quen mút ngón tay kéo dài sẽ không tốt cho hàm của trẻ. (Ảnh Internet)
Bé gái nhà chị Hoa (Ba Đình, Hà Nội) gần 5 tuổi. Từ sơ sinh cho đến bây giờ, bé vẫn có thói quen mút ngón tay trước khi đi ngủ. Chị cho biết: “Trước đây, tôi cũng đã tập dần cho cháu bỏ thói quen mút tay nhưng mỗi lần trước khi ngủ, bé lại gắt ngủ, quấy khóc nhiều nên tôi cứ để thói quen ấy. Tôi nghĩ, đến độ tuổi nào đó cháu sẽ nhận thức và tự bỏ thói quen đó.”
Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Hoàng Dương, những thói quen mút ngón tay không đơn giản như các bậc phụ huynh nghĩ. Nếu thói quen kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khớp cắn, cơ hàm của trẻ nhỏ.
BS Dương cho biết, từ trong bào thai, bé đã có phản xạ tự nhiên là mút ngón tay. Vì vậy, khi được sinh ra thì bé xuất hiện 2 phản xạ đầu tiên là nếm mút và bám víu. Đó là phản xạ khả năng sinh tồn. Ví dụ, bé mút ti mẹ để ăn sữa. Thường phản xạ này sẽ kết thúc sớm khi trẻ 2-3 tuổi.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều trẻ 4-5 tuổi vẫn có thói quen mút ngón tay do thường xuyên bị đói hoặc mút bàn tay, cắn móng tay do bị tổn thương về tâm lý như: bố mẹ bận việc nên tách con sớm…Thói quen mút ngón tay kéo dài này thường để lại những hậu quả nghiêm trọng về răng lợi.
Cụ thể, thời kỳ trẻ thay răng, việc mút ngón tay trong miệng thường xuyên sẽ cản trở hoạt động của lưỡi, cơ xương hàm không vận động đúng chức năng nên xương không phát triển hết.
Ngoài ra, việc đưa ngón tay ở giữa 2 hàm răng thì sẽ gây ra hiện tượng làm chìa răng cửa, đẩy răng cửa của hàm trên đi ra phía trước, và đẩy răng cửa hàm dưới về phía sau. Từ đó gây ra 2 hậu quả: Tăng độ cắn chìa, tức người bình thường tăng khoảng 20-40mm, còn các bé thì dài hơn và có khoảng hở giữa hai hàm răng; thứ 2 là lưỡi bị hạ thấp xuống vì ngón tay giữ vào đó và làm giảm hoạt động lưỡi. Hơn nữa, bàn tay không được vệ sinh mà đưa vào miệng thì sẽ dễ bị viêm nhiễm răng miệng.
BS Dương cũng cảnh báo thêm, thói quen trên đều có nguy cơ bị hở hàm, dẫn đến trẻ sẽ thở bằng miệng thay cho thở bằng mũi bình thường. Và việc này sẽ gây viêm nhiễm đường hô hấp, hội chứng rối loạn giấc ngủ, nguy hiểm hơn là hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Từ đó, BS đưa ra lời khuyên, các cha mẹ hãy tập dần cho con bỏ thói quen càng sớm càng tốt, khoảng trước 3-4 tuổi. Ngoài ra, trẻ mút ngón tay do bị ảnh hưởng tâm lý thì các cha mẹ cần đưa con đi khám sớm để được điều trị kịp thời.
Nguồn giadinh.net.vn